Ngành Hải quan triển khai biện pháp mạnh thu hồi và xử lý nợ thuế

06/04/2023 17:31

Tổng cục Hải quan vừa ra quyết định giao từng đơn vị thực hiện khoanh nợ, xóa nợ tiền chậm nộp, tiền phạt chậm nộp theo trình tự, thủ tục, hồ sơ, thẩm quyền.

Tổng cục Hải quan đánh giá trong năm 2022 các đơn vị thuế toàn ngành đã chủ động, nỗ lực trong công tác thu hồi, xử lý nợ thuế. Tuy nhiên, số nợ thuế vẫn tăng cao.

Theo thống kê sơ bộ, đến ngày 31/12/2022, nợ thuế truy thu và tạm thu do cơ quan Hải quan quản lý là 7.166 tỷ đồng, tăng gần 2% so với năm 2021. Trong đó, nợ thuế quá hạn là 5.716 tỷ đồng, tăng 2,4% so với năm 2021 và bằng 1,3%  so với tổng số thu toàn ngành. Nợ khó thu lên đến 4.072 tỷ đồng; nợ có khả năng thu 1.332 tỷ đồng; nợ chờ xử lý ghi nhận 45,66 tỷ đồng và nợ do phạt vi phạm hành chính trên 265 tỷ đồng.

Trước tình hình trên, ngành Hải quan sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác rà soát phân loại nợ chính xác. Đồng thời, xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết để các chi cục thực hiện các biện pháp thu hồi và xử lý nợ thuế.

Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các cục hải quan tỉnh, thành phố thực hiện thu hồi nợ thuế trên cơ sở kiểm tra công tác phân loại các nhóm nợ có khả năng thu, nợ không có khả năng thu để ban hành quyết định giao chỉ tiêu thu hồi nợ cho các cục hải quan tỉnh, thành phố.

Ngoài ra, lãnh đạo ngành cũng chỉ đạo các đơn vị thực hiện rà soát các nhóm nợ, trong đó mỗi nhóm nợ có đánh giá chi tiết từng khoản nợ theo từng doanh nghiệp nợ, tình trạng thực tế của doanh nghiệp, xử lý hết các khoản nợ cũ, không để phát sinh nợ mới.

Kinh tế vĩ mô - Ngành Hải quan triển khai biện pháp mạnh thu hồi và xử lý nợ thuế

Quý I/2023 ngành Hải quan đã thu hồi và xử lý nợ thuế đạt 66,3 tỷ đồng.

Với những giải pháp quyết liệt, trong quý I/2023, toàn ngành đã thu hồi và xử lý nợ thuế đạt 66,3 tỷ đồng. 

Trong quý II, để tăng cường hiệu quả xử lý nợ, Tổng cục Hải quan yêu cầu các cục hải quan tỉnh, thành phố tập trung xác định đúng đối tượng được xử lý nợ. Từ đó thu thập, bổ sung, hoàn thiện hồ sơ xử lý nợ; đối chiếu, xác định chính xác số tiền thuế nợ được khoanh, số tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp được.

Đồng thời, thực hiện khoanh nợ, xóa nợ tiền chậm nộp, tiền phạt chậm nộp theo trình tự, thủ tục, hồ sơ, thẩm quyền. Phối hợp với cơ quan chức năng xác minh tình trạng hoạt động của công ty mẹ khi thực hiện xử lý nợ đối với chi nhánh, đơn vị trực thuộc, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh.

Để đảm bảo công tác thu hồi và xử lý nợ thuế của toàn ngành đáp ứng theo đúng yêu cầu đặt ra, Tổng cục Hải quan đã ra quyết định giao chỉ tiêu tối thiểu thu hồi và xử lý nợ thuế quá hạn năm 2023 lên tới gần 1.500 tỷ đồng cho từng đơn vị cụ thể.

Theo đó, Tổng cục Hải quan cũng đã xây dựng kế hoạch, triển khai công tác quản lý, giao chỉ tiêu thu hồi và xử lý nợ thuế chuyên thu quá hạn, tiền chậm nộp thuế, tiền phạt vi phạm hành chính và tiền chậm nộp phạt vi phạm hành chính đối với các khoản nợ chuyên thu quá hạn phát sinh trước ngày 1/1/2022 của các tờ khai đã thông quan, giải phóng hàng tính đến thời điểm 31/12/2021 cho 26 cục hải quan tỉnh, thành phố và Cục Kiểm tra sau thông quan. 

Đồng thời, gắn trách nhiệm thu hồi và xử lý nợ thuế chuyên thu quá hạn, tiền chậm nộp thuế, tiền phạt vi phạm hành chính và tiền chậm nộp phạt vi phạm hành chính cho từng đơn vị cụ thể.