Vòng rót vốn dẫn dắt bởi quỹ đầu tư Vertex Ventures SEA & India (Singapore), cùng sự tham gia của Kairous Capital (Malaysia). Khoản đầu tư này sẽ dùng đổi mới sản phẩm và đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu trong 2 năm tới bằng chính thương hiệu của Coolmate. Như vậy, tổng cộng đến nay startup này đã nhận được hơn 11 triệu USD từ các nhà đầu tư.
Tại Đông Nam Á, startup này dự định sẽ hợp tác với một số nhà phân phối chiến lược tại một số thị trường để bán hàng đa kênh, cả online lẫn offline. Trong khi thị trường Mỹ sẽ tiếp cận thông qua Amazon.
Thành lập đầu năm 2019, Coolmate là startup thời trang nam nội địa, ban đầu đi theo mô hình thương mại điện tử D2C (bán sản phẩm trực tiếp qua kênh trực tuyến), nhằm cắt giảm chi phí phân phối trong bán lẻ truyền thống. Họ hợp tác với các nhà máy may mặc tại Việt Nam, cung cấp các sản phẩm thiết kế đơn giản, có sử dụng nguyên liệu thân thiện với môi trường như cotton hữu cơ và sợi tái chế, cùng chính sách đổi trả 60 ngày không cần lý do.
Sau 5 năm hoạt động, từ thuần bán trực tuyến qua website và các sàn thương mại điện tử, Coolmate đã bắt đầu lấn sân sang bán lẻ trực tiếp, với sự hiện diện ở một số trung tâm thương mại ở Bình Dương, Huế từ tháng 2.
Vertex Ventures SEA & India là công ty đầu tư mạo hiểm chuyên hợp tác với các startup tăng trưởng cao tại Đông Nam Á và Ấn Độ, đã đầu tư vào Grab, Nium, FirstCry và PatSnap. Trong khi, Kairous Capital tập trung vào các công ty khởi nghiệp công nghệ và tiêu dùng tại châu Á, từng rót vào iPayLinks, Mercular, Pulsifi, PrimeKeeper.
Ông GenPing Liu, Đối tác tại Vertex Ventures SEA & India đánh giá Coolmate đại diện cho thế hệ mới của các thương hiệu D2C (bán hàng trực tiếp) tại Đông Nam Á, tận dụng lợi thế của chuỗi cung ứng, có tầm nhìn chiến lược. Startup này dẫn dắt bởi CEO Phạm Chí Nhu, một nhà sáng lập trẻ người Việt, hiểu tâm lý người tiêu dùng địa phương và có khát vọng vươn ra toàn cầu.
Thị trường thời trang Việt Nam trị giá 6,4 tỷ USD đang phát triển mạnh nhờ tình hình kinh tế thuận lợi và thay đổi trong thói quen mua sắm của người tiêu dùng, theo Coolmate. Chỉ riêng trong quý III, người tiêu dùng đã chi gần 4.950 tỷ đồng để mua 41 triệu sản phẩm thời trang nam trên 5 sàn Shopee, TikTok Shop, Lazada, Tiki và Sendo, theo thống kê của Metric. Nền tảng dữ liệu thương mại điện tử này dự báo thời trang cũng sẽ là một trong ba ngành hàng bán chạy nhất dịp cuối năm.
Viễn Thông