Du lịch là một trong 3 trụ cột phát triển kinh tế của tỉnh Bình Thuận

02/04/2024 20:16

Năm 2023, tỉnh Bình Thuận tiếp tục là điểm đến được du khách yêu thích, khi đón gần 8,5 triệu lượt du khách với tổng doanh thu du lịch đạt trên 22.000 tỷ đồng.

Kinh tế vĩ mô - Du lịch là một trong 3 trụ cột phát triển kinh tế của tỉnh Bình Thuận

Sự kiện Năm du lịch Quốc gia 2023. Video: Đắc Phú.

Ngày 2/4, Hiệp hội Du lịch Bình Thuận tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và đề ra phương hướng nhiệm vụ năm 2024.

Năm 2023, mặc dù còn nhiều khó khăn, Hiệp hội Du lịch Bình Thuận tham gia tích cực vào các sự kiện về văn hóa, thể thao và du lịch giúp thu hút du khách.

Đồng thời, tập trung khắc phục khó khăn, nâng cấp, cải tạo, trang bị đầy đủ điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị và tăng cường bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và sản phẩm du lịch, sẵn sàng đảm bảo đón khách an toàn, chất lượng và hiệu quả.

Nhờ việc đưa vào khai thác 2 tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết và Phan Thiết Vĩnh Hảo và tổ chức thành công Năm Du lịch quốc gia 2023, du lịch Bình Thuận duy trì tốt tăng trưởng, tỉnh Bình Thuận tiếp tục là điểm đến được du khách yêu thích khi đón gần 8,5 triệu lượt du khách với tổng doanh thu du lịch đạt trên 22.000 tỷ đồng (tăng gần gấp đôi so với năm 2022) và góp mặt vào danh sách 10 tỉnh, thành phố trên cả nước có doanh thu du lịch trên 10.000 tỷ đồng.

Kinh tế vĩ mô - Du lịch là một trong 3 trụ cột phát triển kinh tế của tỉnh Bình Thuận (Hình 2).

Điểm du lịch thu hút du khách. (Ảnh: Đắc Phú).

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận - ông Đoàn Anh Dũng nhấn mạnh: Du lịch là một trong 3 trụ cột kinh tế mà tỉnh đã xác định bên cạnh công nghiệp và nông nghiệp; phát triển du lịch sẽ kéo theo nhiều nền kinh tế khác phát triển, giải quyết được việc làm cho người lao động và đóng góp quan trọng vào nguồn thu ngân sách của tỉnh.

Ghi nhận và biểu dương những kết quả, sự đóng góp của Hiệp hội Du lịch trong năm qua, Chủ tịch UBND tỉnh cũng nêu ra 5 vấn đề cần quan tâm, khắc phục trong thời gian tới, như: Hiệp hội cần thể hiện rõ hơn vai trò trong việc dẫn dắt, định hướng chiến lược phát triển; hoạt động du lịch còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa phong phú, đa dạng, chưa tạo sự khác biệt; mặt khác, các dịch vụ bổ trợ vẫn thiếu và đơn điệu chưa kéo dài thời gian lưu trú, khả năng chi tiêu của du khách; xúc tiến quảng bá vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra...

Cùng với tuyến cao tốc đã dần hoàn thiện đưa vào khai thác, hiện nay các tỉnh lân cận như Khánh Hòa, Vũng Tàu, Phú Yên… đang đầu tư phát triển hạ tầng giao thông cũng như đầu tư nâng cấp các cơ sở lưu trú.

Do đó, Hiệp hội Du lịch tỉnh, các doanh nghiệp du lịch cần có giải pháp tốt hơn để tăng sự cạnh tranh với các điểm đến khác và hoàn thành nhiệm vụ chỉ tiêu đề ra trong năm 2024.

Kinh tế vĩ mô - Du lịch là một trong 3 trụ cột phát triển kinh tế của tỉnh Bình Thuận (Hình 3).

Đông đảo du khách tắm biển ở khu di lịch phía Nam xã Tiến Thành, thành phố Phan Thiết. (Ảnh: Đắc Phú).

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần có giải pháp toàn diện để thu hút mạnh mẽ du khách, đặc biệt là thu hút khách quốc tế quay trở lại tỉnh Bình Thuận.

Tập trung đẩy mạnh chương trình quảng bá xúc tiến để giới thiệu hình ảnh của tỉnh Bình Thuận trong và ngoài nước. Liên kết với các doanh nghiệp lữ hành để giới thiệu đưa khách đến với Bình Thuận. Cần đa dạng thị trường khách quốc tế như Hàn Quốc, Nhật, Thái Lan....

Ngành du lịch cũng cần khai thác hiệu quả hơn tam giác du lịch thành phố Hồ Chí Minh - Lâm Đồng - Bình Thuận và liên kết du lịch 7 tỉnh miền Đông Nam bộ nhằm góp phần nâng cao vị thế, thương hiệu du lịch tỉnh Bình Thuận.

Phát triển các dự án, các loại hình thương mại dịch vụ vui chơi giải trí phù hợp với từng khu vực nhằm đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí của du khách; mạnh dạn đăng cai các sự kiện về văn hóa, các giải thể thao quy mô lớn.

Kinh tế vĩ mô - Du lịch là một trong 3 trụ cột phát triển kinh tế của tỉnh Bình Thuận (Hình 4).

Quang cảnh hội nghị tổng kết ngày 2/4. (Ảnh: TTD).

Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, Bình Thuận luôn xem thành công của doanh nghiệp là thành công của tỉnh và giải quyết các khó khăn, vướng mắc là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương trong tỉnh.

Do đó, đề nghị các Sở ngành, địa phương tiếp tục đồng hành hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện để cộng đồng doanh nghiệp phát triển lớn mạnh trong thời gian tới.

Kinh tế vĩ mô - Du lịch là một trong 3 trụ cột phát triển kinh tế của tỉnh Bình Thuận (Hình 5).

Công viên nước ở xã Tiến Thành, thu hút người dân và du khách. (Ảnh: Đắc Phú).

Lãnh đạo tỉnh cho biết sẽ luôn đồng hành, sát cánh, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, xây dựng môi trường thông thoáng để đầu tư, đơn giản hóa các thủ tục hành chính để thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào phát triển du lịch; ưu tiên nguồn lực để đầu tư hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi nhất để phát triển kinh tế xã hội…