Những công trình, địa danh trở thành tên quận ở Hà Nội

29/11/2022 21:21

Mỗi quận (huyện) ở Thủ đô dù lớn hay nhỏ đều mang cho mình những cái tên, ẩn chứa những câu chuyện riêng mà không phải ai cũng biết được.

Những công trình, địa danh trở thành tên quận ở Hà Nội - Ảnh 1.

Quận Hoàn Kiếm nằm ở vị trí trung tâm Thủ đô, nơi hội tụ và kết tinh những tinh hoa văn hóa, truyền thống lịch sử của vùng đất Thăng Long xưa. Tên quận được đặt theo tên của hồ Hoàn Kiếm, gắn với truyền thuyết vua Lê Lợi trả lại gươm cho rùa thần. Đây cũng là hồ nước duy nhất của quận này cho đến ngày nay. Ảnh: Linh Chi.

Những công trình, địa danh trở thành tên quận ở Hà Nội - Ảnh 2.

Tuy có diện tích khá khiêm tốn chỉ 5,29 km2, còn nhỏ hơn diện tích hồ Tây (5,3 km2), nhưng đây lại là khu vực sầm uất, phát triển và đắt đỏ bậc nhất Hà Nội. Đến hết năm 2019, quận có dân số khoảng 162.000 người. Mật độ dân số lên tới hơn 30.600 người/km2, gấp gần 13 lần mật độ dân số trung bình của Hà Nội. Với vai trò trung tâm hành chính, chính trị, trung tâm thương mại, dịch vụ, quận Hoàn Kiếm có nhiều điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2021, quận thu ngân sách lên đến 14.008 tỷ đồng, bằng 7 tỉnh thu ngân sách thấp nhất cộng lại (Đắk Nông, Hà Giang, Tuyên Quang, Lai Châu, Cao Bằng, Điện Biên, Bắc Kạn).

Những công trình, địa danh trở thành tên quận ở Hà Nội - Ảnh 3.

Quận Cầu Giấy được đặt theo tên một cây cầu bắc qua sông Tô Lịch. Hiện nay, vị trí cây cầu cũng chính là đoạn đường Cầu Giấy. Quận có diện tích 12,44 km². Khi mới thành lập năm 1997 Cầu Giấy là một quận đan xen giữa đô thị và nông thôn, sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, kinh tế còn nghèo nàn, cơ sở hạ tầng yếu. Kể từ khi Hà Nội mở rộng về phía tây, Cầu Giấy là quận nội thành với kết cấu hạ tầng đô thị ngày càng văn minh hiện đại. Kinh tế phát triển nhanh và khá toàn diện. Năm 2021, tổng thu ngân sách quận Cầu Giấy tăng trưởng vượt bậc đạt 9.480 tỷ đồng.

Những công trình, địa danh trở thành tên quận ở Hà Nội - Ảnh 4.

Cầu Giấy là nơi có Khu Công nghệ thông tin tập trung đầu tiên của Hà Nội, nơi tập trung các doanh nghiệp CNTT, đáp ứng nhu cầu phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của quận. Khu Công nghệ thông tin tập trung nằm trên phố Duy Tân, là nơi những đơn vị lớn như Tập đoàn FPT, CMC, Viettel, Elcom, Misa… đang đặt trụ sở. Trong ảnh là trụ sở tập đoàn FPT. Ảnh: Xuân Phương.

Những công trình, địa danh trở thành tên quận ở Hà Nội - Ảnh 5.

Tây Hồ là một quận nội thành của thành phố Hà Nội. Tên quận được đặt theo tên của hồ Tây, hồ nước tự nhiên lớn nhất của Hà Nội nằm trên địa bàn quận. Quận có diện tích 24 km2, trong đó riêng diện tích hồ Tây chiếm 5,3 km2. Quận Tây Hồ được xác định là khu vực trung tâm dịch vụ - du lịch, trung tâm văn hoá, là vùng bảo vệ cảnh quan thiên nhiên của Thủ đô.

Những công trình, địa danh trở thành tên quận ở Hà Nội - Ảnh 6.

Tận dụng lợi thế có diện tích gần 1/4 mặt nước, quận Tây Hồ đã triển khai nhiều hình thức dịch vụ, ăn uống ngắm cảnh hồ thu hút đông đảo người dân và khách du lịch. Trong 9 tháng đầu năm 2022, tổng thu ngân sách nhà nước của quận Tây Hồ đạt gần 4000 tỷ đồng, bằng 141,59% dự toán năm.

Những công trình, địa danh trở thành tên quận ở Hà Nội - Ảnh 7.

Quận Đống Đa là một trong bốn quận nằm ở trung tâm thành phố Hà Nội, quận có tổng diện tích là 9,95 km². Trên địa bàn quận có gò Đống Đa, nơi được coi là mộ tập thể của các binh sĩ nhà Thanh Trung Quốc. Quận đặt theo tên chiến thắng trận Ngọc Hồi - Đống Đa của nghĩa quân Tây Sơn mùa xuân năm Kỷ Dậu (1789). Quận Đống Đa là nơi tọa lạc của nhiều cơ quan quan trọng như Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường; cùng nhiều di tích - lịch sử văn hóa quy mô lớn, có giá trị lâu đời như chùa Láng, Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Chùa Bộc…

Những công trình, địa danh trở thành tên quận ở Hà Nội - Ảnh 8.

Vị trí thuận tiện, cơ sở hạ tầng được đầu tư, cùng mạng lưới giao thông không ngừng hoàn thiện giúp cho nhà đất khu vực Đống Đa luôn nằm trong tầm ngắm của người mua và các nhà đầu tư. Trong 9 tháng đầu năm 2022, quận Đống Đa thu ngân sách đạt gần 8.600 tỷ đồng. Quận Đống Đa có 5 dự án đường sắt đô thị đi qua địa bàn. Trong đó, có tuyến số 2A (Cát Linh – Hà Đông) đã chính thức vận hành từ tháng 11/2021.

Những công trình, địa danh trở thành tên quận ở Hà Nội - Ảnh 9.

Quận Thanh Xuân xưa được lấy tên từ chùa Thanh Xuân, (nay là chùa Phùng Khoang thuộc phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm). Quận Thanh Xuân có diện tích tự nhiên 9,13 km2. Vài năm trở lại đây, Thanh Xuân có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá mạnh mẽ, cùng với đó là mức độ gia tăng của các dự án chung cư cao cấp như: Royal City, Hapulico Complex, Golden Land, Imperia Garden Hà Nội… Bên cạnh đó, quận có nhiều làng nghề nổi tiếng như làng nghề trống Đọi Tam Thanh Xuân, làng nghề làm giầy Thượng Đình. Thu ngân sách 9 tháng đầu năm 2022 của quận đạt 3.900 tỷ đồng.

Những công trình, địa danh trở thành tên quận ở Hà Nội - Ảnh 10.

Quận tập trung nhiều dân lao động, công nhân của các nhà máy như Công ty Cổ phần Cao su Sao Vàng, Công ty Thuốc lá Thăng Long… Trên địa bàn quận thanh Xuân cũng có nhiều trường đại học lớn như Đại học Phòng cháy chữa cháy, Đại học Hà Nội, Đại học Kiến trúc Hà Nội… Trong ảnh là ngã tư Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến - Nguyễn Xiển là nút giao hiện đại bậc nhất, nút 4 tầng đầu tiên của Hà Nội và cả nước, gồm: Hầm chui, mặt đất, cao tốc trên cao và đường sắt đô thị giúp giảm tải lưu lượng giao thông qua khu vực này.


theo Nhịp sống Thị trường /