Tranh cãi mua xe cũ bị tua công-tơ-mét

31/07/2023 20:04

Hà NộiChiếc sedan có đồng hồ báo 66.000 km, sau khi kiểm tra chính hãng thực tế là 180.000 km, nhưng showroom cung cấp xe không chịu trách nhiệm.

Đầu tháng 7, Nguyễn Huy Túc (Hà Nội) đến showroom Anycar tại Long Biên để chọn mua Honda City đời 2017 đã qua sử dụng, chạy hơn 66.000 km theo odo trên bảng đồng hồ (odometer - quãng đường đã lăn bánh) cũng như thông tin trên website, poster quảng cáo đính kèm xe. Sau khi kiểm tra mọi chức năng đều hoạt động bình thường, ngoại hình của xe ổn, anh Túc đặt cọc với số tiền 50 triệu đồng để giữ xe, và yêu cầu kiểm tra xe kỹ hơn trong xưởng bảo dưỡng sửa chữa chính hãng.

Mẫu Honda City cũ bị tua công-tơ-mét khách hàng đã mua tại Anycar. Ảnh: NVCC

Mẫu Honda City cũ bị tua công-tơ-mét khách hàng đã mua tại Anycar. Ảnh: NVCC

Tuy nhiên, cố vấn dịch vụ nói rằng vì xe này không bảo dưỡng trong hãng thường xuyên, bảo dưỡng ở các cơ sở dịch vụ bên ngoài là chủ yếu, nên yêu cầu anh Túc thanh toán 100% số tiền còn lại, là 350 triệu đồng (tổng chi phí mua xe 400 triệu, bao gồm cả chi phí làm giấy tờ, hồ sơ sang tên), để được mang xe đi kiểm tra chính hãng.

"Tôi tin tưởng Anycar là đơn vị chuyên bán xe cũ lâu năm, và họ cam kết nếu xe không đúng như mô tả thì được hoàn trả 100% số tiền, nên đã chấp nhận thanh toán hết, sau đó kiểm tra ở hãng sau", anh Túc chia sẻ.

Khi kiểm tra tại cơ sở chính hãng, xe anh được thông báo đã chạy hơn 180.000 km, đồng hồ công-tơ-mét trên xe đã bị tua xuống. Khi mang vấn đề này đến Anycar, Túc nhận được phản hồi "Anycar không chịu trách nhiệm về vấn đề này" vì việc tua công-tơ-mét là do chủ cũ của xe thực hiện, không phải do đơn vị tự ý làm.

"Tôi rất thất vọng, bên ký gửi xe cho Anycar làm ăn gian dối thì đúng ra Anycar phải làm việc lại với bên ấy, tại sao lại bắt tôi phải chịu cái sự dối trá đó, vì nơi tôi tin tưởng tìm tới là showroom, không phải chủ cũ của xe", anh Túc nói.

Bà Nguyễn Thị Thanh, Giám đốc kinh doanh Anycar Long Biên, khẳng định Anycar không lừa dối khách hàng về số odo bị tua, vì đây chỉ là con số mà Anycar ghi nhận lại khi xe ký gửi tại đại lý, showroom không can thiệp hiện trạng của xe.

Hợp đồng giữa anh Túc và Anycar cho thấy chiếc City được bán hàng theo kiểu ký gửi, tức bên bán vẫn là chủ cũ, Anycar chỉ là đơn vị nhận ký gửi, tìm khách chứ không phải người bán trực tiếp như một số showroom xe cũ khác. Hiểu một cách đơn giản, Anycar là đơn vị trung gian. Chiếc City mang biển vàng, tức là xe dịch vụ.

Trả lời về vấn đề khách phải thanh toán 100% mới được mang xe đi kiểm tra tại hãng, bà Thanh cho biết đây là cách bảo vệ tài sản của bên ký gửi, tránh thất thoát, mất mát. "Phía Anycar cũng đã cung cấp số khung, số máy cho khách hàng, được thể hiện trong hợp đồng đặt cọc, trước khi quyết định mua được thực hiện", bà nói.

Anh Túc cho biết cũng nhận được số khung, số máy nhưng không có biển số xe. Trong khi đó, anh nghĩ rằng phải có biển số xe mới có thể kiểm tra odo tại hãng. Thực tế, số khung, số máy cũng là một căn cứ để kiểm tra quãng đường xe.

"Nhưng nếu hãng đã có đủ thông tin để kiểm tra, vậy tại sao không làm việc này trước khi bán cho tôi", anh Túc nói.

Thông tin về mẫu xe, cùng cam kết được in trên poster quảng cáo. Ảnh: NVCC

Thông tin về mẫu xe, cùng cam kết được in trên poster quảng cáo gắn trên xe. Ảnh: NVCC

Về vấn đề này, Anycar cho biết odo không nằm trong 143 hạng mục cần kiểm tra khi đơn vị này nhập xe, vì vậy không tiến hành kiểm tra.

"Chúng tôi có 143 hạng mục và cam kết '5 tiêu chí vàng', bao gồm xe không đâm đụng ảnh hưởng đến kết cấu, không ngập nước thủy kích, động cơ nguyên bản, hộp số nguyên bản và hồ sơ pháp lý an toàn. Đây mới là những thứ quan trọng trên xe cũ, chứ không phải odo", giám đốc kinh doanh cho biết.

Bà Thanh cho rằng odo không phản ánh chất lượng chính xác của xe cũ, ngay cả khi kiểm tra trong hãng cũng không thể chính xác tuyệt đối, vì hiện tại Việt Nam chưa có một đơn vị, trung tâm nào có thể kiểm chứng chính xác điều này.

"Thông thường nếu kiểm tra trong hãng chỉ có thể thấy số km được ghi nhận trong các lần bảo dưỡng, mà số này hoàn toàn có thể bị can thiệp, thay đổi, nên rất khó để kiểm soát. Nếu có đơn vị độc lập nào đứng ra kiểm nghiệm và đảm bảo sự chính xác của odo, chúng tôi sẽ sử dụng dịch vụ này để khách hàng yên tâm", bà Thanh giải thích.

Hiện hai bên chưa thống nhất được phương án giải quyết. Trong khi anh Túc nói muốn được trả xe, nhận lại tiền thì phía Anycar cho biết đã gửi thư mời làm việc nhưng khách chưa phản hồi.

"Chúng tôi chưa thể trả lời về việc sẽ hoàn tiền hay không với trường hợp này, điều đó sẽ được quyết định khi cả hai bên đã thống nhất ý kiến với nhau qua một buổi làm việc trực tiếp", bà Thanh nói.

Rắc rối odo khi mua xe cũ

Tranh cãi giữa anh Túc và Anycar cho thấy rắc rối rất dễ gặp với người mua xe cũ liên quan đến odo. Quãng đường đã đi vốn là một yếu tố được quan tâm hàng đầu của người mua xe cũ, bởi liên quan trực tiếp đến chất lượng linh kiện, mức độ xuống cấp của xe. Bởi tâm lý này, không ít người bán là cá nhân hoặc doanh nghiệp tìm cách tua ngược công-tơ-mét để con số hiển thị ít hơn thực tế, nhờ đó giá bán xe sẽ cao hơn.

Với khách hàng phổ thông, phần đông không đủ hiểu biết về kỹ thuật để nhận định tính chính xác của odo hay không hiểu về quy trình kiểm tra xe tại hãng nên dễ bị "qua mặt".

Theo các chuyên gia bán xe cũ, việc đầu tiên khi mua một mẫu xe, là cần kiểm tra tư cách pháp nhân của nơi cung cấp. Ví dụ với Anycar, đây là đơn vị có tiếng lâu nay trong ngành xe cũ, nhưng phần đông người dùng cho rằng đây là nơi bán xe, chứ không phải kinh doanh dạng ký gửi. Ngay trên website của Anycar, những phần giới thiệu về đơn vị này cũng như các tiêu chí hoạt động cũng không đủ rõ ràng để nhận biết mô hình là ký gửi.

Bên cạnh đó, những thông tin cơ bản về xe cần nắm rõ để đưa ra nhận định ban đầu. Ví dụ chiếc Honda City 2017 trong bài viết là xe dịch vụ, có odo trên đồng hồ là 66.000 km, tức khoảng 11.000 km mỗi năm. Đây là mức trung bình của một chiếc xe sử dụng cho gia đình, không phải xe chạy dịch vụ. Với xe chạy dịch vụ, odo thông thường gấp 3-4 lần.

Thêm vào đó, nên ưu tiên lựa chọn những xe có lịch sử bảo dưỡng tại hãng đầy đủ. Nếu có dấu hiệu nghi ngờ, như xe dịch vụ nhưng số km quá ít so với năm sử dụng, hoặc odo quá thấp với tình trạng thực tế của nội thất, người mua có thể dùng số khung, số máy, biển số để kiểm tra lịch sử về xe.

Phạm Hải - Minh Vũ

Bạn đang đọc bài viết "Tranh cãi mua xe cũ bị tua công-tơ-mét" tại chuyên mục Xe.