Vốn hóa Hòa Phát lên cao nhất hơn 1 năm qua, "xe lu" đã thực sự trở lại?

28/06/2023 12:30

Giá cổ phiếu của Hòa Phát liên tục tăng thời gian gần đây trong bối cảnh sản lượng bán hàng và công suất sản xuất đang dần hồi phục trở lại. Tuy nhiên, công ty vẫn đối mặt nhiều thách thức trong bối cảnh nhu cầu thị trường còn yếu.

Kết thúc phiên giao dịch chứng khoán ngày 27/6 vừa qua, HPG của Hòa Phát đóng cửa tại mức giá 25.800 đồng/cổ phiếu. Với mức giá này, vốn hóa thị trường của Hòa Phát đã chính thức lấy lại mốc 150.000 tỷ đồng, cao nhất trong hơn 1 năm qua (kể từ ngày 10/6/2022).

Nếu so với mức đáy hồi tháng 11/2022, khi đó vốn hóa Hòa Phát chỉ còn 70.000 tỷ đồng, thì giá trị của Hòa Phát đến nay đã tăng gấp đôi.

Còn nếu tính từ Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 (cuối tháng 3/2023), vốn hóa Hòa Phát đã tăng thêm 30.000 tỷ đồng (+25%). Tại Đại hội cổ đông, Chủ tịch Trần Đình Long khi đó khẳng định "giai đoạn khó khăn nhất của ngành thép đã qua".

Vốn hóa Hòa Phát lên cao nhất hơn 1 năm qua, "xe lu" đã thực sự trở lại? - Ảnh 1.

Nhận định của ông Long trùng khớp với số liệu mà Hòa Phát công bố gần đây. Báo cáo tháng 5 của Hòa Phát cho thấy, bán hàng thép xây dựng, thép cuộn cán nóng và phôi thép đạt 530.000 tấn, giảm 20% so với tháng 5/2022 nhưng tăng 16% so với tháng 4 vừa qua và lên cao nhất từ đầu năm.

Công suất sản xuất thép thô đạt 565.000 tấn, tiếp tục nhích lên so với tháng trước, dù vẫn còn thấp so với cùng kỳ.

Vốn hóa Hòa Phát lên cao nhất hơn 1 năm qua, "xe lu" đã thực sự trở lại? - Ảnh 2.

Mặc dù sản lượng bán hàng và công suất sản xuất đã tăng so với các tháng trước, nhưng "xe lu" Hòa Phát vẫn đối diện với rất nhiều khó khăn, trong bối cảnh sức hấp thụ của thị trường còn yếu trong ngắn và trung hạn.

Theo Công ty chứng khoán Rồng Việt, tại mức sản lượng thép thô hiện nay, Hòa Phát đang đạt công suất huy động 80%, tương đương với việc đã huy động đầy đủ công suất của 6/7 lò cao.

Việc mở lò cao còn lại phụ thuộc vào sức tiêu thụ HRC nội địa, vẫn đang khá tiêu cực. Trong bối cảnh này, Hòa Phát đã đẩy mạnh xuất khẩu để duy trì tổng mức bán hàng HRC. Trong 5 tháng đầu năm, tốc độ xuất khẩu HRC của Hòa Phát cải thiện khả quan, tuy nhiên giá bán không có lợi trong ngắn hạn.

Tiêu thụ tôn mạ cũng cải thiện khi sản lượng tiêu thụ tháng 5 gấp đôi so với cùng kỳ, tuy nhiên phần lớn do tháng 5/2022 sản lượng tôn mạ thấp đột ngột. Lũy kế 5 tháng, sản lượng tôn mạ là 145.000 tấn, giảm so với con số 152.000 tấn cùng kỳ. Tương tự, tiêu thụ ống thép cũng đang trong đà cải thiện từ đầu năm, nhưng lũy kế 5 tháng vẫn giảm so với cùng kỳ do mức nền cao năm ngoái.

Mảng thép xây dựng vẫn chưa cho thấy sự hồi phục đáng kể, khi sản lượng tiêu thụ trong tháng 5 chỉ tương đương với tháng Tết, còn số lũy kế giảm hơn 1/3 so với cùng kỳ năm ngoái. Các sản phẩm thép xây dựng (thép dài, thép cuộn, phôi thép, thép dự ứng lự) bán trong nước vẫn là nhân tố đóng góp lớn nhất trong kết quả kinh doanh của Hòa Phát. Vì vậy, với khả năng hấp thụ của thị trường xây lắp trong nước hiện nay, Rồng Việt cho rằng doanh thu và lợi nhuận trong ngắn hạn của Hòa Phát vẫn chưa hồi phục về mức thông thường.

Chứng khoán Rồng Việt dự báo sản lượng tiêu thụ của Hòa Phát quý 2 sẽ đạt 1,8 triệu tấn, ước tính doanh thu khoảng 30.000 tỷ đồng và lợi nhuận 600-700 tỷ đồng.