Tìm đường "lên đời" cho hạt gạo Mường Thanh

15/04/2024 20:14

Những năm vừa qua, giá trị và thương hiệu của hạt gạo Điện Biên ngày càng được nâng cao, trở thành sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của mảnh đất biên cương.

"Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc", câu ngợi ca từ bao đời khiến nhân dân Điện Biên tự hào khi nói về cánh đồng Mường Thanh – vựa lúa lớn nhất khu vực Tây Bắc. Với diện tích trên 140km2, được tưới mát bởi dòng nước công trình đại thủy nông Nậm Rốm và bàn tay con người nơi đây, thương hiệu gạo Điện Biên ngày càng nức tiếng xa gần, là sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu gắn liền với mảnh đất lịch sử.

Xác định cây lúa là loại cây trồng chủ lực, có vai trò quyết định trong việc giữ vững an ninh lương thực, xóa đói, giảm nghèo, do đó hiện nay, quy mô sản xuất lúa tại cánh đồng Mường Thanh vẫn ổn định, mỗi vụ diện tích gieo cấy khoảng 4.000h - 4.500 ha, một số vùng sản xuất lớn như: Thanh Yên, Thanh Hưng, Thanh An và Thanh Xương thuộc huyện Điện Biên. Các giống lúa chủ lực thường xuyên được canh tác tại cánh đồng Mường Thanh gồm có: Séng cù, Hana và các loại giống lúa thơm, với năng suất khá cao, trung bình đạt từ 60 - 64 tạ/ha.

Đáng chú ý, trong những năm qua, một số mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa gạo đã hình thành, đem lại những kết quả đáng kể với sự tham gia của các doanh nghiệp, hợp tác xã…, điển hình là dự án “Cánh đồng lớn” của Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Thanh Yên nhằm liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao quy mô tại các xã vùng lòng chảo. Ðể người dân yên tâm tham gia liên kết, hợp tác xã đã hỗ trợ bà con 100% giống, vật tư, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc lúa an toàn sinh thái và cam kết bao tiêu 100% sản phẩm.

Ðến nay, từ 31ha ban đầu thí điểm vào năm 2017, Hợp tác xã đã mở rộng lên 75ha, với 135 hộ dân tham gia liên kết. Từ đó đã tạo ra lượng sản phẩm hàng hóa tập trung; áp dụng cùng quy trình kỹ thuật, cơ giới hóa sản xuất từ khâu làm đất, gieo cấy đến thu hoạch đã giảm chi phí sản xuất từ 3,7 - 4,6 triệu đồng/ha. Thu nhập của người nông dân tham gia mô hình cao hơn so với sản xuất đại trà từ 7 - 10 triệu đồng/ha.

Tiêu dùng & Dư luận - Tìm đường 'lên đời' cho hạt gạo Mường Thanh

Nông dân thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hoàn trên cánh đồng Mường Thanh.

Việc duy trì và mở rộng diện tích vùng sản xuất lúa gạo chất lượng cao và các cây trồng chủ lực khác đã góp phần tạo việc làm và thu nhập cho người dân, cũng như giữ chân lao động địa phương, không phải “ly hương”, góp phần thực hiện các tiêu chí nông thôn mới về lao động, thu nhập, tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, giảm nghèo đa chiều.

Không giấu được sự phấn khởi khi nói về sự phát triển trên cánh đồng Mường Thanh, ông Bùi Hải Bình – Chủ tịch UBND huyện Điện Biên cho biết, trong những năm qua, phát triển sản xuất lúa gạo trên địa bàn huyện tiếp tục có bước chuyển biến rõ rệt và ổn định. Bên cạnh việc dồn điền đổi thửa, huyện Điện Biên đã tăng cường áp dụng đồng bộ cơ giới hóa từng phần trong sản xuất tại các xã vùng lòng chảo, nhiều hộ dân đã mạnh dạn đầu tư máy móc, nông cụ phục vụ sản xuất tham gia vào chương trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp.

Kết quả là, cơ giới hóa đã bảo đảm đến trên 93% diện tích khâu làm đất, trên 60% diện tích thu hoạch bằng máy gặt, trên 95% diện tích tuốt lúa bằng máy, trên 751 ha cấy lúa bằng máy và tiếp tục được mở rộng trong các mùa vụ tiếp theo.

Đặc biệt, hiện nay giá trị và khả năng nhận diện thương hiệu của hạt gạo Điện Biên ngày càng nâng cao. Toàn vùng cánh đồng Mường Thanh đã phát triển được trên 3.000 ha sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao. Ðến nay toàn huyện đã có gần 60 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, trong đó nhiều hợp tác xã lúa gạo đã chú trọng nâng cao chất lượng, nhãn hiệu sản phẩm OCOP gạo Điện Biên, điển hình là các hợp tác xã Thanh Yên, Tâm Thiện – Noong Hẹt, Công ty TNHH TRường Hương – Thanh Hương.

Gạo Điện Biên hiện đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Chỉ dẫn địa lý để bảo vệ thương hiệu. Ngoài ra, hiện có 4 chuỗi cung ứng sản phẩm gạo an toàn, 10 ha lúa đạt tiêu chuẩn VietGAP, 4 sản phẩm gạo đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, 1 đơn vị được cấp quyền khai thác chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm gạo.

Về định hướng dài, lãnh đạo huyện Điện Biên cho biết mong muốn đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, khuyến khích hình thành các liên kết chuỗi giá trí trong sản xuất lúa gạo, đặc biệt trong khâu thu gom, chế biến sản phẩm sau thu hoạch.

“Thu gom, chế biến hiện vẫn đang là vấn đề khó khăn trong phát triển sản phẩm gạo Điện Biên theo chuỗi giá trị. Hiện nay, trên địa bàn huyện có một số doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất theo chuỗi song năng lực sản xuất có hạn nên khối lượng thu gom, chế biến sản phẩm đạt thấp so với sản lượng thực tế. Do vậy, phần lớn lúa sau khi thu hoạch vẫn được các cửa hàng xay xát thu gom, chế biến và phân phối ra các thị trường ngoài liên kết chuỗi giá trị. Điều này dẫn đến thiếu thống nhất trong kiểm soát chất lượng, giá trị hạt gạo và định vị thương hiệu”, Chủ tịch UBND huyện Điện Biên nói.

Tiêu dùng & Dư luận - Tìm đường 'lên đời' cho hạt gạo Mường Thanh (Hình 2).

Ông Bùi Hải Bình – Chủ tịch UBND huyện Điện Biên.

Chính vì vậy, bên cạnh hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại để thu gom, chế biến sản phẩm, UBND huyện Điện Biên đã và đang xây dựng các cơ chế ưu đãi, hỗ trợ, thu hút đầu tư các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vào phát triển liên kết sản xuất lúa gạo chất lượng cao tại cánh đồng Mường Thanh.

Bên cạnh đó, thường xuyên phối hợp với các doanh nghiệp, hợp tác xã để hỗ trợ phát triển sản xuất, xúc tiến thương mại, quảng bá các sản phẩm lúa gạo chủ lực của huyện đến với thị trường.  Hiện nay nhiều sản phẩm gạo Điện Biên đã có mặt trên kệ hàng của nhiều chuỗi siêu thị và cửa hàng thực phẩm tại các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Bạn đang đọc bài viết "Tìm đường "lên đời" cho hạt gạo Mường Thanh" tại chuyên mục Kinh tế.