Khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 11 tăng, tiềm năng chờ bứt phá

30/11/2021 20:30

Việc cho phép thí điểm đón khách quốc tế theo các chương trình du lịch trọn gói, thông qua các chuyến bay thuê chuyến và thương mại quốc tế đã giúp số lượng khách du lịch bắt đầu tăng mạnh trở lại.

Thông tin từ Tổng cục Thống kê cho thấy, từ khi Việt Nam thực hiện lộ trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế, lượng khách đến Việt Nam bắt đầu tăng mạnh trở lại. Trong tháng 11, Việt Nam ước đón trên 15 nghìn lượt khách quốc tế, tăng 42,4% so với tháng trước.

Tính chung 11 tháng năm 2021, khách quốc tế đến nước ta đạt hơn 140 nghìn lượt người, vẫn giảm 96,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, số khách đến bằng đường hàng không đạt 96,6 nghìn lượt người, chiếm gần 69% lượng khách quốc tế đến Việt Nam.

Đây là khách đi theo các chương trình du lịch trọn gói, thông qua các chuyến bay thuê chuyến và thương mại quốc tế đến các khu vực, cơ sở dịch vụ du lịch được lựa chọn. Giai đoạn đầu, Chính phủ đồng ý thí điểm đón khách quốc tế tới 5 địa phương, gồm Tp. Phú Quốc (Kiên Giang), Khánh Hòa, Quảng Nam, Đà Nẵng và Quảng Ninh.

Kinh tế vĩ mô - Khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 11 tăng, tiềm năng chờ bứt phá

Điều này giúp hoạt động du lịch quốc tế dần khởi sắc trở lại. Điển hình tại Khánh Hòa, Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Thị Lệ Thanh cho biết, nếu tháng 9, lượng khách du lịch đến Khánh Hòa chỉ đạt gần 4.000 lượt, thì từ 1/10, khi mở cửa đón khách, con số này đã tăng hơn gấp 3 lần trong tháng 10 (gần 14.000 lượt khách) và hơn gấp 7 lần trong tháng 11 (ước đạt hơn 30.000 lượt) doanh thu du lịch tháng 11 ước đạt gần 200 tỷ đồng. Trong đó, Khánh Hòa đón khoảng 1.500 khách quốc tế.

Để đẩy mạnh truyền thông, mời chào khách du lịch quốc tế trở lại Việt Nam, mới đây, Tổng cục Du lịch đã chính thức triển khai chiến dịch xúc tiến, quảng bá có tên "Live fully in Vietnam" (Sống trọn vẹn tại Việt Nam), gắn với bộ nhận diện thương hiệu du lịch quốc gia Vietnam - Timeless Charm.

Tổng cục Du lịch hiện cũng đang triển khai tích cực các hoạt động xúc tiến, quảng bá, kích cầu phục hồi du lịch, bao gồm: Thiết kế bộ nhận diện; xây dựng các video clip quảng bá; quảng bá qua các hình ảnh, bài viết trên các kênh truyền thông quốc tế và trong nước: trang vietnam.travel, các mạng xã hội của Tổng cục Du lịch (Facebook, Instagram, Pinterest, Youtube, Tiktok…).

Thông tin này được gửi tới cơ quan ngoại giao đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các địa phương, doanh nghiệp và các đối tác trong và ngoài nước,... để phối hợp truyền thông, quảng bá.

Kinh tế vĩ mô - Khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 11 tăng, tiềm năng chờ bứt phá (Hình 2).

Tuy nhiên, số liệu thống kê cho thấy doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 11 tháng năm nay so với cùng kỳ năm trước của một số địa phương giảm mạnh. Cụ thể như Tp.Hồ Chí Minh giảm 45,5%; Bình Dương giảm 24,8%; Thừa Thiên- Huế giảm 21,8%; Đà Nẵng và Đồng Nai cùng giảm 21,5%; Hà Nội giảm 16,1%...

Doanh thu du lịch lữ hành 11 năm nay của một số địa phương giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước: Quảng Ninh giảm 31,4%; Quảng Bình giảm 41,1%; Hà Nội giảm 41,7%; Bà Rịa- Vũng Tàu giảm 43,7%; Hải Phòng giảm 49,9%; Đà Nẵng giảm 53,4%; Tp.Hồ Chí Minh giảm 61%; Nghệ An giảm 67,7%; Quảng Nam giảm 81,2%; Thừa Thiên- Huế giảm 81,4%; Khánh Hòa giảm 88,3%.

Du lịch Golf - miếng bánh đầy tiềm năng và cơ hội

Trong bối cảnh hiện nay, du lịch golf được nhiều chuyên gia nhận định sẽ là một trong những điểm sáng của ngành kinh tế xanh, bởi đây là dòng sản phẩm Việt Nam đang có nhiều lợi thế.

Tại Tọa đàm "Du lịch golf - Lợi thế mới để Việt Nam hút khách quốc tế" mới đây, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch - ông Hà Văn Siêu cho biết, Việt Nam là một trong những nơi được đánh giá là có những sân golf đẹp nhất thế giới. Từ đó, có thể thấy rõ tiềm năng lớn về du lịch golf và đã được du khách quốc tế công nhận.

"Trước dịch, những người làm trong ngành du lịch đã nhìn thấy xu hướng du lịch golf, đã có bước chuẩn bị, đầu tư vào sân golf rất mạnh mẽ. Năm 2019, du lịch golf đóng góp to lớn vào thành công chung của du lịch Việt Nam", ông Siêu thông tin.

Đánh giá thêm về tiềm năng du lịch golf, theo ông Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Golf Việt Nam, Việt Nam có nhiều tiềm năng cho việc phát triển du lịch golf, như Việt Nam nằm ở vị trí trung tâm của châu Á, nơi loại hình du lịch golf đang rất phát triển. Đặc biệt, các sân golf của Việt Nam được thiết kế hiện đại, hạ tầng dịch vụ sang trọng, đẳng cấp, chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế, cảnh quan đẹp, hấp dẫn du khách. So với vài năm trước đây, các golf thủ ở Việt Nam đã gia tăng lớn về số lượng, hiện trong nước có 100.000 người chơi golf, 100 sân golf đang hoạt động.

Không chỉ Việt Nam, nhiều nước châu Á như Thái Lan, Malaysia, Nhật Bản... đều tập trung thu hút thị trường khách đối với dòng sản phẩm này. Đặc biệt như Thái Lan, xứ chùa Vàng đã xây dựng được thương hiệu và trở thành điểm đến yêu thích của những golf thủ từ Hàn Quốc, châu Âu, châu Mỹ... Mỗi năm, doanh thu của du lịch golf ở Thái Lan lên tới hàng chục tỷ USD, đóng góp vào khoảng 9% GDP cả nước.

Vừa qua, ông Hà Văn Siêu cho biết, trong 200 khách quốc tế đến Phú Quốc (Kiên Giang), 30 khách tới chỉ để chơi golf. Đây là tỷ lệ khá cao, cho thấy xu hướng du lịch golf của thị trường khách ngoại.

Trên cơ sở những tiềm năng và nhu cầu như hiện tại về du lịch golf, nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam cần có kế hoạch để phát triển và hoàn thiện sản phẩm dịch vụ này một cách nhanh chóng, từ đó đưa Việt Nam trở thành điểm sáng về du lịch golf trên toàn thế giới. Mặt khác, sớm có những giải pháp để nắm bắt cơ hội khai thác thị trường nguồn khách tiềm năng qua đó để có thể hồi sinh ngành du lịch sau thiệt hại nặng nề do dịch Covid-19 gây ra.

Đề xuất giải pháp tạo sức hút cho du lịch golf Việt Nam, ông Nguyễn Hữu Thuỷ, Phó Chủ tịch Hội Golf Việt Nam cho rằng, chúng ta phải tăng thêm dịch vụ cho khách lựa chọn như chơi golf kết hợp du lịch tâm linh, khám phá; cần nâng cao chất lượng dịch vụ ở cơ sở hạ tầng, nhân viên thân thiện nhưng ngoại ngữ cũng phải tốt. Mặt khác, ngoài khách ngoại, du lịch golf cũng nên hướng tới khách nội địa bởi đây là phân khúc cực kỳ lớn mà dễ dàng tiếp cận nhất.

Bên cạnh đó, với tiềm năng du lịch golf Việt Nam nhiều ý kiến cho rằng, cần tổ chức, xây dựng các chương trình du lịch golf gắn với với các giải đấu golf, đây sẽ là một trong những hình thức thu hút được khách du lịch và các đơn vị lữ hành đến với sản phẩm này. Giám đốc Công ty Du lịch Vietfoot Travel – ông Phạm Duy Nghĩa nhìn nhận, các chương trình du lịch golf sẽ là một trong những sản phẩm trọng yếu, cốt lõi cần xây dựng, phát triển để thúc đẩy dòng khách quốc tế từ các thị trường như Mỹ, Nhật, Hàn hay các quốc gia Đông Nam Á như Thái, Malaysia…

Từ góc độ doanh nghiệp, ông Đỗ Việt Hùng, Phó Tổng giám đốc FLC bày tỏ, golf tour sẽ là một trong những sản phẩm chính trong bài toán mở cửa du lịch quốc tế của Việt Nam. Tuy nhiên, để thu hút thị trường này, phía cơ quan quản lý cần xem xét, hỗ trợ doanh nghiệp và tạo điều kiện hơn cho khách quốc tế trải nghiệm. Theo đó, Việt Nam cần cấp phép cho các tour chơi golf trọn gói ngắn hơn (4 ngày 3 đêm) thay vì 7 ngày như hiện nay. Ngoài ra, chúng ta cũng cần điều chỉnh mức giá của golf tour phù hợp, cạnh tranh so với mặt bằng chung của Đông Nam Á.

Hương Anh (tổng hợp)