9X dùng tư duy toán để khởi nghiệp hệ thống dạy Anh ngữ

17/12/2022 13:30

Từ một học sinh cấp 3 giỏi toán nhưng sợ tiếng Anh, Lê Đình Lực hiện là ông chủ của hệ thống 8 trung tâm luyện IELTS, TOEIC.

Ít ai biết Lê Đình Lực (30 tuổi), còn có biệt danh "Đình Lực IELTS" trong giới khởi nghiệp giáo dục bằng công nghệ (Edtech) từng đọc từ "student" là "sờ tu den tờ" hồi còn học cấp 2 ở quê nhà Gia Lai.

Vì vậy, khi đỗ vào cấp 3 của Trường Phổ thông Năng khiếu (Đại học Quốc gia TP HCM), anh bị sốc. "Vào Sài Gòn, mình đọc bài kiểm tra bằng tiếng Anh không hiểu gì, kỳ thi đầu tiên chỉ được 3 điểm, trong khi ở lớp có bạn đạt IELTS 8.0 từ lớp 9", Lực kể lại.

Nỗi sợ môn tiếng Anh ngày đó thôi thúc Lực tìm cách trau dồi. Bảy năm sau cú sốc 3 điểm, Lực khởi nghiệp trường dạy tiếng Anh với tên gọi DOL. Đến nay, startup của anh có 8 trung tâm, dạy theo phương pháp do anh sáng tạo.

Tìm ra phương pháp học tiếng Anh mới nhờ tư duy toán học

Lực cho biết ngày đầu vào cấp 3, sau khi nhận điểm kém đã chia lại thời gian học, từ 14 tiếng giải toán một ngày xuống còn 6 tiếng, dành 8 tiếng học tiếng Anh. "Nhiều lúc, tôi thức thâu đêm, luyện nghe đến đau rát cả hai tai, quyết tâm hiểu bằng được một đoạn hội thoại căn bản. Có những đoạn văn tiếng Anh chỉ dài vài dòng, nhưng tôi vẫn bỏ ra hàng giờ đồng hồ để thật sự thấu hiểu...", Lực nói.

Những nỗ lực không ngừng nghỉ cùng tư duy logic đặc biệt của một học sinh chuyên toán, sau hơn một năm, Lực đã tìm ra phương pháp mới, hiệu quả để học tiếng Anh. Từ lớp 11 lên 12, anh bức tốc đạt tiếng Anh IELTS 7.5 và đạt được 100/120 của TOEFL iBT. Đặt tên cho phương pháp của mình là "Linearthinking", Lực bắt đầu đi dạy thêm kiếm tiền khi lên đại học.

"Lúc đầu tôi chỉ định dạy kèm tiếng Anh thời gian ngắn vì túi tiền sinh viên vốn eo hẹp, nào ngờ sau đó lượng học viên đến học thông qua truyền miệng rất đông. Tôi nhận thấy rằng đây là phương pháp đúng", anh nói.

Lê Đình Lực, Nhà sáng lập DOL English. Ảnh: MINK

Lê Đình Lực, Nhà sáng lập DOL English. Ảnh: MINK

Về cơ bản, phương pháp của Lực kết hợp giữa 3 yếu tố là nghiên cứu sự ảnh hưởng của ngôn ngữ thứ nhất lên ngôn ngữ thứ 2, ở đây là việc học tiếng Việt lên việc học tiếng Anh. Hai yếu tố còn lại là áp dụng kỹ thuật siêu trí nhớ và tư duy logic toán học để luyện tiếng Anh.

Như cách học ngữ pháp, thay vì học rất nhiều công thức và giải bài bằng các mẹo dấu hiệu, anh "bày" cách lập sơ đồ tư duy và đơn giản hóa, cũng như áp dụng ngữ cảnh. Trong khi đó, cách triển khai tư duy từ tiếng Việt sang tiếng Anh sẽ giải những tình huống trước đây học viên từng e ngại, nhất là trong phần giao tiếp.

Quyết chí khởi nghiệp

Lực dạy thêm tiếng Anh cho đến khi học thạc sĩ. Anh nhận thấy thị trường này còn nhiều bài toán, trong khi bản thân lại lóe ra giải pháp. Đó cũng là lý do anh từ chối suất học bổng tiến sĩ tại Australia để khởi nghiệp Edtech vào năm 2017. Anh gọi đó là một quyết định "all-in", bỏ lại sau lưng tất cả cơ hội khác.

Trước Covid-19, anh chỉ có một trung tâm offline (trực tiếp) và đầu tư nhiều cho online (trực tuyến), bao gồm việc số hóa phần quản lý và phần học thuật. Nếu số hóa khâu quản lý tương đối thuận lợi vì có các phần mềm sẵn thì số hóa phần học thuật khó hơn.

Lực mô tả nó tương tự như việc viết ra chục ứng dụng nói, nghe, viết, từ điển... rồi gom lại ra một Edtech. "Thử thách là chỉ khi đã số hóa được và tạo ra trải nghiệm tốt hơn cả offline thì học sinh mới chịu xài và mới tác động được đến giáo viên. Lúc đó, chúng tôi đã đi được nửa chặng đường", anh cho biết.

Song song với phát triển công nghệ, Lực nộp đơn đăng ký cho phương pháp "Linearthinking" và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận năm 2019. ThS.BS tâm thần CKI Nguyễn Trung Nghĩa, Nguyên chủ tịch Hội Sinh viên Đại học Y dược TP HCM, từng theo học và lấy được IELTS 7.5.

"Đó là số điểm khá cao do tôi xuất thân từ khối B, với việc học chuyên khoa, làm việc, nghiên cứu bận rộn. Với người thuần khoa học như tôi thì logic của phương pháp này thuyết phục, tiết kiệm được nhiều thời gian, công sức", ông Nghĩa nói.

Và nhờ đi theo hướng Edtech, startup vượt qua được mùa dịch. Khi cuộc sống bình thường lại, trung tâm của Lực kết hợp dạy trực tiếp lẫn trực tuyến. Chỉ trong năm 2022, anh mở thêm 7 trung tâm tại TP HCM và chuẩn bị có trung tâm đầu tiên ở Hà Nội.

Lê Đình Lực (đứng) đang thảo luận công việc với các đồng nghiệp ở DOL English. Ảnh: MINK.

Lê Đình Lực (đứng) đang thảo luận công việc với các đồng nghiệp ở DOL English. Ảnh: MINK.

Sau 5 năm xây nền tảng về phương pháp, công nghệ, dự án của anh bước vào giai đoạn mở rộng và thu hút được một số tài năng về đầu quân. Ví dụ như Hà Đặng Như Quỳnh (tốt nghiệp Á khoa Sư phạm Anh, Đại học Sư phạm TP HCM, Trần Anh Khoa (Á khoa Khoa tiếng Anh Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM), hay Phạm Huy Hùng, tốt nghiệp đại học lẫn cao học loại ưu Đại học Texas A&M (Mỹ)...

Lực giờ không tham gia sâu vào phát triển kinh doanh vì đã có đội ngũ quản lý chuyên trách mà chỉ đóng vai trò chốt chiến lược. Anh cũng trực tiếp quản lý đội ngũ học thuật và công nghệ vì được "sống chết" với hai mảng này là đam mê.

Hiện Lực cho người dùng tiếp cận miễn phí nhiều chức năng trên website. Anh và các cộng sự còn tập trung biên soạn một cuốn từ điển Việt – Anh trực tuyến với khoảng 30.000 từ. Anh cho biết tiếng Việt rất phong phú, nhưng rất nhiều từ điển Việt - Anh đang dịch chưa đủ và ít cập nhật "hơi thở" cuộc sống như: "phở tái", "trứng chần", hay "ố dề".

Tham vọng của anh là sau khi hoàn thiện hết chương trình giảng dạy, hệ thống công nghệ... sẽ số hóa toàn bộ lên online, giúp cho giáo dục chất lượng cao tiếp cận đến toàn bộ người học với chi phí chỉ bằng một phần tám so với hiện tại.

Một số thời gian còn lại ngoài công việc tại startup, Lực nhận lời đi chia sẻ về phương pháp dạy tiếng Anh của mình với giảng viên, sinh viên ở các trường đại học và trung học tại TP HCM.

Hiện DOL chưa có ý định gọi vốn dù nhận được một số ngỏ ý đầu tư. "Tôi sợ khi có quỹ vào sẽ trở thành nơi 'kinh doanh' giáo dục trong khi tầm nhìn là làm giáo dục thuần túy. Có thể chúng tôi sẽ đi chậm hơn một chút, bên ngoài không hào nhoáng nhưng cốt lõi bên trong mới là điều hướng đến", anh nói.

Nhìn lại hành trình từ dân toán sang mở trường dạy tiếng Anh, Đình Lực cho rằng việc học và làm trái ngành là bình thường, không ảnh hưởng gì đến tương lai. Theo anh, giảng đường hiện chủ yếu giúp học cách tư duy, phân tích vấn đề.

Trong khi, có rất nhiều thứ phải học nếu muốn startup. Với kỹ năng tư duy, nhà khởi nghiệp sẽ biết cách giải quyết các vấn đề phát sinh. "Khi đã xác định cái gì cũng cần học, chúng ta sẽ bỏ được phân vân về học trái nghề", anh nói.

Bản thân Lực cũng từng gặp khó ở kỹ năng quản trị. Anh mất hai năm đầu để nhận ra cách lãnh đạo của mình là sai lầm, và mất thêm một năm để trưởng thành, bớt nóng tính và khắt khe. "Tôi tốn rất nhiều thời gian để hiểu được thế nào là một người lãnh đạo mà mọi người muốn đi theo ngay cả khi thăng lẫn trầm", anh nói.

Lực nói rằng anh vẫn đang học và lắng nghe từng ngày. Trong mọi việc, quan điểm của anh là khi xác định được mục tiêu, cần toàn tâm thực hiện. "Nhiều khi tập trung 100% chưa chắc làm nên chuyện, nhưng nếu chúng ta không tập trung 100% thì khả năng rất cao sẽ hỏng chuyện", anh nói.

Viễn Thông