Cần cơ chế để doanh nghiệp tự lực về công nghệ

25/06/2023 13:30

Tại hội thảo thượng đỉnh thường niên về Công nghiệp 4.0 năm 2023 (Vietnam Industry 4.0 Summit 2023) do Ban Kinh tế trung ương chủ trì tổ chức mới đây, ông Huỳnh Quang Liêm, Tổng Giám đốc Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT), cho rằng cần có các cơ chế, chính sách để nâng cao năng lực độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường của công nghiệp công nghệ số của Việt Nam trong thời gian tới.

Theo ông Huỳnh Quang Liêm, trong định hướng và triển khai chuyển đổi số quốc gia, sự tham gia của doanh nghiệp (DN) Việt là rất quan trọng và phải được ưu tiên tối đa. Đảng, Chính phủ cần trao cơ hội cho DN để giải những bài toán lớn cấp quốc gia, với hàng triệu người sử dụng, không những mang lại hiệu quả quốc gia mà còn giúp DN công nghệ số nâng cao, tích tụ năng lực tự chủ, tự cường về công nghệ.

Cần cơ chế để doanh nghiệp tự lực về công nghệ - Ảnh 1.

VNPT Trình diễn các giải pháp số.

Chia sẻ về ứng dụng công nghệ mới trong chuyển đổi số, ông Huỳnh Quang Liêm nhấn mạnh làm chủ những công nghệ lõi, công nghệ mới là một trong những yếu tố giúp DN công nghệ số có thể trưởng thành, tích tụ năng lực và phát triển.

VNPT cũng đặt ra các mục tiêu phát triển công nghệ AI cho mình, trở thành 1 trong 10 thương hiệu AI có uy tín trong khu vực; 1 trong 3 trung tâm quốc gia về lưu trữ dữ liệu lớn và tính toán hiệu năng cao; 1 trong 3 trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia về AI và là 1 trong 20 cơ sở nghiên cứu AI dẫn đầu khu vực ASEAN. Từ góc nhìn của DN, VNPT có 5 đề xuất về chính sách gồm: (1) chính sách ưu đãi cho DN công nghệ số make in Việt Nam; (2) chính sách kiểm soát chất lượng sản phẩm - dịch vụ công nghệ số make in Việt Nam; (3) xúc tiến, thúc đẩy nhu cầu; (4) thu hút vốn đầu tư FDI; (5) đào tạo, phát triển nguồn nhân lực công nghệ số.

Dữ liệu quyết định tiến trình chuyển đổi số

Tham dự triển lãm Industry 4.0 Summit 2023, VNPT đã mang đến những giải pháp hàng đầu về chuyển đổi số, gồm: Trung tâm điều hành giám sát thông minh - VNPT IOC (đến nay đã được triển khai tại 45 địa phương trên cả nước); giải pháp quản trị công chức, viên chức (CCVC) VNPT CCVC (đang được triển khai tại 22 bộ ngành, 44 tỉnh, thành và được tích hợp với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia CBCCVC của Bộ Nội vụ). Đến nay, hệ sinh thái VNPT AI đã cung cấp được 7 sản phẩm chính: VnSocial, VNPT Smart Vision, VNPT Smart Reader, VNPT Smart Bot, VNPT Smart Voice, vnFace và VNPT eKYC.

Trong khi đó, từ phía DN nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, Tập đoàn Công nghệ Huawei đã đề xuất các giải pháp năng lượng mặt trời cho Việt Nam. Ông Lê Nho Thông, Phó Giám đốc kinh doanh công nghệ năng lượng số (Huawei Digital Power) của Huawei Việt Nam, đã nêu lên 3 yếu tố quan trọng để thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng tượng từ "tài nguyên thiên nhiên" sang "đổi mới sáng tạo công nghệ". Đó là sự đồng hành chặt chẽ trên toàn cầu trong việc thực hiện mục tiêu trung hòa carbon; bảo đảm an ninh năng lượng để đạt được mục tiêu độc lập năng lượng; những tiến bộ của công nghệ mang lại giá trị kinh doanh.

Huawei đã giới thiệu các giải pháp điện mặt trời thông minh đang được triển khai ở một số nước như FusionSolar 8.0 phù hợp với kịch bản tương lai; C&I 2.0 cho ngành công nghiệp và thương mại bền vững... Đặc biệt là giải pháp điện mặt trời thông minh dân dụng "1+4+X" mang lại sự độc lập tự chủ về năng lượng cho mọi người, giúp các ngôi nhà chuyển sang sử dụng 100% năng lượng xanh. 

Bạn đang đọc bài viết "Cần cơ chế để doanh nghiệp tự lực về công nghệ" tại chuyên mục Công nghệ.