24 doanh nghiệp đủ điều kiện tái chế ắc quy, bao bì

01/03/2024 16:30

24 doanh nghiệp đủ điều kiện tái chế săm lốp, ắc quy, dầu nhớt, bao bì... chủ yếu nằm tại các địa phương có khu công nghiệp, sản xuất lớn của miền Bắc và Nam.

Theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, từ 1/1, các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu săm, lốp, pin, ắc quy, dầu nhớt và bao bì giấy (hỗn hợp, carton) sẽ phải tái chế theo tỷ lệ, quy cách bắt buộc.

Sau hơn hai tháng, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết hiện có 24 doanh nghiệp đủ điều kiện tái chế sản phẩm, bao bì. Danh sách này được bộ đưa ra nhằm hỗ trợ nhà sản xuất, nhập khẩu chọn và hợp tác để thực hiện trách nhiệm mở rộng nhà sản xuất (EPR) tại Việt Nam.

Theo đó, miền Bắc chiếm hơn một nửa, với 13 doanh nghiệp thuộc địa phương có khu công nghiệp lớn, như Bắc Ninh, Hải Dương, Bắc Giang và Vĩnh Phúc. Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy là đơn vị duy nhất được ủy quyền tái chế ở phía Bắc.

Tại miền Nam, 11 doanh nghiệp được phép tái chế nằm ở Bình Dương, Long An và Bình Phước.

Bao bì giấy, carton, ắc quy chì, săm lốp, pin và bao bì hỗn hợp (HDPE, LDPE, PP, PS và PVC cứng)... là những sản phẩm các đơn vị trên đủ điều kiện tái chế.

Nhà sản xuất phải thực hiện trách nhiệm tái chế. Ảnh: Gia Chính

Nhà sản xuất phải thực hiện trách nhiệm tái chế một số sản phẩm như săm lốp, ắc quy, dầu nhớt...tại Việt Nam từ đầu 2024. Ảnh: Gia Chính

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, trường hợp nhà sản xuất, xuất khẩu liên kết với đơn vị bên ngoài danh sách cơ quan này công bố, họ phải đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường, sản phẩm sau tái chế.

Quy định tái chế áp dụng với các nhà sản xuất, nhập khẩu có tổng doanh thu từ bán hàng, dịch vụ và giá trị nhập khẩu của năm trước lần lượt trên 30 tỷ và 20 tỷ đồng. Doanh nghiệp vừa và nhỏ không phải chịu quy định này.

Tỷ lệ tái chế sản phẩm, bao bì trước khi đưa ra thị trường với ngành săm lốp là 5%, pin sạc 8%, ắc quy 8-12% tùy loại và bao bì 10-22%.

Doanh nghiệp cũng có thể chọn nhiều giải pháp khi tái chế. Chẳng hạn, săm lốp có thể tái chế làm làm lốp dán công nghệ cao, hoặc cắt, thu hồi bột cao su làm cốt liệu.

Theo lộ trình, ngành điện, điện tử sẽ phải tái chế sản phẩm bắt buộc từ đầu 2025. Quy định tái chế áp với lĩnh vực ôtô, xe máy từ 2027.

Gia Chính