Chân dung ‘đại gia’ Phạm Hoành Sơn – chủ nhân chiếc siêu xe SUV Rolls-Royce Cullinan 40 tỷ đồng ở Hà Tĩnh

28/03/2022 13:00

Gần đây, trên mạng xã hội đang xôn xao về việc một đại gia ở Hà Tĩnh đã chi khoảng 40 tỷ đồng để mua chiếc siêu xe SUV Rolls-Royce Cullinan. Theo tìm hiểu, chiếc Rolls-Royce Cullinan mang biển số 38 này được cho là thuộc sở hữu của ông Phạm Hoành Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn - một trong những doanh nghiệp tư nhân hàng đầu ở Hà Tĩnh. 

ho-sy-quynh-6-1648401470.PNGẢnh: Hồ Sỹ Quỳnh

Chiếc Rolls-Royce Cullinan của đại gia Hà Tĩnh này có màu sơn đen bóng, kết hợp đường coachline màu cam chạy dọc thân xe tạo điểm nhấn ấn tượng. Bên trong nội thất, chiếc xe này gồm có 4 chỗ ngồi với nội thất bọc da 2 tông màu cam và đen. 

ho-sy-quynh-2-1648401276.jpgẢnh: Hồ Sỹ Quỳnh
ho-sy-quynh-7-1648401766.jpgẢnh: Hồ Sỹ Quỳnh

Được biết, chiếc xe này sở hữu biển số trắng trong khi tại Việt Nam hiện nay, số lượng xe Rolls-Royce Cullinan có biển số trắng rất hiếm, chỉ khoảng vài chiếc.

275840001-3370700969882922-2549510471426016462-n-1648401645.jpgẢnh: Hồ Sỹ Quỳnh

Cullinan là mẫu SUV đầu tiên trong lịch sử của Rolls-Royce và cái tên Cullinan được đặt theo tên của viên kim cương thô lớn nhất thế giới từng được tìm thấy. Tại Việt Nam, dòng xe này bắt đầu xuất hiện từ hồi tháng 5/2019.

Rolls-Royce Cullinan có giá khởi điểm khoảng từ 32,4 tỷ đồng và tùy theo các yêu cầu xa xỉ khác của khách hàng mức giá có thể dao động từ 40 - 50 tỷ đồng.

Hành trình khởi nghiệp từ “Sơn xay xát” đến ông chủ tập đoàn nghìn tỷ ở Hà Tĩnh

Ông Phạm Hoành Sơn (sinh năm 1972) quê ở xã Trung Lễ, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Ông là con trai cả trong một gia đình có 4 anh chị em. Điều đặc biệt là sau khi học cấp 3 xong, ông Sơn không thi đại học mà lại chọn con đường kinh doanh từ sớm.

Từng chia sẻ với truyền thông, ông Sơn cho biết mẹ ông là giáo viên nhưng bỏ nghề giáo để buôn bán. Những năm 90, mẹ ông đã khởi đầu kinh doanh bằng việc mua một cái máy xay xát và tham gia mua bán trao đổi gạo, lương thực cho người dân trong xã. Biệt danh “Sơn xay xát” cũng ra đời từ đó và nhiều năm liền gia đình ông trở thành “trùm” xay xát của vùng quê này.

Sau đó, nhận thấy ở quê chủ yếu là làm nông nên ông Sơn đã bàn với mẹ chuyển sang làm đại lý cho một số hãng phân bón nhằm cung ứng cho người dân trong vùng và các địa phương lân cận.

pham-hoanh-son-1-1648400284.jpegÔng Phạm Hoành Sơn -  Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Hoành Sơn. Ảnh: Báo Hà Tĩnh

Năm 1995, ông Sơn bắt đầu mở rộng kinh doanh sang lĩnh vực xi măng, sắt thép. Đến năm 2001, ông Sơn thành lập công ty TNHH Hoành Sơn chuyên cung ứng xi măng, phân bón và thu mua nông sản.

Năm 2011, doanh nghiệp chuyển đổi thành Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn. Công ty này hoạt động đa lĩnh vực như: vận tải, quản lý đội tàu biển, cho thuê tàu và các dịch vụ vận tải biển, xây dựng, tái tạo năng lượng…

Đối với vận tải - lĩnh vực mũi nhọn của công ty, Hoàng Sơn tập trung không ngừng đầu tư phát triển đội xe tải. Hiện nay, Hoàng Sơn đang sở hữu gần 1.000 xe đầu kéo, 3 tàu vận tải biển với trọng tải 80.000 tấn/chiếc, 3 sà lan vận chuyển hàng hóa. Đáng chú ý, công ty còn mở rộng sang Lào để vận chuyển thạch cao, quặng sắt về nước và bán dầu, than cho nước bạn.

hoang-son-1-1648401161.jpgHiện nay, Hoàng Sơn đang sở hữu gần 1.000 xe đầu kéo, 3 tàu vận tải biển với trọng tải 80.000 tấn/chiếc, 3 sà lan vận chuyển hàng hóa.

Đối với lĩnh vực xây dựng, Hoành Sơn đã từng tham gia các dự án như: hệ thống cấp nước cho khu kinh tế Vũng Áng (4.415 tỷ đồng), cảng biển quốc tế Hoành Sơn (1.410 tỷ đồng), dự án khu công nghiệp Cổng Khánh 2 (350 tỷ đồng), Nhà máy Bia Hà Nội – Nghệ Tĩnh (1.200 tỷ đồng)…

Đối với lĩnh vực tái tạo năng lượng, Hoành Sơn đã tham gia dự án điện mặt trời ở huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh với tổng mức đầu tư 1.458 tỷ đồng, công suất 50 MWp.

Đặc biệt, Hoành Sơn từng nổi tiếng khi bỏ ra 460 tỷ đồng để thâu tóm Dự án cảng Phước An. Đây là một dự án đầy tham vọng của PVN (Tập đoàn dầu khí Việt Nam) tại Thị Vải – Cái Mép (Đồng Nai) với tổng mức đầu tư lên tới 19.000 tỷ đồng, tổng diện tích 183ha. Được biết, dự án cảng tổng hợp logistic có quy mô đầu tư rất lớn, chiều dài bến 3 km gồm 6 bến container và 4 bến tổng hợp. Trước khi có sự xuất hiện của Hoàng Sơn, PVN nắm cổ phần chi phối với tỷ lệ 79,58%; Sonadezi nắm 8,3%; phần còn lại là các cổ đông khác.

Được đánh giá là một trong những doanh nghiệp tư nhân hàng đầu ở Hà Tĩnh, Hoành Sơn đang có quy mô vốn lên tới 25.000 tỷ đồng. Năm 2021, doanh thu của Hoành Sơn khoảng 10.000 - 12.000 tỷ đồng.

Thâu tóm khu đất vàng "cao - xà – lá” ở Hà Nội và trở thành Chủ tịch của Cao su Sao Vàng

Không chỉ hoạt động ở Hà Tĩnh, doanh nhân Phạm Hoành Sơn còn Bắc tiến với việc thâu tóm thành công khu đất vàng "cao - xà – lá” (nghĩ là cao su, xà phòng và thuốc lá). Khu vực này từng được mệnh danh là tổ hợp công nghiệp sầm uất bậc nhất thủ đô Hà Nội những năm 70-90 và là nơi đặt nhà máy cao su Sao Vàng.

Năm 2015, công ty Cao su Sao Vàng ra quyết định di dời nhà máy về Khu công nghiệp Châu Sơn, Hà Nam và để lại khu đất 6ha tại địa chỉ số 231 Nguyễn Trãi, Hà Nội. Tại thời điểm đó, cũng có khá nhiều “ông lớn” bất động sản muốn thâu tóm khu đất này. Tuy nhiên, cuối cùng Hoàng Sơn đã giành được với mức trả giá cao nhất là 435 tỷ đồng.

hoanh-son-1-1648400981.PNGKhu đất vàng "cao - xà – lá” từng được mệnh danh là tổ hợp công nghiệp sầm uất bậc nhất thủ đô Hà Nội những năm 70-90 và là nơi đặt nhà máy cao su Sao Vàng. Ảnh: Zing

Tiếp đó, hai bên đã góp vốn thành lập Công ty TNHH Sao Vàng Hoành Sơn để triển khai xây dựng dự án tổ hợp thương mại và nhà ở Sao Vàng - Hoành Sơn trên khu này. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn chưa được triển khai.

Hiện nay, Tập đoàn Hoành Sơn là cổ đông lớn thứ 2 của Cao su Sao Vàng với tỷ lệ sở hữu 24,54% vốn điều lệ, tập đoàn Hóa chất Việt Nam là cổ đông lớn nhất với 36% vốn điều lệ. Chủ tịch HĐQT của CTCP Cao su Sao Vàng (Mã: SRC) hiện là ông Phạm Hoành Sơn.

Đáng chú ý, vào tháng 11/2021, CTCP Tập đoàn Hoành Sơn từng bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) xử phạt 110 triệu đồng vì đã có hành vi vi phạm hành chính về vấn đề giao dịch cổ phiếu. Cụ thể hơn, CTCP Tập đoàn Hoành Sơn là tổ chức có liên quan với ông Phạm Hoành Sơn – Chủ tịch HĐQT CTCP Cao su Sao Vàng đã thực hiện mua 6.886.150 cổ phiếu SRC từ 30/6/2020 đến ngày 02/7/2020 nhưng không báo cáo về việc dự kiến giao dịch cổ phiếu.

sao-vang-1-1648401216.PNGKết quả kinh doanh giai đoạn 2017-2021 của CTCP Cao su Sao Vàng

Về Cao su Sao Vàng, đây là nhà máy ra đời sớm nhất ngành công nghiệp cao su Việt Nam được thành lập từ năm 1960. Hiện tại nhà máy này được đổi tên thành CTCP cao su Sao Vàng. Công ty chuyên sản xuất các loại săm lốp: máy bay, ôtô, xe đặc chủng, xe máy, xe đạp và các sản phẩm cao su kỹ thuật. Cập nhật kết quả kinh doanh năm 2021, doanh thu của SRC là 994.860 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 52.401 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, ông Phạm Hoành Sơn còn đầu tư trong lĩnh vực bóng đá với CLB Bóng đá Hồng Lĩnh Hà Tĩnh. Theo đó, cuối năm ngoái, CTCP Bóng đá Hồng Lĩnh Hà Tĩnh đã ký kết chuyển nhượng CLB Hồng Lĩnh Hà Tĩnh và bàn giao quyền điều hành, quản lý đội bóng cho CTCP Tập đoàn Hoành Sơn.

Ngoài ra, ông Phạm Hoành Sơn còn giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT của CTCP Dầu khí đầu tư khai thác cảng Phước An và CTCP Đầu tư và Phát triển Vũng Áng.