Sở hữu doanh nghiệp có cổ phiếu tăng gần 4 triệu phần trăm cùng những khoản đầu tư 'siêu lợi nhuận', Warren Buffett khẳng định vị thế 'bất bại' và không thể có phiên bản thứ 2

17/08/2023 16:30

Nhà đầu tư có lẽ nên dừng việc tìm kiếm một người như Warren Buffett.

Sở hữu doanh nghiệp có cổ phiếu tăng gần 4 triệu phần trăm cùng những khoản đầu tư siêu lợi nhuận, Warren Buffett khẳng định vị thế bất bại và không thể có phiên bản thứ 2 - Ảnh 1.

Một nhà đầu tư mới và đang “hot” thường được các phương tiện truyền thông tôn vinh là “Warren Buffett tiếp theo”. Tuy nhiên, chỉ không lâu sau đó, họ lại có những khoản đầu tư đáng thất vọng và cho thấy họ không phải là “Nhà hiền triết xứ Omaha” thứ 2.

Sam Bankman-Fried từng là một nhân vật được “ca ngợi” như vậy và hiện đang phải đối mặt với những cáo buộc hình sự. Nhưng không chỉ ông chủ của FTX, nhiều người khác cũng đang hứng chịu “lời nguyền” khi được gọi là “Warren Buffett tiếp theo”.

Bill Ackman của Pershing Square, cựu CEO của Sear, Eddie Lampert hay Chamath Palihapitiya của Social Capital đều được gọi là “Warren Buffett tiếp theo”. Song, thành tích đầu tư của họ cũng chưa thể sánh được với nhà đầu tư huyền thoại 92 tuổi.

Đến bây giờ, nhà đầu tư có lẽ nên dừng việc tìm kiếm một người như Warren Buffett.

Warren Buffett là “độc nhất vô nhị”

Kể từ khi lãnh đạo Berkshire Hathaway vào năm 1965, Buffett đã chứng tỏ ông là phiên bản “độc nhất vô nhị” của chính bản thân mình.

Điều gì khiến Buffett khó để “bắt chước” đến vậy?

Tập đoàn Berkshire trị giá 800 tỷ USD của ông có lợi nhuận trung bình hàng năm cao gấp đôi S&P 500 kể từ khi Buffett dẫn đầu một nhóm đầu tư mua phần lớn cổ phiếu quỹ của Berkshire trong những năm Lyndon Baines Johnson là tổng thống Mỹ.

Hiện tại, Berkshire sở hữu một loạt các doanh nghiệp thuộc nhiều ngành: từ công ty bảo hiểm Geico cho đến tập đoàn đường sắt BNSF, từ gần 6% cổ phần trong Apple cho đến 100% cổ phần của Dairy Queen và là cổ đông lớn của nhiều doanh nghiệp khác. Bảng cân đối kế toán của Berkshire cũng dường như “không có đối thủ”, với khoảng 150 tỷ USD tiền mặt.

Nhờ những thành tích đó, Buffett đã trở thành nhà đầu tư được nhiều người kính trọng, ngưỡng mộ nhất không chỉ ở thế hệ của ông mà còn các thế hệ kế tiếp.

Greggory Warren, nhà phân tích về Berkshire tại Morningstar, cho biết: “Tiềm lực của Berkshire không chỉ là một tập đoàn bao gồm nhiều công ty con. Sự thành công của Berkshire là nhờ Buffett ‘kết hợp thế mạnh tài chính cùng với sự nhạy bén trong đầu tư của chính ông’.”

Cổ phiếu Berkshire là “bất bại”

Trong thời gian thị trường chứng khoán Mỹ biến động dữ dội vào những năm 1960, Buffett đã mua lại hãng dệt may New England đang gặp khó khăn thông qua công ty hợp danh của ông. Hiện tại, Berkshire không còn như trước đây và có thành tích ấn tượng chưa từng có. Cổ phiếu Berkshire gần đây đạt đỉnh, khi báo lãi kỷ lục hơn 10 tỷ USD trong quý II nhờ sự hồi phục trong mảng bảo hiểm.

Cổ phiếu Berkshire ghi nhận mức tăng hàng năm 19,8% từ năm 1965 đến 2022, gấp đôi 9,9% của S&P 500. Kể từ khi Buffett lãnh đạo, cổ phiếu Berkshire tăng 3.787.464%.

Whitney Tilson, CEO của Empire Financial Research và là cổ đông của Berkshire, đã gọi Berkshire là “cổ phiếu phù hợp với đầu tư hưu trí số 1 của Mỹ” trong nhiều năm.

Bà nói: “Cổ phiếu Berkshire có sự kết hợp độc đáo giữa an toàn, tăng trưởng và định giá thấp. Cổ phiếu này là nền tảng cho bất kỳ danh mục đầu tư theo hướng thận trọng nào.”

“Núi” tiền mặt khổng lồ

Buffett luôn tập trung vào việc sở hữu một lượng lớn tiền mặt, ông từng so sánh yếu tố này với oxy. Với vị tỷ phú, đây là “nguồn tài nguyên” có thể được triển khai nhanh chóng khi cần thiết hoặc có cơ hội.

Ông nói rằng, việc nắm giữ lượng tiền mặt lớn cần thiết như một nghĩa vụ với các cổ đông, vì Berkshire đảm bảo cho cổ đông và ông muốn có sự độc lập trong thời kỳ hỗn loạn.

Khối tiền mặt lớn của Berkshire đã giúp Buffett “ra tay” nhanh chóng trong thời kỳ khủng hoảng. Năm 2011, Buffett đã “bơm” 5 tỷ USD vào Bank of American khi ngân hàng này gặp khó khăn. Ông cũng đóng vai trò “giải cứu” Goldman Sachs với khoản tiền mặt 5 tỷ USD sau sự sụp đổ của Lehman Brothers vào năm 2008. Năm 1987, ông cũng “cứu” Salomon Brothers khỏi một thương vụ thâu tóm không mong muốn.

Thành tích đầu tư đáng nể

Nhà đầu tư nổi tiếng Chamath Palihapitiya gần đây đã bày tỏ sự ngưỡng mộ với Buffett, khi gọi Buffett là “nhà đầu tư vĩ đại nhất mọi thời đại” với khoản đặt cược vào Nhật Bản.

Palihapitiya cho biết 5 tập đoàn thương mại của Nhật Bản mà Buffett rót tiền là những khoản đầu tư tốt vì họ trả cổ tức ổn định, lợi nhuận tăng ổn định. Ngoài ra, Buffett có thể phòng ngừa rủi ro trước biến động tiền tệ bằng cách bán trái phiếu Nhật Bản, thu về phần chênh lệch giữa cổ tức và thanh toán lãi coupon.

Nhiều người theo dõi Buffett tỏ ra bất ngờ khi ông chuyển hướng đầu tư vào Apple. Khoản đặt cược này trị giá đến 177 tỷ USD và chiếm tỷ trọng lớn nhất trong danh mục đầu tư cổ phiếu của Berkshire.

Dù Buffett nổi tiếng với việc không tiếp xúc với cổ phiếu công nghệ và Apple cũng khác xa với “sở trường” của ông. Tuy nhiên, vị huyền thoại đầu tư đã so sánh nhà sản xuất iPhone với một công ty kinh doanh sản phẩm tiêu dùng và cho biết ông ấn tượng với những đợt mua cổ phiếu quỹ của Apple. Apple đã có chương trình mua cổ phiếu lại cổ phiếu phổ thông 90 tỷ USD vào năm 2022 và một đợt khác vào năm 2023.

Khoản đặt cược của Buffett vào Apple đã mang về cho Berkshire hơn 100 tỷ USD kể từ năm 2016.

Rõ ràng rằng, dù ai là “nhà hiền triết xứ Omaha” thứ 2 thì có lẽ họ cũng chỉ “nằm mơ” mới đạt được những thành tích tương tự.