Sự lụi tàn đáng tiếc của cây đậu nành tại Việt Nam và cuộc chinh phục lại "cô gái đỏng đảnh" suốt 2 thập kỷ của Vinasoy

06/07/2023 17:02

Năm 2010, diện tích trồng đậu tương ở Việt Nam vẫn còn xấp xỉ 200.000 ha, năng suất trung bình khoảng 10 – 15 tạ/ha. Nhưng đến năm 2022, diện tích ước tính chỉ còn 25.000ha.

"Cây đậu nành như “cô gái đỏng đảnh”, rất khó để trồng. Có thời điểm, người nông dân rời bỏ đậu nành để trồng những cây hoa màu khác" - Đại diện Vinasoy mở đầu câu chuyện về hành trình hơn 2 thập kỷ nghiên cứu và phát triển cây đậu nành tại Việt Nam.

Những năm đầu thập niên 2000, đậu nành từng là một trong những cây trồng quan trọng ở Việt Nam khi có tên trong “Danh mục giống cây trồng chính” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành năm 2004. Khi ấy, diện tích đậu nành trên cả nước khá lớn.

Số liệu của Vinasoy cho biết, đến năm 2010, diện tích trồng đậu tương ở Việt Nam vẫn còn xấp xỉ 200.000 ha, năng suất trung bình khoảng 10 – 15 tạ/ha tương đương sản lượng 200 - 300.000 tấn. Nhưng đến năm 2022, diện tích ước tính chỉ còn 25.000ha và năng suất chỉ khoảng 16 tạ/ha. Như vậy, trong khoảng hơn 10 năm, diện tích trồng đậu nành giảm đi rất nhanh mà năng suất thì tăng rất chậm.

Có 2 nguyên nhân chính cho hiện tượng này, bao gồm:

Thứ nhất, cây đậu nành đang sử dụng là các giống đậu nành cũ với năng suất thấp, không tập trung, đậu nành bị nhiễm một số bệnh như nhiễm sắt.

Th ứ hai, hiện không có diện tích đất trống trồng chuyên biệt cây đậu nành (cũng như một cây trồng khác) ở quy mô lớn.

Trong khi, mỗi năm Việt Nam chi khoảng 2 tỷ - 3 tỷ USD cho việc nhập đậu nành để phục vụ chế biến thực phẩm, thức ăn chăn nuôi và một số nhu cầu khác. Có thể nói rằng nhu cầu đậu nành cho sản xuất thực phẩm cũng như thức ăn chăn nuôi đang rất lớn.

Nắm được vấn đề, bên cạnh việc sở hữu ngân hàng hơn 1.533 nguồn gen đậu nành quý, đẩy mạnh hỗ trợ về kỹ thuật, giống cho bà con nông dân thì Vinasoy cũng phối hợp với các đơn vị đưa cơ giới hóa trong khâu thu hoạch tại các vùng trồng ở ĐBSCL.

Điều này đang dần đưa người nông dân quay trở lại cây đậu nành, dần khôi phục ngành nông nghiệp truyền thống từng bị mai một.

“Câu chuyện ESG của Vinasoy nói chung và cây đậu nành nói riêng, có 2 vấn đề chính là Bài toán môi trường và Bài toán kinh tế cho người nông dân. B ằng cách làm của Vinasoy, nhiều nông dân đang quay trở lại trồng đậu nành giống VINASOY 02 - NS do Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng đậu nành Vinasoy - VSAC phát triển từ ngân hàng hơn 1.500 gen đậu nành quý sau 10 năm thu thập”, đại diện Công ty cho biết.

Trong đó, về bài toán môi trường, hiện Công ty hỗ trợ người nông dân áp dụng phương pháp luân canh 2 lúa 1 đậu nành và xen canh với các cây lâu năm khác giúp tăng độ màu mỡ của đất. Ngoài ra, việc giảm lượng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu, giảm lượng nước tưới cũng là điểm cộng rất ý nghĩa cho việc trồng giống đậu nành VINASOY 02 - NS.

Còn về hiệu quả kinh tế, hiện Vinasoy có giống VIANSOY 02 - NS cho năng suất đậu cao, khoảng 2,5 - 3 tấn/ha giúp bà con tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Bên cạnh bộ rễ nốt sần để lại dưỡng chất cho đất sau thu hoạch, thân cây đậu nành còn có thể được tái sử dụng làm phân bón cho mùa vụ sau.

Sự lụi tàn đáng tiếc của cây đậu nành tại Việt Nam và cuộc chinh phục lại "cô gái đỏng đảnh" suốt 2 thập kỷ của Vinasoy - Ảnh 1.

Hiện giống đậu nành VINASOY 02 - NS đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp bằng bảo hộ sản xuất đại trà. Một trong những ưu thế của giống đậu nành do Vinasoy chọn tạo ra đó là vấn đề năng suất.

Phía chuyên gia, ông Nguyễn Văn Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn cho biết: “ H iện , năng suất giống của Vinasoy đạt 2 - 3 tấn /ha , cao hơn nhiều so với đậu thông thường. T hời gian chín cũng tập trung , có thể thu hoạch hoàn toàn bằng cơ giới hoá giúp tiết kiệm đáng kể chi phí ”.

Ngoài chế biến ra các sản phẩm sữa đậu nành thì việc phát triển chọn tạo các giống cây trồng đặc biệt, có khả năng chống chịu kèm theo những quy trình canh tác phù hợp là hướng đi rất đúng của Vinasoy, ông Cường nhấn mạnh. Đây theo ông sẽ là động lực cho việc phát triển cây đậu nành ở Việt Nam trong thời gian tới.

Vinasoy là thương hiệu thuộc doanh nghiệp Đường Quảng Ngãi (QNS). Với vùng nguyên liệu lớn cùng ngân hàng gen quý, QNS hiện đang dẫn đầu thị phần sữa hạt với hai thương hiệu Vinasoy và Fami. Sữa đậu nành cũng là mảng đem lại nguồn thu chính cho QNS.

Mới đây, Vinasoy đã công bố chiến lược phát triển hệ sinh thái dinh dưỡng thực vật. Đây là sân chơi không mới, và đã bùng nổ trên thế giới.

Ở Anh, doanh số bán thực phẩm từ thực vật đã tăng 243% vào 2020. Ở Mỹ, người ăn thuần chay tăng đến 600% trong giai đoạn 2014-2017; ở Bồ Đào Nha tăng 400% trong thập kỉ qua. Tại Trung Quốc, quốc gia tỷ dân này dự tính tiêu thụ thịt động vật sẽ giảm 50% đến 2030 và dinh dưỡng thực vật sẽ tăng lên 17% đến 2050.

Theo đó, dự báo thị trường dinh dưỡng thực vật toàn cầu sẽ tăng trưởng 7,4%/năm từ 2022 đến 2029. Riêng ngành sữa thực vật sẽ tăng mạnh nhất với 10,18%/năm, dự đạt 21,52 tỷ USD vào 2024, theo Tomorrow’s World Today.

Tại Việt Nam, thị trường dinh dưỡng thực vật cũng có nhiều biến chuyển rõ rệt. Quý 3/2020, Statista khảo sát 2.150 người tiêu dùng tại 4 thành phố lớn cho thấy 51% đã sử dụng đồ uống dinh dưỡng từ thực vật. Đến tháng 11/2021, Rakuten Insight tiếp tục khảo sát 4.000 người cho hay, có đến 86% đã tiêu thụ các sản phẩm thay thế từ thực vật; 44% thường xuyên ăn chúng vài lần mỗi tuần; và 87% đã thử các loại sữa thay thế từ thực vật.