Thanh Hóa: Thu hút vốn FDI liệu có "hóa rồng" trong năm 2024?

22/02/2024 16:30

Triển vọng thu hút vốn FDI tại Thanh Hóa đang gặp nhiều thách thức, mặc dù đã bắt đầu xuất hiện một số dấu hiệu khả quan.

Sau nhiều năm ghi nhận vốn đầu tư FDI lũy kế đứng đầu miền Trung, những năm gần đây, Thanh Hóa đang có dấu hiệu tụt lùi trong thu hút thêm các dự án FDI mới với quy mô lớn.

Theo đó, trong năm 2023, tỉnh Thanh Hóa có thêm 19 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 223,81 triệu USD. Đồng thời, Thanh Hóa chấp thuận điều chỉnh vốn cho 8 dự án FDI với số vốn tăng thêm là 63,64 triệu USD và số vốn tới từ hoạt động nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần là 11,35 triệu USD.

Lũy kế đến hết năm 2023, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 157 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký 14,616 tỷ USD. Trong đó có 75 dự án trong Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp, 82 dự án ngoài Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp. 

Kinh tế vĩ mô - Thanh Hóa: Thu hút vốn FDI liệu có 'hóa rồng' trong năm 2024?

Hình ảnh một nhà máy điện khí LNG. 

Như vậy, sau nhiều năm đứng đầu khu vực miền Trung, tới năm 2023, theo số liệu công bố từ UBND tỉnh Hà Tĩnh, tính tới tháng 5/2023, lũy kế địa phương này đã thu hút được 68 dự án FDI, với vốn đăng ký lên tới 16 tỷ USD, nằm trong top 10 tỉnh thành thu hút vốn FDI của cả nước và đã chiếm ngôi đầu về thu hút FDI khu vực Bắc Trung bộ mà Thanh Hóa nắm giữ nhiều năm qua.

Thực tiễn trên cho thấy sự thụt lùi đáng báo động trong công tác thu hút vốn FDI tại xứ Thanh trong những năm gần đây. Tuy vậy, trong năm 2024, tình hình thu hút vốn FDI tại Thanh Hóa hứa hẹn khởi sắc, mặc dù được dự báo vẫn còn nhiều khó khăn phía trước để những ý định đầu tư của các "đại bàng" trở thành hiện thực.

Theo đó, trong năm 2024, tỉnh Thanh Hóa kỳ vọng thu hút được trên 20 dự án FDI mới, với vốn đầu tư đăng ký khoảng 3,5 tỷ USD. Trong đó phải kể tới các dự án quy mô lớn như: Nhà máy điện khí LNG Nghi Sơn (vốn đầu tư đăng ký khoảng 2,5 tỷ USD), dự án Khu công nghiệp phía Tây thành phố Thanh Hóa của Tập đoàn Sumitomo (400 triệu USD); Dự án Trung tâm thương mại Aeon mall (170 triệu USD), 2 dự án Khu công nghiệp của Tập đoàn WHA (110 triệu USD)… dự kiến sẽ đổ bộ Thanh Hóa trong năm 2024.

Đáng chú ý, tại các dự án trên là sự hiện diện của dự án Nhà máy điện khí LNG có quy mô đầu tư khoảng 2,5 đến 3 tỷ USD được ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2021-2030. Dự án có công suất 1500 MW đã có trong Quy hoạch Điện VIII và được Liên danh Tập đoàn JERA (Nhật Bản) và đối tác SOVICO Holdings quan tâm, đề xuất đầu tư tại Khu vực phía Nam cảng Nghi Sơn. Nếu dự án được thực hiện sẽ là sự đảm bảo cho vấn đề năng lượng khi các doanh nghiệp về "làm tổ" tại Thanh Hóa và khu vực lân cận.

Bên cạnh đó, cũng phải kể tới dự án Khu công nghiệp phía Tây thành phố Thanh Hóa của Tập đoàn Sumitomo dự kiến cũng sẽ được cấp giấy chứng nhận đầu tư trong năm 2024. Dự án hạ tầng công nghiệp với diện tích phát triển dự kiến là 650 ha và Trung tâm tiếp vận, đô thị xung quanh khu công nghiệp với diện tích phát triển dự kiến khoảng 168.5 ha, dự kiến sẽ được triển khai trong giai đoạn 2024 – 2025 với tổng số vốn khoảng 9500 tỷ (hơn 400 triệu USD) được xem như là một chiếc "ổ sạch" để sẵn sàng đón các đại bàng.

Cũng phải nói thêm, khi Công ty TNHH Khu công nghiệp Thăng Long, thuộc Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) đã từng rất thành công khi đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành và vận hành một trong những khu công nghiệp đầu tiên, quy mô lớn tại miền Bắc.

Kinh tế vĩ mô - Thanh Hóa: Thu hút vốn FDI liệu có 'hóa rồng' trong năm 2024? (Hình 2).

Lọc hóa dầu Nghi Sơn với quy mô đầu tư gần 10 tỷ USD nhiều năm qua vẫn đang "gánh" cho thành tích thu hút FDI lũy kế của Thanh Hóa. 

Tuy nhiên, trong bức tranh tươi sáng đó, Thanh Hóa vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề gây khó khăn trong việc thu hút FDI.

Trong báo cáo về tình hình đầu tư năm 2023 và trong các trao đổi trước đó với Người Đưa Tin, phía Sở Kế hoạch đầu tư Thanh Hóa cho rằng, một trong những lý do cố hữu mang tính "chí mạng" ảnh hường thu hút FDI tại Thanh Hóa đó là do địa phương này nhiều năm trở lại đây rất thiếu "mặt bằng sạch". Đây có thể hiểu, mặt bằng sạch là mặt bằng đã được giải phóng mặt bằng, có thể đã được nhà đầu tư sơ cấp đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật công nghiệp với quy mô diện tích lớn. 

Ngoài ra, trước những diễn biến khó lường của tình hình chính trị thế giới đã tác động tiêu cực không nhỏ tới nền kinh tế toàn cầu, gây nên tình trạng suy thoái kinh tế, lạm phát nhiều khu vực. Từ đó, khiến cho dòng vốn đầu tư FDI có nguy cơ bị đình trệ, kéo dài hoặc thậm chí là hủy bỏ từ khi bị ảnh hưởng từ các kế hoạch cơ cấu dòng vốn, thậm chí tới từ chính sách vĩ mô của các nước sở tại của nhà đầu tư nước ngoài.

Như vậy có thể thấy, trong năm 2024, Thanh Hóa nhiều khả năng sẽ giải được bài toán khơi thông lại dòng vốn FDI bị "ùn ứ" nhiều năm qua. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều yếu tố khách quan và chủ quan đang chờ đợi, đòi hỏi những "tư lệnh" trong lĩnh vực thu hút đầu tư tại địa phương này cần chủ động các phương án để sẵn sàng đối phó, kịp thời tháo gỡ.