VinaCapital đầu tư vào tiện ích mua hàng quốc tế Dutycast

28/09/2021 08:05

Dutycast, tiện ích mở rộng trên trình duyệt web giúp mua hàng quốc tế, vừa được VinaCapital Ventures rót vốn sau khoảng một năm ra đời.

Giá trị thương vụ không được tiết lộ. Bà Nguyễn Lê Hoa, Đồng sáng lập và CEO Dutycast, cho biết cú bắt tay đạt được nhờ VinaCapital Ventures đánh giá triển vọng của Dutycast trong nền kinh tế mới, khi mà người tiêu dùng sẽ dễ dàng tiếp cận và có xu hướng mua sắm xuyên biên giới nhiều hơn.

Dutycast thành lập vào năm 2020 bởi đội ngũ sáng lập nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ, thương mại quốc tế và ngành hàng tiêu dùng, bao gồm Nguyễn Lê Hoa, Đặng Vũ Tâm, Đoàn Trần Thái Sơn và Trần Đình Đạt. Trong đó, bà Nguyễn Lê Hoa từng vào "Top 50 phụ nữ trong lĩnh vực công nghệ" của Na Uy do Abelia và Oda công bố.

Dutycast là một tiện ích mở rộng trên trình duyệt web (extension), giúp người dùng trực tiếp mua hàng từ các trang trang thương mại điện tử quốc tế như Amazon, iHerb, Sephora, và Ulta Beauty. Sau khi cài extension, họ có thể mua sắm thông suốt, chỉ cần thanh toán bằng đồng nội tệ nơi mình sinh sống.

Một giao diện mua hàng trên Amazon có extension Dutycast. Ảnh: Công ty cung cấp

Một giao diện mua hàng trên Amazon có extension Dutycast. Ảnh: Công ty cung cấp

Ông Hoàng Đức Trung, Giám Đốc VinaCapital Ventures, đánh giá thương mại điện tử ở Việt Nam đang phát triển nhanh chóng và Covid-19 đã thức đẩy quá trình này diễn ra mạnh mẽ hơn. Hầu hết những người đang sinh sống tại Việt Nam và một số quốc gia khác đều gặp những trải nghiệm không dễ chịu khi mua hàng quốc tế.

"Đây là một tiện ích không chỉ rất tiềm năng ở Việt Nam mà còn có giá trị ở những quốc gia mà việc mua sắm trực tuyến quốc tế còn gặp nhiều khó khăn", ông Trung nói. Tiện ích này được cho là giải quyết được các trở ngại như các khoản phát sinh từ việc chênh lệch tỷ giá, thuế hải quan và thuế địa phương, chi phí vận chuyển.

Thị trường thương mại điện tử xuyên quốc gia toàn cầu năm 2020 có quy mô ước khoảng 994 tỷ USD và được dự đoán tăng lên mức 2.000 tỷ USD vào năm 2026, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm đạt khoảng 17,4%.

Viễn Thông