Chân dung ông Nguyễn Thanh Trung – ông chủ ‘lặng lẽ’ của Tôn Đông Á

24/03/2022 12:06

dong-a-2-1648048461.PNG

CTCP Tôn Đông Á vừa công bố kết quả đợt chào bán cổ phiếu ra công chúng (IPO). Theo đó, công ty thực hiện chào bán 15,35 triệu cổ phiếu ra công chúng. Trong đó, 12,37 triệu cổ phiếu phát hành thêm và 2,98 triệu cổ phiếu do cổ đông chào bán ra với giá tối thiểu 40.000 đồng/cổ phiếu. Với mức giá này, Tôn Đông Á dự kiến sẽ thu về 641 tỷ đồng. Ngày kết thúc chào bán là 10/3 và dự kiến chuyển giao cổ phiếu là ngày 25/3.

Kết thúc đợt chào bán, có 16,46 triệu cổ phiếu đăng ký mua, vượt 7,2% so với lượng cổ phiếu chào bán. Trong đó, nhà đầu tư trong nước mua 11,85 triệu cổ phiếu - tương đương với tỷ lệ là 77,2%; nhà đầu tư nước ngoài mua 3,5 triệu cổ phiếu - tương đương với tỷ lệ là 22,8%. Như vậy, cổ đông trong nước chiếm 83% vốn điều lệ, trong đó tổ chức chiếm 13,64% và cá nhân chiếm 69,5%; cổ đông nước ngoài chiếm 16,9%. 

Sau đợt IPO, cơ cấu cổ đông của Tôn Đông Á bao gồm: 4 nhà đầu tư tổ chức trong nước, 216 nhà đầu tư cá nhân trong nước và 7 nhà đầu tư nước ngoài. Cụ thể hơn, các cổ đông lớn của công ty này như sau: ông Nguyễn Thanh Trung – Chủ tịch HĐQT sở hữu 32,6% vốn, bà Lê Thị Phương Loan nắm giữ 10,73% vốn, công ty TNHH Thương mại JFE Shoji Việt Nam nắm giữ 7,44% vốn, phần còn lại thuộc về các cổ đông khác.

dong-a-bieu-do-1-1648050906.pngẢnh: vietnambusinessinsider.vn

Được biết, sau IPO Tôn Đông Á sẽ đưa cổ phiếu niêm yết trên sàn HOSE. Như vậy, với việc chào bán thành công đạt tỷ lệ 100%, dự kiến Tôn Đông Á sẽ sớm niêm yết trên sàn HOSE trong thời gian tới.

Chân dung ông chủ đứng phía sau Tôn Đông Á

Chủ tịch HĐQT của CTCP Tôn Đông Á hiện nay là ông Nguyễn Thanh Trung. Ông tốt nghiệp khoa xây dựng, Đại học Bách Khoa TP.HCM vào năm 1982. Tốt nghiệp đại học xong, ông làm việc tại một đơn vị nhà nước, sau đó mới bắt đầu hành trình khởi nghiệp.

Năm 1996, ông Trung tìm hiểu về thị trường, làm sản phẩm thử nghiệm, đem gia công và tìm hiểu quy trình xuất nhập khẩu. Ban đầu, ông Trung làm đại lý phân phối tôn cho Posvina – liên doanh giữa tổng công ty thép Việt Nam và tập đoàn thép Hàn Quốc Posco.

Sau đó, khi bắt đầu có khách hàng, ông Trung tự mua nguyên liệu và đặt hàng gia công cho nhà máy khác sản xuất dưới thương hiệu công ty để bán ra thị trường. Đồng thời, giai đoạn này ông cũng học hỏi, tìm hiểu quy trình sản xuất từ các đơn vị gia công.

thanh-trung-1-1648050159.jpg

Ông Nguyễn Thanh Trung - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tôn Đông Á

Đến năm 1998, ông thành lập Công ty TNHH Tôn Đông Á và nhà máy đầu tiên đi vào hoạt động. Nói về cái tên Đông Á, ông Trung từng chia sẻ rằng “tên Đông Á đi kèm mong muốn của ông, khi nhìn về các nước Đông Á là nghĩ về Việt Nam”.

Ở giai đoạn đầu Tôn Đông Á cũng sử dụng công nghệ khá lạc hậu bởi việc mua máy móc thiết bị còn nhiều khó khăn và cần phải có nguồn vốn đầu tư mạnh. Sản phẩm đầu tiên của Tôn Đông Á ra đời vào giai đoạn những năm 1998-1999. Sau đó, công ty dần dần gây dựng cơ ngơi từng bước một. Năm 2009, Tôn Đông Á được chuyển thành công ty cổ phần.

Vốn xuất thân từ dân kỹ thuật, ông Nguyễn Thanh Trung quan niệm những sản phẩm làm ra phải là những sản phẩm chất lượng và có tên tuổi.

Sau hơn 20 năm, dưới sự lèo lái của ông Nguyễn Thanh Trung, Tôn Đông Á từ một cơ sở sản xuất nhỏ trở thành một trong những công ty hàng đầu về ngành tôn của Việt Nam. Sản phẩm chính của công ty là tôn mạ dùng trong hoạt động xây dựng dân dụng và công nghiệp, thiết bị gia dụng.

Hiện tại, Tôn Đông Á có 2 nhà máy tại khu công nghiệp Sóng Thần 1 và Đồng An 2 thuộc tỉnh Bình Dương, với công suất 850.000 tấn/năm. Công ty cũng có kế hoạch đầu tư mở rộng quy mô sản xuất với nhà máy thứ 3 nhằm sản xuất sản phẩm thép mạ dùng cho các ngành nghề xây dựng, sản xuất thiết bị gia dụng và ôtô. Tôn Đông Á cũng đặt mục tiêu tham vọng trở thành công ty nội địa đầu tiên cung cấp các sản phẩm cho lĩnh vực xe ôtô trong tương lai.

1-1-1648050348.pngHiện tại, Tôn Đông Á có 2 nhà máy tại khu công nghiệp Sóng Thần 1 và Đồng An 2 thuộc tỉnh Bình Dương, với công suất 850.000 tấn/năm

Tôn Đông Á làm ăn ra sao trước khi IPO?

Theo SSI Research, phần lớn doanh thu của Tôn Đông Á đến từ kênh nội địa với mức trung bình 60% tổng sản lượng tiêu thụ và doanh thu. So với xuất khẩu, biên lợi nhuận gộp từ kênh nội địa cũng thường cao hơn và thể hiện sự ổn định hơn ở mức khoảng 8% -11% trong 5 năm qua.

Về kênh nội địa, đối với mảng bán buôn, các sản phẩm được bán thông qua các tổng đại lý lớn, chiếm tỷ trọng lớn nhất với khoảng 35% doanh thu và 51% lợi nhuận gộp trong giai đoạn 2018- 2020. Mặt khác, mảng bán lẻ với các sản phẩm được bán thông qua hệ thống đại lý, chiếm lần lượt khoảng 35% và 32% doanh thu nội địa và lợi nhuận gộp trong cùng giai đoạn, với biên lợi nhuận gộp thường thấp hơn kênh bán buôn khoảng 1%-2%.

Về kênh dự án, công ty bán sản phẩm trực tiếp cho các nhà thầu xây dựng và tòa nhà thép tiền chế, chiếm khoảng 15% tổng sản lượng và doanh thu. Biên lợi nhuận của kênh dự án ở mức dưới 5% trong giai đoạn 2019-2020 do công ty phải đưa ra mức giá khởi điểm thấp để thâm nhập vào các dự án mới, nhưng đã cải thiện đáng kể lên 13,3% trong nửa đầu năm 2021 sau khi sản phẩm của công ty dần được các nhà thầu chấp nhận.

Về kênh xuất khẩu, Tôn Đông Á xuất khẩu cho khoảng 44 thị trường trên toàn cầu. Tỷ trọng doanh thu xuất khẩu của thị trường Bắc Mỹ (chủ yếu là Mỹ và Mexico) và châu Âu tăng đều đặn từ 38% trong năm 2019 lên 63% trong năm 2020 và 89% trong nửa đầu năm 2021. Thị trường Bắc Mỹ thường có biên lợi nhuận cao nhất do giá cao hơn khoảng 10%- 20% so với thị trường châu Á và thị trường nội địa.

ton-dong-a-12-1648050086.PNG

Năm 2020, Tôn Đông Á giữ thị phần tôn mạ lớn thứ 2 tại Việt Nam với tỷ lệ 16%, chỉ sau tôn Hoa Sen (HSG ). Nếu tính riêng thị trường nội địa, Tôn Đông Á cũng thường xuyên là công ty lớn thứ 2 có thị phần khoảng 17% -18% trong vòng 3 năm qua. Cụ thể hơn, tại miền Nam – thị trường chiếm khoảng 82% -84% sản lượng tiêu thụ nội địa của Tôn Đông Á, công ty đã chiếm thị phần cao nhất trong một số giai đoạn như năm 2019 và 2020.

ton-dong-a-4-1648049743.PNGThị phần trong nước của Tôn Đông Á

Năm 2021, sản lượng bán hàng của Tôn Đông Á hơn 794.000 tấn, đạt 108% so với kế hoạch. Công ty ghi nhận doanh thu hơn 25.200 tỷ đồng, vượt 57% so với kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 1.200 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ. Đây cũng là kết quả cao nhất từ trước đến nay. Với kết quả này, Tôn Đông Á chiếm 15% thị phần trong nước và chiếm thị phần sản phẩm tôn lạnh – tôn màu số 1 tại khu vực miền Nam.

Năm 2022, Tôn Đông Á đặt kế hoạch sản lượng là 820.000 tấn, trong đó 50% sản lượng bán ở thị trường nội địa và 50% sản lượng dành cho xuất khẩu với mục tiêu doanh thu là 24.600 tỷ đồng.