Người dân mất hơn 20 năm thu nhập để mua căn hộ chung cư

02/04/2023 16:30

Ước tính thu nhập bình quân năm 2023 là 135 triệu đồng/năm. Nếu dùng toàn bộ thu nhập để mua căn hộ chung cư sẽ mất 23 năm.

Sở hữu nhà với mức thu nhập hiện nay rất khó

Theo Bộ Xây dựng, đến nay trên cả nước đã hoàn thành 301 dự án nhà ở xã hội, quy mô khoảng 156.000 căn với tổng diện tích gần 8 triệu m2. Trong khi, chỉ tính riêng giai đoạn 2021 - 2025 cần khoảng 1,3 triệu căn. Điều này cho thấy nguồn cung còn đang rất thiếu, cực kỳ thiếu. Đó là chưa kể giai đoạn 2021 - 2030, nước ta cần khoảng 2,6 triệu căn hộ.

Ước tính thu nhập bình quân năm 2023 là 135 triệu đồng/năm. Nếu dùng toàn bộ thu nhập để mua căn hộ chung cư sẽ mất 23 năm. Toàn bộ thu nhập, có nghĩa là không ăn không uống không gì cả trong vòng 23 năm để có nhà. Điều này cho thấy khả năng sở hữu nhà với mức thu nhập hiện nay thực sự đang rất khó.

Người dân mất hơn 20 năm thu nhập để mua căn hộ chung cư - Ảnh 1.

Đến nay trên cả nước đã hoàn thành 301 dự án nhà ở xã hội, quy mô khoảng 156.000 căn với tổng diện tích gần 8 triệu m2. Ảnh minh họa.

Yếu và khó đặt ra nhu cầu rất lớn về nhà ở xã hội. Còn mới đây, Bộ Xây dựng đã đề xuất bỏ quy định người muốn mua nhà ở xã hội phải có đăng ký thường trú hoặc tạm trú. Tuy chặng đường phía trước còn lắm chông gai, nhưng đây cũng được tờ Đại đoàn kết gọi là "hồi sinh" giấc mơ nhà giá rẻ.

Đề xuất mới của Bộ Xây dựng đã khá sát thực tế, đã chia sẻ khó khăn cho người nghèo, cho lao động thu nhập nhấp. Tờ Lao động cho rằng, để mua được nhà ở xã hội, chỉ cần hai quy định là đủ: Một là người mua chưa có nhà, hai là đối tượng nghèo. Họ chỉ có nhu cầu mua nhà không ai "đầu cơ" nhà ở xã hội cả.

Đột phá phát triển nhà ở xã hội

Tuy nhiên, chỉ sửa 1 - 2 quy định chắc hẳn vẫn không thể nào giải quyết ngay tức khắc được những khó khăn của vấn đề nhà ở xã hội hiện nay. Như trên tờ Người lao động có viết, phải có quyết tâm chính trị cao, có các nguồn lực, có phương pháp quản lý khoa học, biện pháp cụ thể… mới có thể thành công trong việc đột phá phát triển nhà ở xã hội.

Trước hết, về nhận thức lý luận, cần xác định lợi ích về chính trị, xã hội, phát triển bền vững là mục đích cao hơn lợi nhuận về kinh tế tính bằng tiền. Còn nhìn từ góc độ tăng trưởng kinh tế, nhà ở xã hội giá rẻ tuy không đóng góp cao về tỷ trọng tăng GDP, song về bản chất đây là đầu tư cho xây dựng con người, tạo động lực làm việc, tăng năng suất lao động và chất lượng sản phẩm.

Cần phải tạo cơ chế thông thoáng để chuyển đổi đất công, đất cổ phần hóa, đất thuê của nhà nước sang làm nhà ở xã hội. Ngoài ra, cần tập trung công tác hậu kiểm và cam kết đúng đối tượng, nếu sai sẽ bị thu hồi.

Người dân mất hơn 20 năm thu nhập để mua căn hộ chung cư - Ảnh 2.

Tuần qua, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đã hoàn thiện và trình Chính phủ Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030".

Một vấn đề khác cũng liên quan đến nhà ở, đó là đề xuất mới đây của UBND TP Hà Nội về tăng diện tích chỗ ở tối thiểu. Có 2 mức được đưa ra là 8m2/một người cho khu vực ngoại thành và 15m2/một người cho khu vực nội thành.

Lý giải quy định này sẽ giúp đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng đô thị. Nếu cho phép mở rộng các tiêu chí để đăng ký thường trú, số lượng người nhập cư vào Hà Nội sẽ rất đông, dẫn đến chất lượng sống của người dân bị hạn chế như kẹt xe, quá tải giáo dục… tờ Lao động thông tin.

Còn tờ Tiền Phong, viện dẫn nội dung Luật Thủ đô, trong đó có quy định cho phép Hà Nội có cơ chế đặc thù để hạn chế di dân tự phát vào nội thành, cùng với các chính sách đồng bộ sẽ giúp giảm áp lực nội đô.

Đánh giá tác động chính sách một cách toàn diện

Từ những căn cứ trên có thể thấy đề xuất của UBND TP Hà Nội là hợp lý, tính toán trên năng lực về cơ sở hạ tầng xã hội, cũng như chất lượng sống của người dân. Điều cần lưu tâm hiện nay là việc đánh giá tác động chính sách một cách toàn diện, điều tra hiện trạng cũng như lộ trình thực hiện.

Liên quan đến nội dung trên, bài viết trên tờ Lao động với hàng title "Đừng thêm gánh nặng vô lý cho người lao động".

Tại sao gọi là gánh nặng bởi vì nỗi lo của họ khi nghe thông tin về dự thảo không phải câu chuyện ở chật hay rộng, mà nếu không đáp ứng đủ điều kiện con của những người đi thuê trọ khó có cơ hội để đi học đúng tuyến.