Thúc đẩy hiệu quả quá trình quản trị rừng và bài toán thương mại gỗ bền vững

26/08/2022 07:00

Tại diễn đàn, các đại biểu nhấn mạnh đến các giải pháp về mặt quản lý rừng, nâng cao chất lượng nguyên liệu trong nước, cải tiến kỹ thuật và tổ chức sản xuất.

Trong khuôn khổ Dự án “Thúc đẩy quản trị rừng và thương mại gỗ hợp pháp thông qua Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu”, tài trợ bởi Liên minh châu Âu, ngày 22/8, tại Hà Nội, Trung tâm Phát triển nông thôn bền vững (SRD) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, phối hợp với Tổng Cục lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức Diễn đàn giám sát Quản trị rừng và Thương mại gỗ bền vững lần thứ 5 với cả hai hình thức trực tiếp và trực tuyến. 

Diễn đàn Quản trị rừng và Thương mại gỗ bền vững là một trong những hoạt động thường niên được tổ chức diễn ra hàng năm nhằm thúc đẩy hiệu quả quá trình quản trị rừng và theo dõi quá trình thực hiện thỏa thuận Đối tác tự nguyện thực thi Lâm luật, Quản trị rừng và Thương mại lâm sản và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam, Liên minh châu Âu. Đến nay, Diễn đàn Quản trị rừng thường niên đã tổ chức 4 lần với sự tham gia của nhiều đại biểu từ các cơ quan Chính phủ, tổ chức nghiên cứu, tổ chức trong nước và quốc tế, các Hiệp hội, các chuyên gia độc lập và truyền thông.

Phát biểu khai mạc, Tiến sĩ Nguyễn Phú Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển nông thôn bền vững cho biết, những năm gần đây, Việt Nam đã và đang tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế và chính sách để thực thi Hiệp định Đối tác tự nguyện thực thi Lâm luật, Quản trị rừng và Thương mại lâm sản. Mục tiêu của diễn đàn sẽ cập nhật hoạt động của Nhóm tư vấn trong nước cũng như thảo luận các vấn đề quan trọng liên quan đến Chương 13, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu, giám sát những vấn đề môi trường, lao động và xã hội trong các chuỗi cung ứng các sản phẩm xuất khẩu đi châu Âu, đặc biệt là gỗ và các sản phẩm lâm nghiệp.

Kinh tế vĩ mô - Thúc đẩy hiệu quả quá trình quản trị rừng và bài toán thương mại gỗ bền vững

Quang cảnh diễn đàn. 

Đánh giá về nhu cầu gỗ nguyên liệu cho chế biến gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu sang thị trường châu Âu trong bối cảnh thực hiện Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu thực thi cam kết Đối tác tự nguyện thực thi Lâm luật, Quản trị rừng và Thương mại lâm sản. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Bá Ngãi, Hội Chủ rừng Việt Nam cho biết, theo báo cáo của Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam cho thấy 6 tháng đầu năm 2022, gỗ và các sản phẩm gỗ xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh. Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát của Hiệp hội gỗ Việt Nam, 6 tháng cuối năm, thị trường xuất khẩu gỗ và đồ gỗ đơn hàng giảm rõ rệt. Kết quả khảo sát tại 52 doanh nghiệp cho thấy đơn hàng tại thị trường châu Âu, giảm đến 44,6% và thị trường Anh giảm đến 47,3%. Như vậy, tình hình sản xuất và xuất khẩu của các doanh nghiệp gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam khó có khả năng đạt được như năm 2021.

Để định hướng chính sách, hỗ trợ chế biến gỗ và sản phẩm gỗ, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Bá Ngãi  khuyến nghị, trước hết Nhà nước cần hệ thống hóa các chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp về đất đai, tín dụng, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển năng lực sản xuất, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm, thuế xuất nhập khẩu. Đồng thời, Nhà nước nên định hướng chính sách tập trung vào tiền sử dụng đất, hạ tầng, tín dụng và thị trường; phát triển năng lực sản xuất của doanh nghiệp…

Bàn về khả năng đáp ứng các quy định của thực thi cam kết Đối tác tự nguyện thực thi Lâm luật, Quản trị rừng và Thương mại lâm sản và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu về vấn đề lao động của doanh nghiệp lâm nghiệp quy mô vừa và nhỏ tại Việt Nam, Tiến sỹ Hoàng Liên Sơn, Viện Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng cho rằng, qua kết quả khảo sát tại 3 tỉnh: Tuyên Quang, Nghệ An và Bình Định cho thấy, hiện nhiều cơ quan quản lý nhưng không có đơn vị đầu mối chuyên trách doanh nghiệp vừa và nhỏ; thủ tục nhiều, phức tạp, mất thời gian; doanh nghiệp chế biến gỗ như trong phòng cháy chữa cháy yêu cầu phải có hệ thống phun sương; doanh nghiệp gặp khó khăn khi xin xác nhận nguồn gốc gỗ của chính quyền; nhiều lao động chưa rõ được lợi ích của bảo hiểm…

Các đại biểu đã thảo luận những khó khăn và thuận lợi trong tiến trình thực hiện Đối tác tự nguyện thực thi Lâm luật, Quản trị rừng và Thương mại lâm sản và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu, qua đó đề xuất giải pháp giúp các cơ quan quản lý điều chỉnh các chính sách cần thiết để đảm bảo Hiệp định được thực hiện một cách nghiêm túc và đầy đủ. Trong đó, các đại biểu nhấn mạnh đến các giải pháp về mặt quản lý, nâng cao chất lượng nguyên liệu trong nước, cải tiến kỹ thuật và tổ chức sản xuất.

Nhận định với Công Thương về bức tranh tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản trong cả năm nay Ông Nguyễn Liêm - Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương cho biết, năm nay, khả năng tăng trưởng khoảng vài phần trăm đã là rất tốt rồi, không thể đạt được con số 19% như năm ngoái. Bởi lẽ, dư địa cho ngành gỗ phát triển là rất khó, trừ khi có những đột biến về thị trường, về đầu tư của doanh nghiệp cũng như thương mại điện tử và chuyển đổi số.

Nhận định về thị trường cũng rất khó đoán định, do nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc vào xuất khẩu, ngành gỗ là ngành sản xuất, xuất khẩu là chính. Tình hình kinh tế thế giới như hiện nay, việc đạt được mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu gần như không khả thi.

Do suy thoái kinh tế, trừ ngành thực phẩm còn hầu như các ngành đều sụt giảm, trong đó ngành gỗ có sự sụt giảm mạnh nhất. Trong bối cảnh nhiều ngành xuất khẩu cùng sụt giảm thì sự hỗ trợ của Chính phủ có lẽ rất khó. Hiệp hội và doanh nghiệp cần tự tìm giải pháp cho mình để vượt qua khủng hoảng.

Hương Anh (tổng hợp)