Trọng điểm thu hút đầu tư, khu công nghiệp vẫn chật vật xử lý bài toán vốn

16/01/2024 16:30

Các KCN Việt Nam hiện nhìn chung còn gặp nhiều khó khăn, điển hình như nguồn lực tài chính cho phát triển hạ tầng kỹ thuật KCN còn rất hạn chế.

Khu công nghiệp là trọng điểm thu hút đầu tư FDI

Ngày 16/1, Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA) phối hợp với Liên Chi hội Tài chính Khu công nghiệp Việt Nam (FAIP) đã tổ chức Toạ đàm “Thực trạng các khu công nghiệp hiện nay và các giải pháp tài chính”.

Ông Lê Minh Nghĩa - Chủ tịch VFCA chia sẻ, trong hơn 35 năm qua, trong quá trình phát triển nhanh và toàn diện một nền kinh tế nghèo nàn sau chiến tranh kéo dài nhiều năm, Việt Nam đã phát triển được một hệ thống các khu công nghiệp, đóng góp vào nền kinh tế thị trường hiện đại định hướng xã hội chủ nghĩa của đất nước.

Hiện nay, trên cả nước đã có 414 khu công nghiệp được thành lập tại 61/63 tỉnh, thành phố, với tổng diện tích gần 127.000ha; hơn 1.000 cụm công nghiệp với tổng diện hơn 31.000ha. Các khu công nghiệp đã trở thành những khu vực trọng điểm thu hút các dự án đầu tư trong và ngoài nước.

Các doanh nghiệp trong khu công nghiệp có đóng góp rất lớn (khoảng 50%) tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách. Sự phát triển của các khu công nghiệp thúc đẩy chuyển giao công nghệ hiện đại, phát triển nguồn nhân lực, giải quyết số lượng việc làm lớn và nâng cao thu nhập cho người lao động.

Kinh tế vĩ mô - Trọng điểm thu hút đầu tư, khu công nghiệp vẫn chật vật xử lý bài toán vốn

Toàn cảnh Toạ đàm “Thực trạng các Khu công nghiệp hiện nay và các giải pháp tài chính”.

Nêu rõ hơn, TS. Ngô Công Thành – Phó Chủ tịch Viện Nghiên cứu đầu tư Quốc tế (ISC) cho biết, theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối năm 2022, các khu công nghiệp trong cả nước đã thu hút được hơn 11.200 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đạt hơn 231 tỷ USD và 10.400 dự án đầu tư của doanh nghiệp trong nước với tổng vốn đăng ký đạt 2,54 triệu tỷ đồng.

Qua đó giải quyết việc làm cho khoảng 4 triệu lao động trên cả nước và giúp hiệu suất sử dụng đất bình quân (suất đầu tư) đạt ngưỡng 4,61 triệu USD/ha.

Các khu công nghiệp đã trở thành những khu vực trọng điểm thu hút các dự án đầu tư trong và ngoài nước, là điểm đến của nhiều tập đoàn hàng đầu trên thế giới như Samsung, Sumitomo, Foxconn, LG, Hyosung, Canon, Robert Bosch… với nhiều sản phẩm được xuất khẩu ra thị trường toàn cầu, góp phần khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ kinh tế của khu vực và thế giới.

Qua đó, các khu công nghiệp, khu kinh tế thời gian qua đã đóng góp tích cực vào thành tựu tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Thu hút được một lượng vốn đầu tư lớn, bổ sung nguồn lực cho đầu tư phát triển; đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển đổi không gian phát triển, thúc đẩy liên kết vùng, liên kết ngành, tạo nền tảng quan trọng cho tăng trưởng bền vững; góp phần đẩy mạnh tăng trưởng sản xuất công nghiệp, nâng cao giá trị xuất khẩu và sức cạnh tranh của nền kinh tế, đóng góp đáng kể vào ngân sách Nhà nước.

Các khu công nghiệp cũng góp phần giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động và tăng năng suất lao động; đóng góp vào công tác bảo vệ môi trường và định hướng tăng trưởng xanh, thúc đẩy mối quan hệ ngoại giao, kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam với các nước, đặc biệt là với các đối tác quan trọng.

Nguồn vốn phát triển khu công nghiệp còn hạn chế

Đánh giá cao những kết quả đạt được nhưng TS. Ngô Công Thành cũng nêu lên thực trạng, các khu công nghiệp Việt Nam hiện nhìn chung còn gặp nhiều khó khăn, có thể kể đến như nguồn lực tài chính cho phát triển hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp còn rất hạn chế, dẫn đến việc hạ tầng chưa hoàn thiện, quá trình xây dựng chậm trễ kéo dài nên khó thu hút đầu tư.

Bên cạnh đó còn tồn tại sự chồng chéo về quy định ưu đãi đầu tư theo địa bàn, dẫn đến một số khu công nghiệp không được hưởng các chính sách ưu đãi; chưa có chính sách tài chính ưu đãi cho các doanh nghiệp, dự án đầu tư thứ cấp trong khu công nghiệp; chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp trong khu công nghiệp cũng chưa thật sự thu hút...

Kinh tế vĩ mô - Trọng điểm thu hút đầu tư, khu công nghiệp vẫn chật vật xử lý bài toán vốn (Hình 2).

TS. Cấn Văn Lực chỉ ra 7 điểm khó khi phát triển khu công nghiệp.

Đồng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV và Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia nêu ra 7 khó khăn, vướng mắc chính liên quan đến phát triển khu công nghiệp bao gồm: Bất cập về thể chế, chính sách; chất lượng quy hoạch phát triển khu công nghiệp còn thấp, chưa được quan tâm đúng mức; hệ thống chính sách ưu đãi đầu tư còn hạn chế; công tác giải phóng mặt bằng gặp khó, chậm tiến độ; chi phí đầu tư, xây dựng biến động, đứng ở mức cao; nguồn vốn phát triển khu công nghiệp còn hạn chế và phụ thuộc nhiều vào bên ngoài cùng với một số khó khăn thách thức về địa chính trị.

Chỉ ra 7 vấn đề tắc nghẽn, TS. Cấn Văn Lực cũng nêu giải pháp cần sớm giải quyết các vấn đề tồn tại trên thị trường tài chính bằng cách đa dạng hoá các định chế tài chính bất động sản như thành lập quỹ tín thác bất động sản, phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp…

Đồng thời, phía các cơ quan quản lý cũng cần sớm hoàn thiện thể chế thông qua các bộ luật như Luật Đất đai, ban hành thêm các Thông tư, Nghị định hướng dẫn kịp thời, chất lượng. Có chính sách, quỹ hỗ trợ thu hút FDI khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ đầu năm 2024.

Bên cạnh đó chủ đầu tư khu công nghiệp cần quyết liệt cơ cấu lại hoạt động, sản phẩm; đa dạng hoá nguồn vốn, hướng tới minh bạch, chuyên nghiệp hơn.

Đặc biệt, chuyên gia này khuyến nghị các chủ đầu tư quan tâm quản lý rủi ro, đáp ứng tốt hơn các yêu cầu về môi trường, an toàn, hệ sinh thái khu công nghiệp... .