Cảnh báo từ hàng xuất khẩu, cẩn trọng khi sầu riêng “phát triển nóng"

03/04/2024 20:30

Khi có tín hiệu bất thường từ thị trường xuất khẩu, việc sản xuất trái sầu riêng cần được đánh giá lại để đảm bảo bền vững, hiệu quả.

Lo ngại ảnh hưởng uy tín, thương hiệu

Đầu tháng 4/2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn đang nỗ lực xác định nguyên nhân khiến 30 lô hàng sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc bị nhiễm kim loại nặng cadimi vượt mức giới hạn quy định an toàn thực phẩm của Trung Quốc.

Theo đại diện Cục Bảo vệ thực vật, có nhiều khả năng được đặt ra. Có thể sầu riêng bị nhiễm kim loại nặng từ nhiều nguyên nhân khác nhau như trong quá trình canh tác trên đất bị nhiễm hoặc từ nguồn nước, không khí từ khí thải của nhà máy hoặc trong quá trình xử lý sau thu hoạch, người dân dùng nước sơ chế sầu riêng.

Mặc dù 30 lô hàng trên tổng số 35.000-40.000 lô hàng sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc chưa ảnh hưởng tới xuất khẩu, tuy nhiên đây là cảnh báo để ngành hàng sầu riêng của Việt Nam chủ động trong thời gian tới. Cục Bảo vệ thực vật đã có công văn đề nghị các địa phương, tổ chức, cá nhân liên quan phối hợp để xác định nguyên nhân và có khuyến cáo cho từng trường hợp cụ thể.

Khi nhận được thông tin từ Vụ Kiểm dịch động - thực vật (Tổng cục Hải quan Trung Quốc) về 30 lô hàng sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc bị nhiễm kim loại nặng cadimi vượt mức giới hạn quy định, Cục Bảo vệ thực vật đã có công văn gửi Sở An toàn thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh, Sở NN&PTNT các tỉnh Tiền Giang, Lạng Sơn, Đồng Nai, Đăk Lăk, thành phố Hà Nội, cùng các doanh nghiệp liên quan…

Theo đó, cần khẩn trương thực hiện truy xuất các lô hàng bị cảnh báo, rà soát điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có lô hàng bị cảnh báo… gửi kết quả kèm theo hồ sơ liên quan về Cục Bảo vệ thực vật để có cơ sở phản hồi cho phía Trung Quốc, tránh việc nước nhập khẩu có các kết luận ảnh hưởng tới xuất khẩu nông sản của Việt Nam.

Kinh tế vĩ mô - Cảnh báo từ hàng xuất khẩu, cẩn trọng khi sầu riêng “phát triển nóng'

Bộ NN&PTNT giao Cục Bảo vệ thực vật xem xét, tìm hiểu nguyên nhân 30 lô hàng sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc bị cảnh báo nhiễm kim loại nặng cadimi.

Báo cáo quý 1/2024 của Bộ NN&PTNT đánh giá, sầu riêng là cây trồng phát triển rất nóng trong thời gian vừa qua khi năm 2023 xuất khẩu hơn 2,2 tỷ USD. Vì vậy, sự việc trở thành lời nhắc nhở đối với nông dân, doanh nghiệp sản xuất sầu riêng. Bởi nếu các vi phạm còn tiếp diễn, phía Trung Quốc không chỉ cảnh báo mà sẽ rút mã số xuất khẩu và mã số vùng trồng, lúc đó sẽ ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu sầu riêng Việt Nam.

Ông Võ Tấn Lợi, Giám đốc Công ty TNHH XNK trái cây Phương Ngọc (tỉnh Tiền Giang), lo ngại: "Mỗi khi xảy ra những lô hàng sầu riêng vi phạm quy định thì các ngành chức năng phía Trung Quốc sẽ kiểm tra việc nhập khẩu vào thị trường họ nghiêm ngặt hơn; trong khi mặt hàng sầu riêng chỉ cần ùn ứ ở các cửa khẩu vài ngày là sẽ chín, nứt trái… gây thiệt hại vô cùng lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam".

Siết chặt sản xuất, đảm bảo chất lượng

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng việc sầu riêng bị cảnh báo vượt dư lượng chất cadimi là vấn đề nghiêm trọng, cần xem xét và điều tra nguyên nhân kỹ lưỡng. Qua câu chuyện này cho thấy, Trung Quốc đã bắt đầu kiểm soát chặt hơn vấn đề chất lượng sản phẩm.

“Thực chất Trung Quốc đã kiểm nghiệm chất lượng sầu riêng Thái Lan từ lâu. Còn Việt Nam sau một năm xuất khẩu tăng mạnh, nay phía nước bạn dần siết chặt hơn do đây là mặt hàng có giá trị cao nên họ yêu cầu phải đảm bảo an toàn thực phẩm. Cơ quan chức năng cần tiến hành điều tra kỹ nguyên nhân. Các doanh nghiệp cần kiểm soát chặt chất lượng, trước khi xuất khẩu, trong đó cần thiết có thể kiểm nghiệm đạt chuẩn trước rồi mới tiến hành thu mua, tránh ảnh hưởng đến thương hiệu sầu riêng Việt Nam”, ông Nguyên khuyến cáo.

Là địa phương có diện tích trồng sầu riêng lớn nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long với hơn 22.000ha, lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang cho biết sẽ tăng cường quản lý chặt từ khâu sản xuất, thu hoạch cho đến xuất khẩu.

Cụ thể, ngành chức năng sẽ phối hợp cùng chính quyền địa phương và các hợp tác xã làm tốt mã số vùng trồng bởi đây là khâu quan trọng. Về lâu dài để phát triển căn cơ loại trái cây "tỉ đô" này, tỉnh Tiền Giang sẽ kiểm soát chặt hơn việc quy hoạch, hạn chế trồng sầu riêng tự phát, nhỏ lẻ, nơi chưa được đầu tư hạ tầng.

Đồng thời, khuyến khích nông dân tham gia vào các hợp tác xã để sản xuất tập trung, bài bản, đầu tư khoa học kỹ thuật, có liên kết đầu ra với doanh nghiệp xuất khẩu; toàn bộ quy trình canh tác có ghi chép sổ sách, truy suất nguồn gốc rõ ràng…

Đồng tình với định hướng đó, một số doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng ở Tiền Giang phản ánh, đã từng thu mua trực tiếp tại vườn với điều kiện là sầu riêng đủ độ chín. Tuy nhiên vẫn có trường hợp nông dân yêu cầu thu hoạch toàn bộ, trong đó có cả trái còn non chưa đạt tiêu chuẩn. Thế là doanh nghiệp phải bỏ tiền đặt cọc, bởi nếu cắt trái non đưa đi xuất khẩu sẽ không đảm bảo chất lượng và ảnh hưởng về sau.

Để giải quyết việc này, các hợp tác xã cần phát huy vai trò vận động nông dân tham gia làm ăn chung sẽ dễ dàng thực hiện việc sản xuất đồng loạt và thu hoạch đồng loạt số lượng lớn, đáp ứng đúng tiêu chuẩn,  chất lượng.

Như nông dân Nguyễn Như Văn, ngụ huyện Krông Năng, tỉnh Đăk Lăk chia sẻ, trái sầu riêng phải to đều, đẹp, múi phải vàng ươm thì mới bán được giá cao. Vì vậy, nông dân cần phải thường xuyên cập nhật các biện pháp chăm sóc sầu riêng khoa học thông qua tìm hiểu trên sách báo, mạng Internet, kết hợp với kinh nghiệm thực tiễn của bản thân và những nông dân giỏi đi trước.

"Để có một vườn cây sầu riêng luôn đạt năng suất trái ổn định, chất lượng trái đồng đều, bắt mắt, trong quá trình chăm sóc nên sử dụng kết hợp các loại phân hữu cơ và phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật một cách phù hợp. Đặc biệt, đừng quá vì ham lợi nhuận mà ép cho cây ra trái quá sức. Bởi hiện nay, nhiều nông dân thấy sầu riêng được giá nên kích thích cho cây ra nhiều trái. Như vậy, cây sầu riêng sẽ nhanh xuống sức dẫn đến không đạt sản lượng, cây sẽ yếu dần và chết", ông Văn nói.