Giá cà phê tăng khủng khiếp

17/04/2024 13:00

Giá cà phê thế giới đang "leo thang" từng ngày, kéo giá cà phê trong nước tăng theo.

Cà phê Robusta kỳ hạn tháng 7 tăng 28 USD, tương đương 0,7%, lên 3.977 USD/tấn sau khi đạt đỉnh 4.036 USD. Cà phê Arabica kỳ hạn tháng 7 tăng 0,7% lên 2,2840 USD/lb.

Trên sàn ICE Futures Europe, giá cà phê kỳ hạn giao tháng 5/2024 tăng 31 USD/tấn, ở mức 4.005 USD/tấn, giao tháng 7/2024 tăng 28 USD/tấn, ở mức 3.977 USD/tấn.

Tương tự, trên sàn ICE Futures US, giá cà phê kỳ hạn giao tháng 5/2024 tăng 5,2 cent/lb, ở mức 236,75 cent/lb, giao tháng 7/2024 tăng 1,55 cent/lb, ở mức 228,4 cent/lb.

Như vậy cà phê Arabica tăng lên mức cao nhất trong 1 năm rưỡi qua và cà phê Robusta tiếp tục bám giữ mốc 4.000 USD/tấn, vốn là một mốc cao mang tính biểu tượng trong mọi thời đại. Theo nhiều doanh nghiệp xuất khẩu, ngày 16/4 có thể nói là ngày giao dịch tạo nên mốc giá lịch sử 30 năm lặp lại của cà phê.

Giá cà phê tăng khủng khiếp- Ảnh 1.

Giá cà phê tăng dựng đứng từ cuối tháng 3 (Nguồn: Trading Economics)

Điều này kéo giá cà phê trong nước vẫn tiếp tục duy trì mức cao và liên tục tăng. Cụ thể, tính đến ngày 17/4, tỉnh Đắk Nông đang neo ở ngưỡng cao nhất là 116.200 đồng/kg, tăng 1.600 đồng/kg.

Sau khi tăng 1.500 đồng/kg, thương lái tại hai tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk giao dịch cà phê tương ứng với giá 115.900 đồng/kg và 116.000 đồng/kg.

Hiện tại, giá cà phê thấp nhất được ghi nhận tại tỉnh Lâm Đồng là 115.600 đồng/kg, tăng 1.600 đồng/kg. Còn giá cà phê tại tỉnh Kon Tum cũng được thu mua với mức 116.000 đồng/kg.

Đây đều là những mức giá trong mơ đối với người nông dân. Tuy nhiên, đây lại là sự tiếc nuối của không ít người, vì không còn hàng để bán. Trong khi các thương buôn và doanh nghiệp thu mua lại đang đau đầu vì giá cà phê quá cao. Nhiều doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu không kịp tích hàng, buộc phải mua vào khi giá trên đỉnh để thực hiện các hợp đồng đã ký.

Giá cà phê tăng khủng khiếp- Ảnh 2.

Giá cà phê trong nước (Nguồn: giacaphe

Hiện tượng thời tiết La Nina dự kiến sẽ quay lại từ tháng 6 đến tháng 8 năm nay, gây lo ngại về sương giá làm hoãn hoạt động thu hoạch cà phê vụ 2024-2025 tại Brazil, thậm chí khiến cây cà phê non chết lạnh. Điều này khiến triển vọng nguồn cung tại quốc gia xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới tiêu cực hơn, bất chấp các số liệu sản lượng và xuất khẩu đều cho thấy tín hiệu gia tăng.

Cụ thể, sản lượng cà phê năm 2024 của Brazil ước đạt 60,2 triệu bao, tăng 1,4% so với dự báo trước và 5,6% so với năm 2023, theo Viện Địa lý và Thống kê Brazil (IBGE).

Ngoài ra, trong tháng 3, Brazil xuất đi 4,29 triệu bao cà phê, tăng 37,8% so với cùng kỳ năm trước, theo Hiệp hội Những nhà Xuất khẩu cà phê Brazil (CECAFE). Tính đến 9/4, Brazil đã bán 89% sản lượng cà phê vụ 2023-2024, cao hơn 2 điểm phần trăm so với cùng kỳ vụ trước và 1 điểm phần trăm so với mức trung bình 5 năm.

Trong khi đó, tại Việt Nam, sản lượng cà phê niên vụ 2024-2025 dự kiến tiếp tục giảm so với vụ hiện tại nếu tính trạng khô nắng vẫn tiếp diễn.

Triển vọng nguồn cung vụ mới tiêu cực càng thúc đẩy nông dân găm cà phê hiện có, khiến tình trạng thiếu hụt nguồn cung trên thị trường trở nên trầm trọng hơn. Hơn nữa, nông dân Indonesia có thể hoãn thu hoạch cà phê đến cuối tháng 5 hoặc tháng 6, thay vì tháng 4 như hàng năm; càng khiến nguồn cung hiện tại thu hẹp, từ đó thúc đẩy giá Robusta tăng mạnh.

Năm 2023, Việt Nam xuất khẩu khoảng 1,61 triệu tấn cà phê, mang về 4,18 tỷ USD, đứng đầu top 5 nhóm hàng nông nghiệp có kim ngạch xuất khẩu cao nhất trong năm. Mặc dù lượng cà phê xuất khẩu giảm 9,6% so với năm 2022, nhưng do giá xuất khẩu tăng mạnh, nên kim ngạch vẫn đạt kỷ lục lịch sử.

Bạn đang đọc bài viết "Giá cà phê tăng khủng khiếp" tại chuyên mục Tiêu dùng.