Thế giới đứng trước làn sóng xe điện mới từ Trung Quốc

26/04/2023 13:01

Chi phí tại thị trường nội địa giảm là đòn bẩy để tạo nên làn sóng xe điện từ Trung Quốc lan ra thị trường toàn cầu.

Elon Musk, giám đốc điều hành Tesla, từng nói rằng thứ duy nhất ghìm doanh số xe điện là giá bán. Nhưng những công ty như BYD đang giải quyết vấn đề này ở Trung Quốc, và sẵn sàng giải quyết luôn cho cả thế giới.

Hai phụ nữ đang dùng điện thoại ghi hình mẫu BYD Seagull tại gian trưng bày của hãng ở Triển lãm ôtô Thượng Hải, hôm 19/4. Ảnh: Reuters

Hai phụ nữ đang dùng điện thoại ghi hình mẫu BYD Seagull tại gian trưng bày của hãng ở Triển lãm ôtô Thượng Hải, hôm 19/4. Ảnh: Reuters

Nhà sản xuất xe điện lớn nhất Trung Quốc vừa ra mắt mẫu Seagull tại Triển lãm ôtô Thượng Hải, gây ngạc nhiên với các nhà phân tích cũng như đối thủ với thông số: hành trình mỗi lần sạc hơn 300 km và giá khởi điểm chỉ từ hơn 11.000 USD - tức chỉ khoảng 25% so với giá bán phần lớn xe điện ở châu Âu.

Tesla đã giảm giá xe tại Mỹ đến lần thứ 6 kể từ đầu năm, tìm cách đẩy nhu cầu trước bối cảnh nền kinh tế bấp bênh và cạnh tranh ngày càng gay gắt. Việc giảm giá xe của Tesla cũng lan sang các hãng khác, gồm cả ở Trung Quốc.

Nhưng triển lãm Thượng Hải và Seagull cho thấy một động lực: các hãng xe Trung Quốc đang đi đầu trong việc sản xuất xe điện với khả năng cạnh tranh cao về giá bán cũng như công nghệ dù chỉ với mức ngân sách trung bình.

Rất nhiều mẫu xe từ BYD cũng như các đối thủ đồng hương sẽ có mặt ở châu Âu, Đông Nam Á và các thị trường nước ngoài khác, đe dọa các hãng xe có truyền thống lâu đời, theo các nhà phân tích.

Li L7 - một mẫu SUV điện của

Li L7 - một mẫu SUV điện của Li Auto - trưng bày tại Triển lãm ôtô Thượng Hải, hôm 18/4. Ảnh: Reuters

Patrick Koller, giám đốc điều hành của nhà cung ứng ôtô Pháp Faurecia nói, thị trường xe điện thấp cấp ở châu Âu là một làn đường rộng mở đối với các hãng xe Trung Quốc. Koller đã gặp gỡ giám đốc điều hành hoặc chủ tịch của hơn 12 hãng xe Trung Quốc tại Thượng Hải. Nhiều công ty đang tìm đường xuất khẩu sang châu Âu.

Dự đoán các hãng xe Trung Quốc có thể tìm cách bán được một triệu xe mỗi năm ở châu Âu, tức khoảng 8% thị phần tại đây hồi 2022.

Nio - cạnh tranh với những sản phẩm của các thương hiệu như BMW - nói họ có thể ra mắt một thương hiệu xe điện giá rẻ hơn với thị trường mục tiêu đầu tiên là châu Âu, cũng như đang đánh giá thị trường Mỹ.

Zeekr - một thương hiệu xe điện cao cấp thuộc Geely - cho biết họ có thể có mặt ở phần lớn các thị trường châu Âu đến hết 2026.

Xe điện Avatr 11, với giải pháp thông minh từ Huawei Inside

Xe điện Avatr 11, với giải pháp thông minh từ Huawei Inside, cũng tại Triển lãm Thượng Hải, 18/4. Ảnh: Reuters

Những hãng xe lâu đời khác đang nắm lấy lợi thế từ chuỗi cung ứng ngày càng có tính cạnh tranh với việc xuất khẩu từ Trung Quốc. Ví dụ, BMW xuất mẫu iX3 từ Trung Quốc sang Đông Nam Á và châu Âu.

Dacia - thương hiệu con của tập đoàn Renault - chuyển mẫu Spring EV, chiếc hatchback thấp cấp giống BYD Seagull, sang châu Âu và là nhà xuất khẩu xe điện lớn thứ hai từ Trung Quốc trong 2022, sau Tesla.

Trong năm ngoái, Tesla đã chở hơn 271.000 chiếc Model Y và Model 3 từ nhà máy ở Thượng Hải sang châu Âu cũng như các thị trường khác, chiếm khoảng 20% doanh số của hãng.

Nhưng làn sóng xuất khẩu lớn nhất vẫn từ các hãng Trung Quốc. BYD xuất khẩu tăng gấp 4 lần trong 2022, với gần 56.000 chiếc, dẫn đầu bởi mẫu Yuan Plus EV, theo dữ liệu từ Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Trung Quốc (CAAM).

BYD chưa công bố kế hoạch xuất khẩu cho mẫu Seagull, với giá bán thấp hơn cả sản phẩm bán chạy nhất của hãng tại Trung Quốc, Dolphin (17.000 USD). BYD sẽ bắt đầu giao Dolphin ở châu Âu từ quý IV năm nay.

"Có thể chúng ta sẽ gặp (Dolphin) ở Rome, Warsaw hay Lisbon sớm thôi", đại diện của ngân hàng đầu tư Morgan Stanley nói về chiếc hatchback chạy điện. "Chả trách mà Tesla tiếp tục giảm giá", vị này nói.

Mỹ Anh (theo Reuters)

Bạn đang đọc bài viết "Thế giới đứng trước làn sóng xe điện mới từ Trung Quốc" tại chuyên mục Xe.