Doanh nghiệp xuất khẩu tìm chỗ đứng tại thị trường nội địa

29/07/2023 04:04

Xuất khẩu giảm do sức mua toàn cầu suy yếu, nhiều doanh nghiệp thủy hải sản, nông sản chuyển hướng vào thị trường nội địa tìm cơ hội.

Số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho thấy nửa đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 4,13 tỷ USD, giảm hơn 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong số các nhóm hàng thủy hải sản, cá tra có mức giảm mạnh nhất khi chỉ đạt 885 triệu USD, sụt 38% so với cùng kỳ 2022.

Đứng trước tình hình khó khăn này, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đã tìm cách thâm nhập lại thị trường nội địa. Giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu thủy hải sản tại Phan Thiết cho biết năm ngoái, công ty chỉ sản xuất khoảng 2-3 mã sản phẩm cho thị trường trong nước, nay tăng gấp đôi. Hàng loạt sản phẩm của công ty len lỏi hầu hết hệ thống siêu thị trên toàn quốc. Đồng thời, công ty cũng đa dạng kênh phân phối cả online và offline để phục vụ người tiêu dùng trong nước.

"Nhờ vậy, doanh thu bán hàng nội địa 6 tháng đầu năm của công ty tăng 20%, phần nào bù lại sự sụt giảm của mảng xuất khẩu hơn 25%", ông nói.

Công nhân đang phân loại cá tại Nhà máy sản xuất cá của Navico. Ảnh: Thi Hà

Công nhân đang phân loại cá tại nhà máy sản xuất cá của Navico. Ảnh: Thi Hà

Chung tình cảnh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nam Việt (Navico) Doãn Tới cho hay nửa đầu năm, xuất khẩu sản phẩm thủy sản của công ty giảm 15-20% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân là thị trường Trung Quốc trước đây chuộng cá tra Việt, giờ sức tiêu thụ giảm mạnh do khó khăn sau dịch bệnh.

Để có hướng đi mới, ông cho biết công ty đang tìm cách chinh phục lại thị trường nội địa, dù bài toán này cũng không dễ dàng. "Trước đây, chúng tôi chỉ bán sỉ nên hàng xuất cảng là hết trách nhiệm. Còn giờ bán lẻ, mọi khâu phải chặt chẽ từ đầu cho tới khi người tiêu dùng chế biến sản phẩm mới an tâm", ông nói.

Hiện công ty ông Tới "bắt tay" với hàng loạt nhà bán lẻ như Lotte, Mega Market, Bách Hóa Xanh - chuỗi bán lẻ thực phẩm thuộc Công ty cổ phần đầu tư Thế Giới Di Động (MWG)... để đưa cá basa đến tay người tiêu dùng trong nước nhiều hơn.

Trong 3 tháng, riêng Bách Hóa Xanh đã tiêu thụ cho Navico 600 tấn cá (tương đương 28 container xuất khẩu). "Đây là con số ấn tượng trong bối cảnh sức mua chung trên thị trường giảm sút", ông chia sẻ.

CEO Navico cho biết thêm, sắp tới ngoài cung cấp cá tươi, công ty sẽ đưa sản phẩm chế biến vào các hệ thống cửa hàng, siêu thị hiện đại trên toàn quốc.

Ông Võ Quan Huy đang kiểm tra chuối tại xưởng sản xuất ở Long An: Ảnh: Thi Hà

Ông Võ Quan Huy đang kiểm tra chuối tại xưởng sản xuất ở Long An: Ảnh: Thi Hà

Không chỉ thuỷ sản, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản cũng ngày càng chú trọng thị trường nội địa. Ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An cho biết trước giờ chỉ tập trung phát triển thị trường xuất khẩu mà quên "sân nhà". Nhưng 6 tháng đầu năm nay, ông làm việc với một số hệ thống siêu thị, cửa hàng trong nước mới nhận thấy tiềm năng thị trường nội địa rất lớn.

Theo ông, Việt Nam có 100 triệu dân và sức tiêu thụ đang lớn dần. Người tiêu dùng ngày càng sẵn sàng chi tiền cho sản phẩm chất lượng cao, sạch. Điển hình, mùa thu hoạch 20 ha măng cụt của công ty ông năm nay sản lượng không đủ cung cấp cho nhu cầu người tiêu dùng. "Toàn bộ 50 tấn măng cụt sạch của công ty đợt rồi cháy hàng", ông Huy nói.

Nhìn nhận xu hướng trên, bà Lê Hằng, Giám đốc truyền thông VASEP cho rằng vài năm trở lại đây, các doanh nghiệp coi thị trường nội địa là "cứu cánh" quan trọng và mang lại doanh thu tích cực.

Tuy nhiên, theo VASEP, các doanh nghiệp cần biết cách khai thác mới có thể tận dụng cơ hội này. Theo đó, doanh nghiệp phải chủ động điều chỉnh cơ cấu sản phẩm phù hợp hơn vì mỗi thị trường đều có đặc thù khác nhau, tìm hiểu kỹ về thói quen tiêu dùng của từng vùng miền để có sản phẩm tương ứng.

Còn ông Võ Quan Huy cho rằng để hàng đến tay người tiêu dùng với mức giá hấp dẫn cần có sự liên kết và phối hợp bài bản giữa các bên. Trong đó, cắt giảm khâu trung gian là quan trọng để giảm bớt gánh nặng chi phí cho hàng hóa.

Các nhà bán lẻ hiện đại trong nước họ cũng đang tìm mua hàng tận gốc từ trang trại, doanh nghiệp thay vì qua trung gian như trước. Thậm chí, nhiều hệ thống còn xây dựng và bao tiêu vùng nguyên liệu cho nông dân để họ yên tâm sản xuất. Do đó, doanh số bán hàng tại các hệ thống siêu thị vẫn tăng cao bất chấp khó khăn.

Ông Nông Văn Dũng, Giám đốc khối mua hàng Bách Hóa Xanh cho biết nửa đầu năm, ngành hàng tươi sống có nhiều nhóm tăng trưởng mạnh khi công ty đẩy mạnh liên kết hợp tác với các hợp tác xã, đối tác sản xuất và xuất khẩu uy tín trên thị trường. Trong đó, nhóm thủy hải sản có mức tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ 2022. Nhóm rau xanh và trái cây cũng tăng hai con số so với cùng kỳ năm ngoái.

Công ty này đang liên kết với các hợp tác xã, doanh nghiệp xuất khẩu để đảm bảo sản phẩm chất lượng, truy xuất nguồn gốc. "Chúng tôi cũng đang cân đối bài toán chi phí để giá chạm được vào túi tiền của người tiêu dùng. Từ đó họ yên tâm sử dụng sản phẩm, nhất là trong bối cảnh kinh tế suy thoái", ông Dũng nói.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt hơn 3 triệu tỷ đồng, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước.

Thi Hà