Từng bước mở cửa du lịch, doanh nghiệp vẫn như "chim sợ cành cong"

09/12/2021 13:30

Dù du lịch đã dần vận hành trở lại nhưng doanh nghiệp vẫn khó khăn vì không có khách. Nhiều doanh nghiệp chưa dám khởi động lại vì sợ rủi ro.

Bán tàu, vay tín dụng đen 

Tại diễn đàn về phục hồi bền vững du lịch mới đây, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Ninh, Chi hội trưởng Chi hội tàu du lịch Hạ Long - ông Đào Mạnh Lượng - một lần nữa nhắc lại những sóng gió mà đội tàu hơn 500 chiếc của 245 hội viên đang gặp phải.

“Chủ tàu cạn kiệt mọi nguồn lực tài chính. Để có thể tồn tại, nhiều người phải tìm đến tín dụng đen. Số ít hiện nay phải duy trì trông giữ, bảo dưỡng bảo hành máy móc, mỗi tháng hết 200 triệu, 6 tháng ngốn hơn 1 tỷ. Từ 3/2020 cho đến hiện tại, tôi phải chi 4 tỷ phí duy trì cho 8 tàu du lịch. Tôi phải bớt tàu để trả nợ và duy trì số còn lại, cũng may mắn còn bán được vì không ai muốn mua thời điểm này”, ông Lượng ngao ngán kể.

Trên thực tế, Quảng Ninh đã mở cửa với du lịch nhưng chủ yếu là khách nội tỉnh, lại không phải mùa du lịch. Nhiều doanh nghiệp (DN) như “chim sợ cành cong”, chưa dám khởi động trở lại do sợ rủi ro, thiếu lao động, thiếu vốn đầu tư bởi để tàu hoạt động được phải trang sửa; chưa kể những quy định ngặt nghèo, gây khó khăn trong việc đón khách. Tàu muốn phục vụ khách phải được cấp phép, quản lý lại không đồng bộ khiến chủ tàu rất e ngại.

Kinh tế vĩ mô - Từng bước mở cửa du lịch, doanh nghiệp vẫn như 'chim sợ cành cong'

Hàng trăm con tàu phải ngừng vận hành vì không có khách. 

Trong khi đó, DN rất khó tiếp cận các gói hỗ trợ do thủ tục hành chính, nếu có cũng rất nhỏ nhoi không giúp họ vượt lên được khó khăn. Ông Lượng dẫn chứng, DN muốn vay vốn phục hồi sản xuất kinh doanh từ gói hỗ trợ, dù đáp ứng được các điều kiện, song lại thiếu báo cáo xác nhận quyết toán của cơ quan thuế. Gần 100% chủ tàu không có giấy này bởi không có khách, lấy đâu ra nguồn thu. Với gói vay để trả lương cho người lao động, chưa tới 6% các tàu tiếp cận được yêu cầu phải có xác nhận đóng BHXH cho tới thời gian vay.

Vì thế, trong 245 DN hội viên nơi ông quản lý, chỉ 14 DN đủ điều kiện vay, chiếm 5,8% với 174 lao động (trên tổng số khoảng 4.000 lao động) được hỗ trợ. “Nếu đóng được BHXH thì DN đã rất khỏe rồi, đâu cần phải hỗ trợ”, ông chua xót.

Ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch), cho biết, thời gian qua, đã có nhiều chính sách hỗ trợ đến với các DN ngành du lịch, như gia hạn thời hạn nộp thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất năm 2021; giảm 15% tiền thuê đất (2020) và 30% (2021); giảm tiền điện, giảm thuế VAT,...

Mặc dù Chính phủ đã nỗ lực hỗ trợ, song, theo đánh giá của các DN trong ngành, để giúp doanh nghiệp vực dậy tiếp tục hoạt động, kinh doanh là rất khó.

Vì thế, trong gói hỗ trợ mới Bộ Kế hoạch-Đầu tư đang soạn thảo, ông Phương cho hay Tổng cục Du lịch tiếp tục kiến nghị hỗ trợ các DN, lao động trong ngành, như kéo dài thời gian giảm thuế, phí, nới rộng điều kiện nhận hỗ trợ đến hết năm 2023. Đồng thời, đề xuất hỗ trợ giảm 50% thuế thu nhập cá nhân với kinh doanh dịch vụ vận tải, lưu trú, ăn uống, đại lý du lịch, kinh doanh tour du lịch,... Các DN du lịch được vay với lãi suất thấp, 3%/năm trong vòng 30 tháng, chỉ cần tín chấp hoặc thế chấp bằng dòng tiền kinh doanh thu về. Ngoài ra, cần miễn phí tham quan tại các điểm du lịch giúp doanh nghiệp giảm giá tour, kích cầu du lịch.

Lượng khách không đủ để đảm bảo chi phí vận hành

Từ ngày 10/9, Thủ tướng cơ bản đồng ý với đề xuất của Bộ VH-TT-DL về phương án thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc. Đây được xem là nỗ lực lớn của ngành du lịch khi từng bước phục hồi thị trường khách quốc tế, đồng thời khẳng định là một trong những điểm đến an toàn, hấp dẫn trong khu vực Đông Nam Á. Thế nhưng, vì rất nhiều lý do, đến ngày 20/11 vừa qua, Phú Quốc mới đón đoàn khách quốc tế đầu tiên. Và cho đến thời điểm này, mới chỉ có 5 địa phương được đón khách quốc tế với số lượng rất hạn chế.

“Năm 2019, doanh thu từ du lịch chiếm gần 10% GDP của nước ta. Năm 2021, GDP của Thái Lan dự kiến tăng trưởng 1,2%, cao hơn nhiều so với các dự đoán trước đó nhờ mở cửa trở lại ngành du lịch. Việc mở cửa lại bay quốc tế và du lịch tại Việt Nam không thể chậm trễ thêm nữa, nếu không sẽ để lỡ cơ hội cạnh tranh điểm đến với các nước trong khu vực và ảnh hưởng tới chương trình phục hồi kinh tế mà Đảng và Nhà nước đang quyết liệt thực hiện bằng nhiều giải pháp”, nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng biên tập Báo Thanh Niên phát biểu trong tọa đàm “Mở cửa du lịch, phục hồi kinh tế”. 

Kinh tế vĩ mô - Từng bước mở cửa du lịch, doanh nghiệp vẫn như 'chim sợ cành cong' (Hình 2).

Là một trong các DN du lịch hàng đầu, Sun Group thuộc nhóm đầu trong danh sách các DN tham gia thí điểm đón khách quốc tế tới Phú Quốc, chính thức triển khai từ 20/11. Thế nhưng, bà Trần Nguyện, Trưởng ban Kinh doanh Khối Sun World (Tập đoàn Sun Group), cho biết đến giờ này Sun Group vẫn chưa đón được một vị khách nào. Dù DN nóng lòng, sẵn sàng mở cửa ngay sau khi Chính phủ thí điểm đón khách quốc tế sử dụng hộ chiếu vắc xin, nhưng vẫn còn tồn tại rất nhiều yếu tố bất cập, cản trở, khiến công cuộc đón khách chưa thể nào hiệu quả được.

Đơn cử, việc cấp phép bay cho các thị trường quốc tế vẫn đang giới hạn. Đến Phú Quốc tháng 11 vừa qua mới có 1 đoàn khách từ Hàn Quốc, du lịch golf. Một số đoàn khách Nhật Bản, Hàn Quốc tới đây trong tháng 12 cũng là du lịch golf. Trong khi đó, Sun Group hướng đến đối tượng khách Nga, bởi nhu cầu của thị trường này khá phù hợp với các trải nghiệm, dịch vụ mà tập đoàn đang có tại Nam đảo nhưng thị trường Nga vẫn chưa được cấp phép bay đến Phú Quốc. Do đó, dù các cơ sở của Sun Group đã sẵn sàng thì cũng không thể đón khách.

Trong khi đó, các kế hoạch truyền thông quảng bá về du lịch Việt Nam tới các thị trường quốc tế trọng điểm như Đông Bắc Á, Đông Nam Á, châu Âu, Nga, Úc... đến nay vẫn chưa thực sự được triển khai sâu rộng, để du khách quốc tế biết được các chính sách sandbox (tạm hiểu là hệ thống đón khách quốc tế khép kín - PV) của Việt Nam có gì khác với Thái Lan, Singapore? Hay các điểm đến Việt Nam hiện có những dịch vụ trải nghiệm gì mới so với trước? Chưa kể chính sách giá, kích cầu khi mở cửa trở lại chưa thống nhất, chưa có sự can thiệp của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, nên vẫn mạnh ai nấy làm.

“Đặc biệt, đợt dịch thứ tư, cũng như tình hình các biến chủng mới như Omicron đang ảnh hưởng rất lớn tới tâm lý của du khách. DN dù rất sẵn sàng nhưng cũng chưa thể mở cửa đồng loạt được, bởi lượng khách không thể đảm bảo chi phí vận hành”, bà Nguyện thông tin.

DN chưa được mở thì trông chờ từng ngày, DN được mở đón khách cũng khổ đủ đường. Là DN được “chọn mặt gửi vàng” đón tiếp đoàn khách đầu tiên “phá băng” du lịch Phú Quốc, Vinpearl đã sớm chủ động kết hợp cùng đối tác chiến lược tìm kiếm nguồn khách hộ chiếu vắc xin tại thị trường Hàn Quốc.

“Dù đón đoàn chỉ hơn 200 khách, nhưng chúng tôi mở cửa gần như toàn bộ hoạt động nghỉ dưỡng - vui chơi giải trí trong quần thể hơn 1.000 ha để đảm bảo phục vụ tốt nhất cho du khách, mang đến cho họ những kỳ nghỉ dưỡng 5 sao với chuỗi hoạt động hấp dẫn, thú vị và an toàn”, bà Nguyễn Thu Phương, Tổng giám đốc Vinpearl Luxury, cho hay.

Kinh tế vĩ mô - Từng bước mở cửa du lịch, doanh nghiệp vẫn như 'chim sợ cành cong' (Hình 3).

Đây thật sự là thách thức không hề nhỏ về chi phí bởi siêu quần thể Phú Quốc United Center có hệ thống cơ sở lưu trú lên tới 7 khu nghỉ dưỡng 5 sao biệt lập cùng hàng trăm mini, boutique hotel… có công suất hơn 12.000 phòng khách sạn và biệt thự.

Cũng vì chi phí duy trì quá lớn, nên dù được đánh giá là một trong những sản phẩm giải trí về đêm hấp dẫn nhất của Phú Quốc United Center, nhưng Tổ hợp Chợ đêm Phú Quốc Grand World, Saigon SeaFood Hub Market và NightZone 68 của Công ty Ngôi sao biển Sài Gòn vẫn chưa thể mở lại cùng nhịp. Ông Huỳnh Văn Sơn, Tổng giám đốc Công ty Ngôi sao biển Sài Gòn, nhận định với số lượng 200 khách lọt thỏm như vậy, mở ra rồi gánh chi phí còn khốn khổ hơn.

“Mở cửa, hoặc là chết” 

Câu nói trên là quan điểm mà ông Huỳnh Văn Sơn, Tổng giám đốc Công ty Ngôi sao biển Sài Gòn, đưa ra cho ngành du lịch hiện nay tại Tọa đàm "Mở cửa du lịch, phục hồi kinh tế". Lấy ví dụ từ công ty của ông, vào tháng 4, doanh nghiệp khai trương mô hình phố đêm ẩm thực tại Bà Rịa – Vũng Tàu chỉ sau vài ngày đã ngưng tới bây giờ.

“Với số lượng khách du lịch không lớn như vậy, mở ra rồi gánh chi phí còn khốn khổ hơn. Mỗi ngày trôi qua là mỗi ngày chi phí đè nặng, bòn rút chút sức lực cuối cùng của doanh nghiệp. Vì thế, chúng tôi tha thiết kỳ vọng Bộ VH-TT-DL, Tổng cục Du lịch làm càng sớm càng tốt, mở cửa du lịch đúng nghĩa. Khó ở đâu, doanh nghiệp sẵn sàng đồng hành gỡ tới đó", ông Huỳnh Văn Sơn, Tổng giám đốc Công ty Ngôi sao biển Sài Gòn chia sẻ.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch HĐQT Công ty Vietravel cũng đặt lại câu hỏi là “Việt Nam có thật sự muốn mở cửa hay không?” Chúng ta nói là sống chung với Covid-19 nhưng chưa có thật sự như vậy. Nhiều địa phương rất tiêu điều vì không có khách. Thế nhưng vẫn có những quy định hết sức vô lý. Khách từ Tp.HCM xuống Vũng Tàu không cho ở lại, vậy họ đến làm gì? 

Về chính sách hỗ trợ từ phía Chính phủ, ông Kỳ thiết tha đề nghị trợ giúp cho doanh nghiệp du lịch vì lực lượng này đang thở ống, phải cung cấp “oxy” đủ lớn mới giải quyết được các vấn đề. Muốn tăng vốn bằng nhiều kênh nhưng lãi suất vẫn siết doanh nghiệp. Ngành ngân hàng có thể chấp nhận tín chấp bằng kế hoạch kinh doanh vì nhiều công ty không còn tài sản thế chấp; xem xét giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống còn 5% trong vòng 2-3 năm tới như Chính phủ từng thực hiện trong giai đoạn từ 2009 – 2011; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp để công ty có tích lũy,…đó là các giải pháp mà các doanh nghiệp kiến nghị lâu nay.

Kinh tế vĩ mô - Từng bước mở cửa du lịch, doanh nghiệp vẫn như 'chim sợ cành cong' (Hình 4).

Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch Tp.HCM, thành phố đang ở giai đoạn 2 mở rộng du lịch nội thành, liên tỉnh và đang gấp rút chuẩn bị cho giai đoạn 3 nhằm khôi phục toàn bộ hoạt động du lịch nội địa và quốc tế. Hiện tại, ngành du lịch đã sẵn sàng để đón du khách quốc tế ngay khi được phép. Trong đó, về doanh nghiệp và lực lượng lao động du lịch, Tp.HCM có gần 5.000 cơ sở lưu trú, khoảng 1.300 doanh nghiệp lữ hành và gần 150.000 lao động trực tiếp trong lĩnh vực du lịch. Tỉ lệ lao động du lịch tiêm đủ liều vắc-xin ngừa Covid-19 đã đạt 83%, sẵn sàng mở cửa phục vụ khách du lịch. Trong kế hoạch thí điểm, Tp.HCM dự tính sẽ phục vụ khách với những chương trình du lịch trọn gói tại thành phố hoặc kết hợp nhiều điểm đến giữa Tp.HCM và các địa phương được chấp thuận đón khách quốc tế.

Bà Phan Thị Thắng, Phó chủ tịch UBND Tp.HCM cũng cho biết, giữa tháng 11, sau khi Chính phủ cho phép các địa phương đón khách quốc tế, TP.HCM đã mạnh dạn đề xuất Chính phủ cho phép được đón khách quốc tế từ ngày 1/12. Mặc dù được Bộ VH-TT-DL rất ủng hộ nhưng đề án của Tp.HCM vẫn đang chờ lấy ý kiến các bộ, ngành khác. 

Sớm mở cửa thực chất ngành du lịch để kích thích kinh tế

Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Trần Du Lịch, ví phần đông doanh nghiệp trong ngành du lịch hiện nay như lò xo bị liệt, dù có buông, không đè thì cũng khó tự bật lên.

Ông phân tích, có 3 nhóm doanh nghiệp trong đại dịch. Thứ nhất là các doanh nghiệp ngưng hoạt động nhưng vẫn giữ được dòng tiền, lao động, thị trường - nhóm này khi mở cửa có thể phục hồi tự nhiên. Thứ hai là những doanh nghiệp gặp khó khăn về dòng tiền, lao động, mất một phần thị trường, nhưng nếu được bơm tín dụng ưu đãi thì có thể phục hồi được. Thứ ba là nhóm đã quá kiệt quệ, không còn đủ điều kiện đi vay. Ông cho rằng phần lớn doanh nghiệp du lịch nằm ở nhóm 2 và 3.

Trong khi đó, du lịch là ngành kinh tế có ý nghĩa lan tỏa. "Tính riêng mảng lưu trú phát triển rất mạnh và đầu tư rất lớn những năm qua, nhưng 2 năm nay nằm im. Không ít doanh nghiệp trong đó vay tín dụng ngân hàng, liệu họ chết thì ngân hàng có yên? Du lịch giải quyết vấn đề lao động và đóng góp vào GDP, khi người dân tăng thu nhập sẽ lại tiếp tục chi tiêu vào nền kinh tế..." ông Trần Du Lịch nói.

Do đó, ông nhấn mạnh phải sớm mở cửa thực chất ngành du lịch với quan điểm thích ứng an toàn, linh hoạt với Covid-19 và có những gói hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp.

"Tôi thiết tha đề nghị Chính phủ trợ giúp doanh nghiệp. Doanh nghiệp bây giờ đã 'đặt ECMO' rồi, rất cần oxy, do đó gói hỗ trợ cần làm nhanh, có giá trị đâu đó ở mức 6-7% GDP", Chủ tịch HĐQT Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ mong mỏi.

Ông kiến nghị Chính phủ cấp tiền cho doanh nghiệp qua kênh ngân hàng, giảm lãi vay về mức 3-3,5%/năm và cho phép doanh nghiệp vay tín chấp bằng kế hoạch kinh doanh, bởi không còn tài sản để thế chấp. Với dự báo từ năm 2023 trở đi ngành du lịch mới có thể phục hồi, ông đề xuất giảm thuế VAT xuống mức 5% trong 2 năm, đồng thời miễn các loại thuế TNDN, TNCN.

Theo ông Đinh Ngọc Đức - Vụ trưởng Vụ Thị trường du lịch, cơ quan này đã làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính để đưa du lịch vào danh sách ưu tiên trong gói hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế.

"Khi gói này được triển khai, chúng tôi hy vọng sẽ đẩy mạnh xúc tiến du lịch quốc tế. Chúng ta phải mở cửa một cách bền vững, thí điểm du lịch để mở cửa hoàn toàn vào năm 2022", ông Đinh Ngọc Đức khẳng định.

Hương Anh (tổng hợp)