Dự án cảng nước sâu Cửa Lò và kỳ vọng thành trung tâm logistics vùng Bắc Trung Bộ

04/04/2024 00:15

Dự án xây dựng Cảng nước sâu Cửa Lò là một hạng mục chính trong Trung tâm dịch vụ logistics vùng Bắc Trung Bộ tại Nghệ An.

Dự án đình trệ nhiều năm

Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh Cảng nước sâu Cửa Lò (thuộc Khu kinh tế Đông Nam) tại xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An do Công ty cổ phần Đầu tư phát triển vận tải Quốc tế làm chủ đầu tư, khởi công từ vào ngày 7/12/2010 với tổng vốn 3.300 tỷ đồng.

Theo kế hoạch, dự án được triển khai với quy mô xây dựng gồm: 1 bến tàu cho tàu 30.000 DWT, dài 252m; 1 bến tàu cho tàu 50.000 DWT, dài 285m… Công suất 4-5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Các hạng mục công trình hạ tầng hàng hải khác gồm: Tuyến đê chắn sóng dài 1.470m, luồng tàu và các thiết bị báo hiệu an toàn hàng hải.

Tỉnh Nghệ An xác định đây là là dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, cùng với các tuyến đường kết nối bảo đảm đồng bộ, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics.

Sau khi hoàn thành, Cảng nước sâu Cửa Lò sẽ là hệ thống giao thông quan trọng kết nối mạng lưới giao thông quốc gia đi qua tỉnh như: Cảng Hàng không quốc tế Vinh, đường sắt Hà Nội - TPHCM, Quốc lộ 1A, đường ven biển, Quốc lộ 7C... là đầu mối logistics của vùng và cửa ngõ ra biển ngắn nhất trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây, phục vụ vận tải và tiếp nhận hàng hóa cho Lào và vùng Đông Bắc Thái Lan.

Người dân trên địa bàn từng ngày trông chờ, hy vọng dự án sẽ sớm đi vào triển khai và hoạt động, nhằm giảm bớt những khó khăn khi con em địa phương phải ồ ạt kéo vào miền Nam. Còn với chính quyền địa phương, dự án này đi vào hoạt động, sẽ tạo ra những đột phá, khởi sắc về kinh tế và xã hội. Tuy nhiên, do gặp một số khó khăn khách quan dự án đã bị đình trệ nhiều năm.

Kinh tế vĩ mô - Dự án cảng nước sâu Cửa Lò và kỳ vọng thành trung tâm logistics vùng Bắc Trung Bộ

Cảng được xây dựng từ năm 1979, đến năm 1985 đưa vào khai thác sử dụng với quy mô ban đầu 4 bến cho tàu 10.000 ÷ 25.000 tấn.

Phải đến đầu năm 2021, dự án mới được khởi động lại, trong đó đã triển khai lập quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 khu hành chính và kho bãi (hậu phương cảng giai đoạn 1). Nhà đầu tư cũng đề xuất thay đổi phương án điều chỉnh mở rộng quy mô dự án Cảng nước sâu Cửa Lò, tăng thêm 1 bến so với quy mô hiện tại là 2 bến.

Theo điều chỉnh, dự án cũng được cập nhật bổ sung diện tích sử dụng mặt biển theo quy định của Luật Biển Việt Nam và Nghị định số 11/2021/NĐ-CP ngày 10/2/2021 của Chính phủ.

Trong đó, diện tích mặt đất và mặt biển sử dụng gồm: Diện tích mặt đất sử dụng cho khu hậu phương cảng là 20 ha; Diện tích mặt biển sử dụng cho khu cảng nước sâu xa bờ 200 ha.

Khu hậu phương sẽ được xây dựng đồng bộ các công trình hạ tầng kỹ thuật và nhà xưởng theo đúng quy hoạch chi tiết xây dựng được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt. Tổng vốn đầu tư đăng ký là 3.896 tỷ đồng, tăng thêm 596 tỷ đồng so với trước đây.

Kinh tế vĩ mô - Dự án cảng nước sâu Cửa Lò và kỳ vọng thành trung tâm logistics vùng Bắc Trung Bộ (Hình 2).

Cảng Cửa Lò là một trong những dự án cảng trọng điểm của Tỉnh Nghệ An.

Ông Lê Tiến Trị, Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An xác nhận, với vị trí vô cùng thuận lợi, dễ dàng đón đầu xu hướng dịch chuyển nguồn hàng từ khu kinh tế phía Đông Nam – tỉnh Nghệ An đổ về đã và đang giúp Cảng Cửa Lò trở thành trung tâm vận tải biển cũng như logistic khu vực miền Trung của Việt Nam.

Tuy nhiên, hạ tầng Cảng nước sâu Cửa Lò chưa tiếp nhận được các tàu biển có trọng tải trên 50.000 DWT. Phần lớn hàng hoá từ Nghệ An phải đi qua các cảng Nghi Sơn, Vũng Áng, Hải Phòng. Hiện nay, Cảng Cửa Lò chỉ đón các tàu container hàng hải trên các tuyến nội địa Việt Nam. Vào giữa năm 2022, Cảng Cửa Lò mới lần đầu tiên đón tàu Biển Đông Mariner có trọng tải khoảng 23.000 tấn, xếp dỡ và vận chuyển hàng hóa đi Ấn Độ.

Vì vậy, việc nâng cấp, mở rộng và nâng cao năng lực khai thác các cảng biển bằng hình thức đầu tư phù hợp, khuyến khích hình thức hợp tác đối tác công - tư, nhất là Cảng Cửa Lò là một trong những giải pháp và nhiệm vụ chủ yếu được Bộ Chính trị xác định tại Nghị quyết 39-NQ/TW ngày 18/7/2023 về xây dựng và phát triển Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đầu tư gần 1.800 tỷ đồng làm cầu dẫn vào Cảng nước sâu Cửa Lò

Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Nghệ An cũng vừa tổ chức cuộc họp thường kỳ và đi đến thống nhất chủ trương đầu tư cầu dẫn nối Quốc lộ 7C với Cảng nước sâu Cửa Lò.

Tổng mức đầu tư của dự án là gần 1.800 tỷ đồng. Trong đó bao gồm khoảng 1.300 tỷ đồng từ tiền sử dụng đất điều tiết 100% ngân sách cấp tỉnh theo Nghị quyết của HĐND tỉnh và gần 490 tỷ đồng từ nguồn tăng thu ngân sách tỉnh hàng năm.

Theo đó, cầu dẫn vào Cảng nước sâu Cửa Lò dài khoảng 3,2 km, bao gồm phần đường đầu cầu và phần cầu có bề rộng 12 m, đảm bảo đủ hai làn xe lưu thông. Dự án có điểm đầu kết nối với Quốc lộ 7C, điểm cuối kết nối với bến cảng nước sâu Cửa Lò tại xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc. Thời gian và tiến độ thực hiện dự án không quá 4 năm, kể từ ngày khởi công xây dựng.

Kinh tế vĩ mô - Dự án cảng nước sâu Cửa Lò và kỳ vọng thành trung tâm logistics vùng Bắc Trung Bộ (Hình 3).

Dự án xây dựng Cảng nước sâu Cửa Lò là một hạng mục chính trong Trung tâm dịch vụ logistics vùng Bắc Trung Bộ tại Nghệ An.

Mục tiêu của dự án nhằm đảm bảo đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông kết nối bến Cảng nước sâu Cửa Lò với mạng lưới giao thông đối ngoại qua Quốc lộ 7C (đường D4), phục vụ lưu thông vận chuyển hàng hóa đường biển với quy mô lớn, đảm bảo đồng bộ kết cấu hạ tầng để triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cảng nước sâu Cửa Lò, tạo môi trường thu hút đầu tư hấp dẫn, hiệu quả.

Dự án khi hoàn thành sẽ góp phần tháo gỡ “nút thắt” hạ tầng chiến lược cho tỉnh, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Nghệ An.

Phát biểu tại cuộc làm việc trong phiên họp thường kỳ tháng 2/2023,Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung cho biết, việc trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy là giai đoạn thống nhất để triển khai điều chỉnh chủ trương đầu tư; sau đó mới tiến hành các thủ tục đầu tư để đảm bảo khởi công dự án.

Do đó, sau khi được Ban Thường vụ Tỉnh ủy thông qua, UBND tỉnh Nghệ An sẽ chỉ đạo Ban Quản lý Khu Kinh tế Đông Nam phối hợp với nhà đầu tư thực hiện các thủ tục để đạt được tiến độ khởi công như mong muốn vào cuối quý 2/2023.

Hiện nay, UBND tỉnh đã làm việc với nhà đầu tư để đảm bảo vốn chủ sở hữu theo quy định. Đồng thời, chỉ đạo Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam phối hợp với các ngành, địa phương liên quan thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.

Cảng Cửa Lò là cảng biển tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực (loại I) thuộc nhóm cảng biển Bắc Trung Bộ. Cảng được xây dựng từ năm 1979, đến năm 1985 đưa vào khai thác sử dụng với quy mô ban đầu 4 bến cho tàu 10.000 ÷ 25.000 tấn. Đến nay, Cảng Cửa Lò có 4 bến (bến số 1, 2, 3, 4) đang hoạt động, được thiết kế cho cỡ tàu 10.000 tấn do Công ty cổ phần Cảng Nghệ Tĩnh quản lý và 2 bến còn lại (số 5, 6) được thiết kế cho tàu 30.000 tấn do Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Tuấn Lộc đầu tư (dự án đã khởi công từ tháng 4/2015).