Chủ tịch Hà Nội cam kết tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

05/04/2024 16:30

Lắng nghe khó khăn của doanh nghiệp, Chủ tịch UBND Tp.Hà Nội Trần Sỹ Thanh cam kết Thành phố sẽ có trách nhiệm tháo gỡ khó khăn, những vấn đề của doanh nghiệp.

Sáng 5/4, UBND Tp.Hà Nội tổ chức Hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn thúc đẩy sản xuất kinh doanh đối với các doanh nghiệp đầu tư, hoạt động tại các khu cụm, công nghiệp trên địa bàn Thành phố.

Tại hội nghị, ông Uchida, đại diện lãnh đạo Công ty Terumo Việt Nam, khu công nghiệp Quang Minh mong muốn UBND Tp.Hà Nội đưa ra những chỉ đạo, điều hành để đảm bảo việc cung cấp điện cho doanh nghiệp một cách đầy đủ và ổn định. Đồng thời có chính sách ưu tiên tới doanh nghiệp có nỗ lực cao trong việc tiết kiệm điện, sớm thông báo cho doanh nghiệp khi có kế hoạch cắt điện.

Sự kiện - Chủ tịch Hà Nội cam kết tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Ông Uchida, đại diện lãnh đạo Công ty Terumo Việt Nam.

Trực tiếp thông tin đến doanh nghiệp, đại diện EVN Hà Nội cho biết, năm 2023 tình hình cung cấp điện có xảy ra sự cố lưới, đồng thời thiếu điện xảy ra trên toàn miền Bắc nói chung nên xảy ra 6 lần mất điện. Để đảm bảo an toàn điện năm 2024 này, EVN Hà Nội đã nhận được chỉ đạo của Bộ Công Thương và Chủ tịch UBND Tp.Hà Nội.

Về nguyên tắc, năm nay EVN sẽ cố gắng không để xảy ra các sự cố. Trong trường hợp thời tiết không thuận lợi và phụ tải tăng cao, EVN đã chuẩn bị phương án ứng phó. EVN cũng cho biết thêm, thời gian gần đây, các doanh nghiệp có nhận được thông tin là đề nghị chủ động dịch chuyển phụ tải khỏi giờ cao điểm. Theo đó, đã có 619 doanh nghiệp ký thỏa thuận với EVN Hà Nội nhằm giảm tải giờ cao điểm.

Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đề nghị EVN đảm bảo cung cấp điện cho Hà Nội. “Hà Nội không thể để thiếu điện được, năm ngoái nhiều doanh nghiệp vì cắt điện mà ảnh hưởng cực kỳ lớn đến hoạt động. Năm nay, EVN phải điều hành để đủ điện cho sản xuất kinh doanh”, Chủ tịch UBND Tp.Hà Nội Trần Sỹ Thanh nói.

Đồng thời, Chủ tịch Trần Sỹ Thanh cũng nhấn mạnh nếu ngành điện có tiến hành bảo hành, bảo dưỡng cần cắt điện thì phải thông báo cho doanh nghiệp, tránh tình trạng cắt điện không báo trước gây bất ngờ cho doanh nghiệp.  “Chúng ta đang phát triển những ngành công nghệ cao, trong đó có ngành bán dẫn. Ngành này không đòi hỏi đất đai, chính sách thuế đâu. Người ta chỉ có hai nhu cầu, thứ nhất là điện, thứ hai là lao động. Hiện nay điện của chúng ta chỉ là điện cơ bản thôi, còn điện sạch để sản xuất công nghệ cao, các trung tâm dữ liệu lớn thì chưa có. Nếu không ưu tiên vấn đề này thì khó có thể phát triển công nghệ cao”, Chủ tịch UBND Tp.Hà Nội lưu ý.

Sự kiện - Chủ tịch Hà Nội cam kết tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (Hình 2).

Chủ tịch UBND Tp.Hà Nội phát biểu.

Bên cạnh đó, liên quan đến nhóm vấn đề về công tác quy hoạch, xây dựng, đất đai, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Đầu tư Phát triển Hạ tầng Đô thị UDIC Nguyễn Hoàng Hải cho biết, doanh nghiệp đang đầu tư Dự án cụm công nghiệp CN3, huyện Sóc Sơn, diện tích 78,15ha, đã cơ bản giải phóng mặt bằng và có quyết định giao đất đợt 1 với diện tích hơn 56ha.

Tuy nhiên, dự án vẫn đang gặp vướng mắc về giải phóng mặt bằng phần diện tích còn lại do vướng vào khu vực nghĩa trang. Đề nghị thành phố gia hạn thời gian thực hiện dự án và huyện Sóc Sơn quy hoạch nghĩa trang tập trung, tháo gỡ vướng mắc này.

Ông Ulrich Petersen, Giám đốc Đầu tư và Marketing dự án Khu công nghệ cao sinh học Hà Nội, quận Bắc Từ Liêm cho biết: “Chúng tôi mong nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục để khởi động lại công tác giải phóng mặt bằng sớm. Về thủ tục thành lập khu công nghệ cao, chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với chính quyền để hoàn thành các thủ tục mới này. Bên cạnh đó, UBND Thành phố, quận Bắc Từ Liêm tiến hành quy hoạch 1/2000 nhanh hơn vì đây là thủ tục rất quan trọng để chúng tôi có thể triển khai tiếp các hoạt động tiếp theo của dự án”.

Ngay tại hội nghị, ý kiến của các doanh nghiệp đã được lãnh đạo thành phố, đại diện các Sở, ban, ngành, địa phương trả lời trực tiếp, cụ thể. Theo đó, thời gian tới Thành phố sẽ chỉ đạo khắc phục triệt để tình trạng phát triển công nghiệp quy mô nhỏ lẻ, manh mún, không đảm bảo tiêu chuẩn môi trường, phòng chống cháy nổ (theo đó các cụm công nghiệp của Thành phố phải có quy mô tối thiểu 30 ha, cụm công nghiệp làng nghề quy mô tối thiểu 15 ha để có đủ quỹ đất đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật theo quy chuẩn), tiêu chuẩn và định hướng phát triển văn minh, hiện đại của thành phố.

Các dự án đầu tư thứ phát trong cụm công nghiệp phải có diện tích tối thiểu 2.000 m2, trong cụm công nghiệp làng nghề phải có diện tích tối thiểu 1.000 m2 để có đủ diện tích cho sản xuất hiện tại và nhu cầu phát triển trong tương lai cũng như đáp ứng các tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy, xử lý ô nhiễm môi trường theo quy định.

UBND Thành phố cũng yêu cầu các sở, ngành thường xuyên có các văn bản hướng dẫn, tháo gỡ từng vướng mắc của chủ đầu tư các khu, cụm công nghiệp và các quận, huyện thị xã, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính liên quan.

Sự kiện - Chủ tịch Hà Nội cam kết tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (Hình 3).

Toàn cảnh hội nghị.

Phát biểu bế mạc, người đứng đầu chính quyền Tp.Hà Nội bày tỏ sự ngưỡng mộ, kính trọng đối với các nhà đầu tư đã, đang và sẽ đầu tư vào Hà Nội, cũng như đầu tư vào Việt Nam. Thay mặt lãnh đạo thành phố, Chủ tịch Trần Sỹ Thanh gửi lời cảm ơn tới các doanh nhân, doanh nghiệp khi đóng góp cho sự phát triển kinh tế của thủ đô. Đồng thời, khẳng định thành phố sẽ lắng nghe và có trách nhiệm tháo gỡ tất cả các khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp đặt ra trong hội nghị.