CIP kỳ vọng phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam

01/03/2024 17:00

Với dự án La Gàn ở Bình Thuận, Tập đoàn CIP mong muốn đẩy mạnh ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi Việt Nam, đem đến cơ hội chuyển giao các công nghệ tiên tiến.

2023 là một năm không ít khó khăn và thách thức đối với nhiều ngành nghề, lĩnh vực, trong đó có năng lượng. Tuy nhiên, Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners (CIP), một trong những nhà đầu tư lớn trên thế giới trong lĩnh vực phát triển năng lượng tái tạo, đã khép lại năm cũ với nhiều hoạt động sôi nổi, mở ra năm 2024 bằng những cơ hội trong việc khởi tạo và phát triển ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.

Với kế hoạch phát triển dự án điện gió ngoài khơi La Gàn công suất 3,5GW tại tỉnh Bình Thuận, Tập đoàn CIP luôn kiên trì theo đuổi sứ mệnh khởi tạo ngành công nghiệp này tại Việt Nam. Điều này nhằm đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển chuỗi cung ứng nội địa cũng như góp phần hiện thực hóa mục tiêu tham vọng của Việt Nam trong việc đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

2023 được đánh giá là một năm hoạt động sôi nổi của CIP, đánh dấu bởi các cuộc gặp gỡ, trao đổi với lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ban, ngành tại Việt Nam. Cụ thể, lãnh đạo tập đoàn đã có các cuộc gặp với thủ tướng chính phủ bên lề Hội nghị thượng đỉnh COP28 tại UAE, và tiếp đón phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân tại trụ sở tập đoàn tại Copenhagen, Đan Mạch.

Trong các cuộc trao đổi, đoàn đại biểu Việt Nam lắng nghe những chia sẻ về kế hoạch phát triển dự án điện gió ngoài khơi La Gàn có tổng công suất 3,5 GW và tổng vốn đầu tư ước tính 10,5 tỷ USD. Khi hoàn thiện xây dựng, dự án có thể cung cấp năng lượng cho hơn 7 triệu hộ gia đình tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, CIP còn phối hợp với đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam và các cơ quan liên quan tổ chức hai chương trình hội thảo với tên gọi "Thúc đẩy phát triển ngành điện gió ngoài khơi của Việt Nam: Kinh nghiệm quốc tế và các gợi ý chính sách" và "Bình Thuận: Triển vọng phát triển ngành điện gió ngoài khơi nhằm thúc đẩy kinh tế biển". Chương trình mang đến cơ hội đối thoại trực tiếp giữa các cơ quan, bộ, ban, ngành Việt Nam với các tổ chức, chuyên gia, doanh nghiệp trong và ngoài nước nhằm chia sẻ kinh nghiệm quốc tế và đề xuất cơ chế chính sách phù hợp.

Tại các buổi hội thảo, ông Stuart Livesey, Tổng giám đốc dự án điện gió ngoài khơi La Gàn và đại diện Tập đoàn CIP tại Việt Nam, cho biết nhà đầu tư đang rất mong chờ các chính sách cần thiết sớm được áp dụng và thực thi. Trong đó có việc cho phép các nhà phát triển khảo sát những vùng biển để xác định địa điểm cụ thể và thiết kế mô hình trang trại điện gió phù hợp; quy hoạch không gian biển nhằm xác định các khu vực phù hợp nhất cho phát triển điện gió ngoài khơi; kế hoạch thực hiện quy hoạch điện 8 và quy trình lựa chọn nhà đầu tư một cách rõ ràng và chi tiết.

Theo ông Stuart Livesey, đây là thời điểm vàng triển khai các dự án thí điểm để Việt Nam có thể khởi động các dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên nhằm hiện thực hóa mục tiêu 6 GW điện gió vào năm 2030 như đã đề ra.

Theo nghiên cứu về những lợi ích kinh tế tiềm năng của dự án điện gió ngoài khơi La Gàn do BVG Associates thực hiện, tỷ lệ nội địa hóa của một trang trại điện gió ngoài khơi Việt Nam có thể đạt 44%. Điều đó có nghĩa với chi phí đầu tư dự kiến khoảng 10,5 tỷ USD, khoảng trên 4 tỷ USD sẽ được chi tiêu cho các hạng mục được thực hiện tại Việt Nam, tập trung vào các lĩnh vực: phát triển và quản lý dự án, cung cấp móng monopile, xây dựng trạm biến áp trên bờ và ngoài khơi, dịch vụ cảng cho thi công biển, dịch vụ vận hành và bảo trì...

Ngoài ra, các chuyên gia quốc tế BVG Associates còn cho biết dự án La Gàn dự kiến sẽ mang lại những lợi ích trong suốt thời gian hoạt động như: đóng góp 4,4 tỷ USD cho nền kinh tế Việt Nam; dự kiến tạo ra 45.000 công việc tương đương toàn thời gian (FTE), trong đó 1 FTE được định nghĩa là một công việc tương đương toàn thời gian trong một năm; giảm 130 triệu tấn khí thải CO2.

Ông Trần Xuân Bách, Phụ trách phát triển chuỗi cung ứng của Tập đoàn CIP tại Việt Nam, tin rằng có nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt tham gia vào chuỗi cung ứng ngành điện gió ngoài khơi, một lĩnh vực khá mới mẻ và đang trong giai đoạn tương đối sơ khai tại dải đất hình chữ S.

Ông cho biết với kinh nghiệm trong việc triển khai nhiều dự án điện gió ngoài khơi trên thế giới, việc tận dụng chuỗi cung ứng trong nước là một trong những yếu tố quan trọng nhằm đảm bảo tính hiệu quả và chi phí hợp lý cho dự án, từ đó giúp giảm giá điện cho người tiêu dùng.

Trong năm 2023, đội ngũ CIP tại Việt Nam đã hỗ trợ, kết nối Công ty TNHH Cơ khí và Xây dựng PTSC (PTSC M&C) trở thành nhà cung cấp ưu tiên cho hạng mục trạm biến áp ngoài khơi của dự án Fengmiao do CIP phát triển tại Đài Loan.

"Một số doanh nghiệp tại Việt Nam hiện có đủ năng lực để cung ứng cơ sở hạ tầng cho các dự án điện gió ngoài khơi quy mô lớn tại nước ngoài, tập trung vào hạng mục móng tuabin và trạm biến áp ngoài khơi", ông Bách nhấn mạnh.

Nằm trong chiến lược phát triển dự án tại Việt Nam và chiến lược thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo của CIP, dự án điện gió ngoài khơi La Gàn đã tham gia nhiều chương trình an sinh ý nghĩa trong năm 2023. Điển hình là chương trình hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương và dự án trao tặng hệ thống đèn năng lượng mặt trời cho huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.

Tại lễ trao tặng Hệ thống đèn năng lượng mặt trời cho huyện Tuy Phong, bà Đặng Thanh Vân, Giám đốc Đối ngoại Dự án điện gió ngoài khơi La Gàn, chia sẻ hệ thống chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời không chỉ giúp nâng cao an toàn giao thông cho người dân địa phương mà còn thúc đẩy xu hướng sử dụng năng lượng tái tạo nhằm bảo vệ môi trường.

Copenhagen Infrastructure Partners (CIP) được thành lập vào năm 2012, là nhà đầu tư tập trung phát triển năng lượng tái tạo có trụ sở tại Đan Mạch. CIP đã đầu tư và phát triển danh mục dự án năng lượng tái tạo với tổng công suất khoảng 120GW tại nhiều quốc gia trên thế giới. Trong đó, gần một nửa danh mục dự án do CIP phát triển (tương ứng trên 50GW) là điện gió ngoài khơi.

CIP là nhà đầu tư chính của dự án điện gió ngoài khơi La Gàn tại tỉnh Bình Thuận từ năm 2020. Tập đoàn kỳ vọng dự án sẽ tạo ra một khoản đầu tư kinh tế lớn cả trong khu vực và quốc gia bên cạnh việc tạo ra nhiều việc làm cũng như nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động Việt Nam và nâng cấp chuỗi cung ứng.

Các dự án điện gió ngoài khơi của Tập đoàn CIP trên toàn thế giới.

Như Ý