Xu thế giảm của giá gạo sẽ không thể kéo dài

01/03/2024 21:00

Các nhà phân tích thị trường cho rằng do nguồn cung bị thắt chặt nên xu thế giảm của giá gạo sẽ không thể kéo dài.

Giá lúa điều chỉnh, đẩy mạnh thu mua

Đầu tháng 3/2024, ghi nhận của Người Đưa Tin cho thấy, từ sau kỳ nghỉ Tết, các doanh nghiệp đã hoạt động trở lại để phục vụ cho các đơn hàng xuất khẩu. Như Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời đã thắng thầu một đơn hàng cung ứng 65.000 tấn gạo Bulog 65. Do vậy, tập đoàn này đã chủ động lên kế hoạch tái sản xuất sớm sau Tết.

Theo chia sẻ từ các doanh nghiệp, năm 2024 gạo của Việt Nam vẫn tăng trưởng vì xu thế thiếu nguồn cung trên thế giới hiện vẫn chưa chấm dứt, các thị trường lớn như: Philippines, Indonesia, Trung Quốc và một số thị trường truyền thống khác của Việt Nam hiện nay nhu cầu nhập khẩu gạo Việt Nam vẫn rất nhiều.

Để tận dụng cơ hội xuất khẩu, các doanh nghiệp đang thu mua từ nhiều nguồn hàng khác nhau như: mua trực tiếp từ người sản xuất, liên kết mua của các doanh nghiệp, hợp tác xã. Theo các doanh nghiệp, việc này giúp họ không rơi vào bị động khi ký kết hợp đồng bán hàng trước rồi mới đi mua hàng về sau.

Ông Nguyễn Quang Hòa, Tổng giám đốc Công ty TNHH Dương Vũ chia sẻ, hiện doanh nghiệp hầu như chỉ ký các đơn hàng ngắn hạn, không ký giao xa và cũng không ký trước trong thời gian dài vì lo ngại rủi ro về giá như năm 2023. Doanh nghiệp hạn chế bán xa, bán dài hạn, tăng cường đầu tư nhà máy chế biến để mua lúa trực tiếp từ nông dân.

Tại tỉnh An Giang, hiện giá lúa tươi được thương lái mua dao động từ 7.800 - 9.600 đồng/kg (tùy loại). Cụ thể, nếp Long An (tươi) ở mức 8.000 - 8.100 đồng/kg; lúa IR 50404 tươi giá 8.600 - 9.000 đồng/kg; Đài thơm 8 ở mức 9.400 - 9.500 đồng/kg; OM 5451 dao động từ 9.200 - 9.400 đồng/kg; OM 18 có giá từ 9.200 - 9.400 đồng/kg; lúa Nhật 7.800 - 8.000 đồng/kg…

Nông dân Nguyễn Văn Đông, ngụ huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp chuẩn bị thu hoạch gần một ha lúa Đông Xuân giống OM 5451. Tháng trước thương lái đặt cọc mua của ông với giá 9.100 đồng một kg, nhưng nay chỉ đồng ý trả 8.300 đồng.

Kinh tế vĩ mô - Xu thế giảm của giá gạo sẽ không thể kéo dài

Giá lúa gạo trên thị trường giao dịch sôi động khi doanh nghiệp tăng thu mua để chuẩn bị xuất khẩu.

Theo ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng ở tỉnh Tiền Giang, các nước nhập khẩu gạo của Việt Nam đang mua cầm chừng, chưa chốt các hợp đồng mới. Trong nước, các doanh nghiệp xuất khẩu vốn hạn hẹp nên cũng e dè thu mua khi chưa có thêm hợp đồng mới.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, lâu nay doanh nghiệp thường mua gạo từ các nhà cung ứng, nhưng gần đây đã xuất hiện các mô hình hợp tác xã nông nghiệp thương mại, nông dân tập trung bán lúa cho các hợp tác xã, sau đó hợp tác xã bán lúa lại cho doanh nghiệp.

Ông Vũ Tuấn Anh, Chủ tịch Công ty GLE nhấn mạnh: Hiện giá lúa bán tại ruộng đang giảm, nên giá gạo xuất khẩu giảm không ảnh hưởng đến doanh nghiệp, thậm chí còn tạo điều kiện để doanh nghiệp cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

“Rõ ràng gạo Việt có chất lượng cao hơn hẳn gạo Pakistan, tương đương gạo Thái Lan, thậm chí một số loại gạo của Việt Nam còn đậm đà thơm ngon hơn gạo Thái Lan, thì giá thấp là một lợi thế cho doanh nghiệp Việt”, ông Tuấn Anh nói.

Chủ động, linh hoạt để nâng cao giá trị xuất khẩu

Trên thị trường, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam và các nước giảm về khoảng 600 USD/tấn. Một số chuyên gia cho rằng, nguyên nhân chủ yếu khiến giá một số loại gạo xuất khẩu của Việt Nam giảm là do yếu tố tâm lý.

Hiện nay, các nhà nhập khẩu gạo biết rằng Việt Nam đang vào vụ thu hoạch lúa lớn nhất trong năm, nên chưa vội mua vào nên chờ giá tốt. Trong khi yếu tố thời vụ đã trở thành quy luật từ nhiều năm qua, tuy nhiên năm nay do giá gạo Việt Nam ở mức khá cao nên mức giảm mạnh hơn.

Cùng với đó, một trong những khách hàng truyền thống và mua gạo với số lượng lớn của Việt Nam là Indonesia, vừa ký được hợp đồng 500.000 tấn vào cuối tháng 1/2024 với Việt Nam, Myanmar và Pakistan.

Các nhà phân tích thị trường cũng nhận định, do nguồn cung bị thắt chặt, nên xu thế giảm của giá gạo sẽ không thể kéo dài. Ngược lại giá gạo xuất khẩu sẽ còn biến động theo chiều hướng tăng trong năm 2024.

Báo cáo hồi cuối tháng 2/2024 của Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) chỉ ra, mặc dù diện tích lúa đang có xu hướng giảm, nhưng đối với kế hoạch sản xuất năm 2024, ngành trồng trọt vẫn đặt mục tiêu giữ vững diện tích gieo trồng 7,1 triệu ha lúa. Sản lượng lúa thu hoạch trong năm 2024 theo ước tính sẽ đạt trên 43 triệu tấn và Việt Nam vẫn đảm bảo xuất khẩu từ 8 triệu tấn gạo trở lên.

Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, tính từ đầu năm đến trung tuần tháng 2/2024, xuất khẩu gạo của Việt Nam đã đạt 663.209 tấn, trị giá 466,6 triệu USD. Giá gạo xuất khẩu trung bình đạt 703,5 USD/tấn, tăng 33,65% so với cùng kỳ năm 2023.

So với cùng kỳ năm 2023, lượng gạo xuất khẩu đã tăng 14,4% (tăng hơn 83.000 tấn) trong khi đó trị giá xuất khẩu tăng tới 53% (tăng gần 161 triệu USD). Mức giá xuất khẩu gạo bình quân 703,5 USD/tấn, tăng tới 33,65% so với cùng kỳ năm 2023 (chỉ đạt khoảng 526 USD/tấn). Trước đó, năm 2023 xuất khẩu gạo cũng thu về các con số khá ấn tượng với 8,1 triệu tấn và 4,68 tỉ USD, lần lượt tăng 14,4% và 35,3% so với năm 2022.

Năm 2023, thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam là ASEAN, chiếm tới 61% trong tổng lượng gạo xuất khẩu của cả nước với 4,9 triệu tấn, tăng 24% so với năm trước. Ngoài ra, gạo Việt Nam còn xuất khẩu sang các thị trường khác như Trung Quốc, Ghana…

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam nhận xét: “Cung cầu thế giới rất khó đoán, vì gạo theo mùa vụ và tùy theo chiến lược của các quốc gia nhập khẩu cũng như áp lực an ninh lương thực lên điều hành của từng chính phủ khác nhau. Tuy nhiên, cái chúng ta có thể chủ động là sản xuất lúa giảm giá thành và mức độ an toàn thực phẩm cao. Đồng thời, điều quan trọng là các thành phần trong chuỗi đừng giành nhau lợi nhuận trong tổng lợi nhuận, thì sẽ hạn chế rủi ro cho chuỗi ngành hàng”.

Bạn đang đọc bài viết "Xu thế giảm của giá gạo sẽ không thể kéo dài" tại chuyên mục Tài chính.