Chân dung đại gia Vũ Đình Độ - ông chủ Nhựa Đồng Nai – người đứng sau hàng loạt thương vụ thâu tóm đình đám

16/03/2022 12:06

vu-dinh-do-2-1647360431.jpgÔng Vũ Đình Độ – Chủ tịch HĐQT DNP

Ông Vũ Đình Độ (sinh năm 1982) quê ở Bắc Giang, có trình độ học vấn là cử nhân kinh tế. Ông có kiến thức và kinh nghiệm sâu rộng trong các lĩnh vực tài chính doanh nghiệp, kế toán - kiểm toán, quản trị doanh nghiệp và quản trị đầu tư.

Trước khi gia nhập CTCP Nhựa Đồng Nai (mã: DNP), ông Vũ Đình Độ có gần 3 năm làm kiểm toán viên tại KPMG Việt Nam và 1 năm làm việc tại KPMG Singapore. Giai đoạn 2007 - 2008, ông giữ chức vụ Giám đốc dự án Phòng Công cụ phái sinh, M&A tại CTCP chứng khoán Sài Gòn. Giai đoạn 2009 - 2011, ông làm Giám đốc khối Nghiên cứu, Phân tích, Đầu tư tại CTCP Chứng khoán VNDIRECT. Giai đoạn 2011 - 2012, ông làm Phó Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán Maritime Bank.

Năm 2012, các cổ đông thời kỳ đầu của CTCP Nhựa Đồng Nai bắt đầu thoái vốn, bán cổ phần. Ông Vũ Đình Độ đã nắm bắt cơ hội và được bầu vào HĐQT. Đến năm 2014, ông Vũ Đình Độ giữ chức Tổng giám đốc của công ty này và một năm sau, ông chính thức trở thành Chủ tịch HĐQT DNP. Trước đó, ông Độ được xem như là người chưa có kinh nghiệm trong ngành nhựa, bởi vậy quá trình thăng tiến nhanh chóng của ông Độ tại DNP cũng không khỏi khiến nhiều người trong giới bất ngờ.

Bên cạnh chức vụ Chủ tịch HĐQT DNP, ông còn đang giữ các trọng trách khác như là: chủ tịch HĐQT của CTCP Thủy Điện Nậm La, chủ tịch HĐQT CTCP Nhựa Đồng Nai Miền Trung, Chủ tịch HĐQT của CTCP Nhựa Tân Phú và là thành viên HĐQT CTCP Bình Hiệp.

275292166-10216547075108378-1179592179392508415-n-1647392887.jpgHệ sinh thái các doanh nghiệp của ông Vũ Đình Độ - Ảnh cafef

Những bước phát triển ngoạn mục của DNP dưới thời ông Vũ Đình Độ

Dưới sự lèo lái của ông Vũ Đình Độ, CTCP Nhựa Đồng Nai đã có những bước tăng trưởng rất ấn tượng về quy mô và hiệu quả hoạt động. Vào năm 2015, tổng tài sản của DNP là 717 tỷ đồng, doanh thu và lợi nhuận gộp lần lượt là 906 tỷ đồng và 163 tỷ đồng. Sau 5 năm, DNP đã có những bước phát triển rất thần tốc với tổng tài sản đạt 9.732 tỷ đồng, doanh thu và lợi nhuận gộp lần lượt là 3.289 tỷ tỷ đồng và 574 tỷ đồng vào năm 2020.

Kể từ khi gia nhập vào DNP, ông Vũ Đình Độ đã dẫn dắt công ty ghi nhiều dấu ấn qua các thương vụ thâu tóm đình đám. Theo chiến lược của ông Độ, ngoài việc duy trì thị phần ở lĩnh vực nhựa, DNP còn tham gia đầu tư vào mảng kinh doanh nước sạch thông qua việc mua cổ phần ở nhiều công ty trong lĩnh vực nước.

Giai đoạn 2015 – 2016, DNP liên tục thâu tóm nhà máy nước Bình Hiệp, Nhựa Tân Phú và nhà máy nước Đồng Tâm. Năm 2017, DNP thành lập CTCP Đầu tư Ngành nước DNP (DNP Water) vốn điều lệ 1.100 tỷ đồng và trở thành công ty tư nhân đầu tiên trong ngành nước của Việt Nam được IFC (Tập đoàn Tài chính Quốc tế - International Finance Corporation) cam kết đầu tư 24,9 triệu USD.

nhua-tan-phu-1-1647360913.jpgDNP cũng đang sở hữu nhiều công ty lớn đầu ngành như: DNP Water, Nhựa Đồng Nai, DNP Hawaco, Nhựa Tân Phú , CTCP CMC…

Năm 2018, DNP xây dựng nhà máy nước sạch DNP - Bắc Giang, hoàn thành giai đoạn 1 công suất 30.000 m3/ngày đêm. Đồng thời, công ty cũng cho ra mắt thương hiệu gia dụng cao cấp Inochi.

Năm 2019, DNP huy động thành công nguồn vốn lên tới 20 triệu USD từ trái phiếu chuyển đổi với Olympus Capital Asia. Đồng thời, đơn vị này cũng cho ra mắt DNP Hawaco – công ty liên doanh giữa 2 thương hiệu hàng đầu lĩnh vực vật tư ngành nước tại Việt Nam.  

Tháng 3/2021, DNP trở thành cổ đông lớn sở hữu 51,14% CTCP CMC – một trong những công ty sản xuất gạch ốp lát lớn nhất Việt Nam.

Theo báo cáo tài chính tính đến ngày 30/9/2021, DNP đang sở hữu tổng tài sản lên tới 14.4217 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu là 3.744 tỷ đồng, vốn điều lệ 1.091 tỷ đồng và tổng doanh thu 3.402 tỷ đồng/năm.

DNP cũng đang sở hữu nhiều công ty lớn đầu ngành như: DNP Water, Nhựa Đồng Nai, DNP Hawaco, Nhựa Tân Phú, CTCP CMC… Công ty này cũng đặt mục tiêu đạt 16.000 tỷ đồng doanh thu vào năm 2025, dựa trên nền tảng các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi gồm: nước sạch và môi trường, vật liệu xây dựng, các sản phẩm gia dụng và bao bì.

Thâu tóm một loạt công ty như HUT, VC9, NVT

Bên cạnh nhựa và nước sạch, DNP cũng có động thái thâu tóm một loạt doanh nghiệp có liên quan đến ngành xây dựng, bất động sản như: HUT (CTCP Tasco) , VC9 (CTCP Xây dựng số 9) và NVT (CTCP Du lịch Bất động sản Ninh Vân Bay).

Đối với Tasco, doanh nghiệp thường gắn liền với danh xưng là “ông trùm BOT” bởi là nhà đầu tư uy tín trong lĩnh vực này với nhiều dự án ở Hải Phòng, Nam Định, Hà Nội... với tổng mức đầu tư lên đến 670 triệu USD. Ngoài ra, Tasco cũng là đơn vị tiên phong và nhà đầu tư lớn nhất vào hạ tầng thu phí không dừng thông minh tại Việt Nam hiện đang vận hành ở 58 trạm trên các tuyến đường huyết mạch trải dài từ Bắc vào Nam, kết nối hệ thống thu phí không dừng ETC với gần 1,4 triệu xe ô tô đang lưu hành toàn quốc.  

tasco-1-1647361691.jpgTasco hiện đang là đơn vị tiên phong và nhà đầu tư lớn nhất vào hạ tầng thu phí không dừng thông minh tại Việt Nam.

Tại Tasco, có hai nhân vật lãnh đạo cấp cao của DNP đã tham giao vào HĐQT của công ty này gồm: ông Hồ Việt Hà (SN 1976) và ông Nguyễn Danh Hiếu (SN 1983). 

Ông Hồ Việt Hà hiện là chủ tịch HĐQT Tasco và Phó Chủ tịch HĐQT DNP Water. Ông Hà tham gia vào DNP Water từ năm 2020 với vai trò là chủ tịch HĐQT.

Ông Nguyễn Danh Hiếu đã tham gia vào HĐQT Tasco vào tháng 6/2021. Trước đó, ông Hiếu từng giữ nhiều chức vụ quan trọng tại DNP và các công ty thành viên của đơn vị này như: Phó Tổng giám đốc DNP Water, Chủ tịch HĐQT CTCP Sản xuất Kinh doanh nước sạch số 3 Hà Nội (NS3) và CTCP Cấp thoát nước Bình Thuận, Giám đốc công nghệ thông tin tại DNP.

Bên cạnh đó, ban điều hành và ban kiểm soát Tasco cũng có sự tham gia của nhiều nhân sự liên quan đến DNP như: TGĐ Nguyễn Huy Tuấn, P.TGĐ Nguyễn Thế Minh, P.TGĐ Phan Thị Thu Thảo, kế toán trưởng Nguyễn Hoàng Oanh...

Đối với CTCP Xây dựng số 9 (VC9), doanh nghiệp này từng là công ty con của CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex - VCG). Cuối năm 2017, VCG đã giảm tỷ lệ sở hữu tại VC9 từ 55,75% xuống chỉ còn 36,94% vốn điều lệ thông qua việc bán ra 2,19 triệu cổ phần. Đến tháng 11/2021, VCG chính thức thoái toàn bộ vốn tại VC9. Số lượng cổ phiếu VC9 do VCG bán ra đã được 2 cổ đông mới là ông Nguyễn Minh Quang và Trần Mạnh Hiếu mua vào. Chủ mới của doanh nghiệp này là nhóm DNP của đại gia Vũ Đình Độ, theo nguồn tin của VietTimes.

ninh-van-1-1647361998.jpgCTCP Du lịch Bất động sản Ninh Vân Bay (NVT) là doanh nghiệp chuyên về đầu tư, xây dựng, kinh doanh các khu nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp tại Việt Nam.

Đối với CTCP Du lịch Bất động sản Ninh Vân Bay (NVT), đây là doanh nghiệp chuyên về đầu tư, xây dựng, kinh doanh các khu nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp tại Việt Nam. Hiện nay, Ninh Vân Bay đang khai thác, vận hành các khu nghỉ dưỡng đẳng cấp 5 sao như: Six Senses Ninh Vân Bay (Khánh Hòa), Emralda Ninh Bình (Ninh Bình) và  Ana Mandara Villas Dalat Resort & Spa (Đà Lạt).

Tại CTCP Du lịch Bất động sản Ninh Vân Bay, vào tháng 9/2019, NVT đã đổi chủ khi có sự tham gia của nhóm cổ đông mới nắm quyền quyết định tại NVT (nắm giữ trên 57% cổ phần). Ngay sau khi lên nắm quyền, nhóm cổ đông này đã thay máu ban lãnh đạo cấp cao. Đáng chú ý, nhóm cổ đông mới này được cho là có liên quan đến hệ sinh thái DNP.

Theo đó, Chủ tịch HĐQT NVT tại thời điểm đó là ông Phạm Thành Thái Lĩnh. Ông Lĩnh là Giám đốc Đầu tư của DNP Water và là thành viên Ban kiểm soát NS3. Trước đó, ông Lĩnh là Phó tổng giám đốc Kinh doanh CTCP Nhựa Tân Phú, công ty thành viên của DNP. Hiện nay, chức vụ Chủ tịch HĐQT NVT do ông Hồ Việt Hà đảm nhận.

Một thành viên HĐQT khác là ông Nguyễn Hoàng Giang. Ông Giang tham gia vào HĐQT NVT từ tháng 4/2019. Theo tìm hiểu, ông Giang là anh vợ của ông Phạm Thành Thái Lĩnh và từng là thành viên HĐQT của DNP Water. Ngoài ra, hai cổ đông lớn của NVT là ông Phạm Quốc Khánh và ông Nguyễn Văn Dũng cũng là những người được cho là có liên quan với DNP.