Được đầu tư 10.000 tỷ đồng, cao tốc đầu tiên của Hà Giang có gì đặc biệt?

29/05/2023 20:07

Dự án này khi hoàn thành sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông khu vực miền núi phía bắc nói chung, tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang nói riêng.

Chiều hôm nay, 28/5, lễ khởi công xây dựng Dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1) đã được diễn ra. Dự án được Chính phủ phân cấp cho tỉnh Hà Giang và tỉnh Tuyên Quang làm cơ quan chủ quản, thực hiện theo hình thức đầu tư công trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1) có tổng chiều dài 105 km, tổng mức đầu tư 10.000 tỷ đồng, trong đó 77 km thuộc tỉnh Tuyên Quang và 27,5 km thuộc tỉnh Hà Giang; điểm đầu tại nút giao cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ với Quốc lộ 2D, thuộc xã Nhữ Khê, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang); điểm cuối tại xã Tân Quang (Bắc Quang). Trên địa phận tỉnh Hà Giang, điểm đầu nối tiếp tại cuối cầu Vĩnh Tuy thuộc địa phận thị trấn Vĩnh Tuy (Bắc Quang); điểm cuối tại Km27+480, địa phận xã Tân Quang (Bắc Quang).

Đoạn qua Hà Giang có chiều dài 27,5 km, là dự án cao tốc đầu tiên của tỉnh, dự kiến hoàn thành vào năm 2025. Dự án có quy mô 2 làn xe song phạm vi giải phóng mặt bằng theo quy mô 4 làn xe, dự kiến hoàn thành năm 2025.

Dự án có tổng mức đầu tư dự án 3.198 tỷ đồng. Trong đó, phần xây lắp được chia thành 3 gói thầu, với tổng giá dự toán hơn 2.582 tỷ đồng; nhà thầu VINACONEX là đơn vị trúng thầu thi công gói thầu 03-XL có tổng giá trị gần 900 tỷ đồng, thời gian thực hiện 30 tháng.

Dự án giai đoạn 1 hoàn thành sẽ tạo hành lang phát triển kinh tế từ trung tâm Thủ đô Hà Nội theo cao tốc Nội Bài - Lào Cai, cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ đến Hà Giang, đáp ứng nhu cầu đi lại, vận tải hàng hóa ngày càng tăng cao. Đồng thời, giải quyết điểm nghẽn về giao thông liên kết vùng, nội vùng giữa tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang.

Những năm tới, tuyến cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang sẽ được tiếp tục nghiên cứu, đầu tư giai đoạn 2 (nâng lên quy mô 4 làn xe) và đầu tư xây dựng đoạn kết nối đến cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy (Hà Giang).

Tuyến cao tốc Hà Giang - Tuyên Quang sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông khu vực miền núi phía bắc nói chung, tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang nói riêng, cụ thể hóa Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Dự án càng có ý nghĩa hơn khi góp phần giải quyết điểm nghẽn lớn của Hà Giang về hạ tầng giao thông.

Phát biểu tại lễ khởi công, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, mục tiêu đến năm 2030, cả nước có 5.000 km đường bộ cao tốc. Như vậy, trong giai đoạn 2021 - 2030, chúng ta phải đầu tư, xây dựng gần gấp 4 lần số km đường bộ cao tốc đã xây dựng trong giai đoạn 2000 – 2020.

Các tuyến cao tốc sẽ góp phần bảo đảm quốc phòng - an ninh, đẩy mạnh kết nối vùng, tạo không gian phát triển mới, khí thế phát triển mới cho các vùng, các địa phương, thúc đẩy phát triển các khu công nghiệp, khu đô thị mới, phát triển dịch vụ, đặc biệt là du lịch…

Đặc biệt, phát triển hạ tầng giao thông còn giúp giảm chi phí logistics (chi phí logistics ở Việt Nam đang là khoảng 17% trong khi đó các nước trong khu vực chỉ là 12-13%, làm cho hàng hóa xuất nhập khẩu của chúng ta thiếu tính cạnh tranh).