Kinh tế Việt Nam 2023 còn nhiều dư địa phục hồi và tăng trưởng

16/01/2023 08:04

Nhận diện rất rõ những khó khăn của năm 2023 nhưng trong cuộc trò chuyện với Thanh Niên đầu xuân Quý Mão, các chuyên gia kinh tế hàng đầu Việt Nam đều cho rằng, kinh tế Việt Nam còn nhiều dư địa để phục hồi và tăng trưởng nếu...

Mở cửa kịp thời, kinh tế năm 2022 đã đạt được những thành tựu hết sức lạc quan trong 3 quý đầu năm. Nhưng bước sang quý cuối cùng, dưới tác động của lạm phát lan rộng trên toàn cầu, diễn biến phức tạp gây đứt gãy chuỗi cung ứng từ chiến sự Nga - Ukraine, cộng đồng doanh nghiệp nội đang đối mặt với rất nhiều khó khăn. Nhưng theo các chuyên gia kinh tế hàng đầu đất nước, Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để phục hồi và tăng trưởng trong năm 2023 nếu đồng bộ các giải pháp tài khóa - tiền tệ một cách linh hoạt, bám sát chuyển động thực tiễn.

Kinh tế Việt Nam 2023 còn nhiều dư địa phục hồi và tăng trưởng - ảnh 1

Phong cảnh TP.HCM

Ngọc Dương

TS Huỳnh Thanh Điền, Giảng viên Trường đại học Kinh tế TP.HCM:

Tập trung các giải pháp kích cầu nội địa

Kinh tế Việt Nam 2023 còn nhiều dư địa phục hồi và tăng trưởng - ảnh 2

Tình hình kinh tế của các nước Mỹ, châu Âu đang gặp khó nhưng bắt đầu có tín hiệu “hạ nhiệt”. Năm 2023, dự báo kinh tế thế giới sẽ bước đầu kiểm soát được lạm phát và khủng hoảng. Trần lãi suất của các khu vực sẽ có xu hướng giảm. Tại Việt Nam, khối doanh nghiệp nội hoạt động tại thị trường nội địa hiện chưa bị ảnh hưởng nhiều và thị trường trong nước cũng cần nhiều lao động. Hoạt động đầu cơ trong giai đoạn cuối năm 2022 giảm hẳn, ở mức chạm đáy, người dân sẽ có xu hướng quay về với hoạt động sản xuất kinh doanh thật.

Nhìn chung, kinh tế Việt Nam năm 2023 có thể chưa tốt như giai đoạn 6 tháng đầu năm nhưng vẫn lạc quan, đỡ khó hơn giai đoạn nửa cuối năm 2022. Trong bối cảnh đó, đầu tiên cần tập trung những giải pháp kích cầu nội địa. Nhà nước phải áp dụng nhiều chính sách đồng bộ, bao gồm các chính sách về thuế như gia hạn chính sách giảm thuế VAT xuống 8%, giảm thuế thu nhập cá nhân, tăng cho vay tiêu dùng. Khi khách hàng tăng chi tiêu thì doanh nghiệp tăng sản xuất, dòng luân chuyển của kinh tế được nối lại liên tục, tạo cơ hội cho kinh tế tránh được khủng hoảng.

Bên cạnh đó, cần lập tức xốc thật nhanh, thật mạnh vấn đề đầu tư công. Tâm lý lo sợ trách nhiệm, thủ tục pháp lý phải được làm thực chất để giải phóng cho những công trình, dự án lớn. Khi công trường xây dựng “nóng máy” thì sẽ tạo ra rất nhiều công ăn việc làm, kích thích đầu tư, tạo tác động lan tỏa đến nhiều ngành kinh tế khác. Song song, thông suốt các huyết mạch của kinh tế bằng cách giải quyết khéo léo các vụ sai phạm, không để ảnh hưởng tới những mối quan hệ kinh tế tạo tâm lý hoang mang, đóng băng toàn thị trường như hiện nay.

Chính sách quản lý đất đai cũng cần điều chỉnh, giao cho doanh nghiệp tư nhân khai thác, hình thành hoạt động kinh tế, tạo giá trị gia tăng và nhà nước thu thuế từ đó. Cuối cùng là chính sách tiền tệ. Lãi suất phải hạ thấp, kể cả cho vay đầu tư hay tiêu dùng. Ngân hàng chỉ quản lý bằng room, lái dòng tín dụng vào những hoạt động như sản xuất, xây dựng, tiêu dùng, dịch vụ. Đồng bộ các giải pháp thì kinh tế sẽ có dòng tiền lưu thông và tiếp tục hồi phục, phát triển.

TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh:

Chính sách cần bám sát tình hình, linh hoạt và khéo léo

Kinh tế Việt Nam 2023 còn nhiều dư địa phục hồi và tăng trưởng - ảnh 3

Những khó khăn trong 2 quý cuối năm 2022 tạo ra rất nhiều thách thức cho năm 2023. Việt Nam được dự báo đạt mức tăng trưởng thấp hơn 2022 (khoảng 6%) và lạm phát có thể cao hơn (lên 4,5%). Trong bối cảnh còn rất nhiều bất định, khó lường trên thế giới, với một nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam thì vai trò của chính sách vĩ mô là vô cùng quan trọng. Chính sách cần bám sát tình hình, linh hoạt và khéo léo. Sự khéo léo thể hiện trong phối hợp giữa chính sách tài khóa và tiền tệ. Làm sao để tìm điểm cân bằng, điều hành chính sách hợp lý theo từng giai đoạn, từng thời điểm để vừa giữ ổn định kinh tế vĩ mô, vừa đảm bảo an toàn cho hệ thống tài chính ngân hàng mà vẫn không gây bất lợi cho quá trình phục hồi và tăng trưởng.

Về chính sách tiền tệ, tôi hy vọng áp lực lạm phát trên thế giới sẽ giảm, ngân hàng trung ương của nhiều nước phát triển sẽ giảm mức độ tăng lãi suất cả về liều lượng và tần suất. Khi đó, chính sách tiền tệ trong nước có thể nới lỏng hơn, bớt căng thẳng hơn để tạo điều kiện cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Về chính sách tài khóa, các chương trình hỗ trợ phục hồi thời gian qua thực hiện khá chậm. Trong khi đó, thu ngân sách sẽ ngày càng khó khăn và eo hẹp, chúng ta không còn nhiều thời gian để kéo dài dư địa, nguồn lực cho các gói hỗ trợ như hiện nay. Vì thế, cần thúc đẩy thật nhanh giải ngân các chương trình hỗ trợ.

Lưu ý một số cấu phần có thể đã không còn phù hợp với thực tế, cần có sự điều chỉnh linh hoạt, lấy phần này bù sang phần kia để đảm bảo bám sát tình hình, triển khai hiệu quả. Cùng với đó, thúc đẩy đầu tư công mạnh mẽ hơn. Đầu tư công, cùng với tiêu dùng (bao gồm hoạt động dịch vụ, vận tải, thương mại) và giải ngân đầu tư FDI sẽ là 3 động lực chính cho kinh tế Việt Nam 2023.

TS Lê Đạt Chí, Phó trưởng khoa Tài chính Trường đại học Kinh tế TP.HCM:

Hỗ trợ thanh khoản, giảm lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Kinh tế Việt Nam 2023 còn nhiều dư địa phục hồi và tăng trưởng - ảnh 4

Tôi cho rằng chính sách tiền tệ năm 2023 sẽ không chịu nhiều tác động từ bên ngoài như năm 2022 mà đến từ những vấn đề nội tại của nền kinh tế trong nước. Áp lực tăng giá USD trong năm 2023 đã giảm đi hơn một nửa so với năm 2022 khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất chậm lại. Những cảnh báo về xác suất suy giảm kinh tế toàn cầu đang dần lớn lên cho đến thời điểm hiện nay, đây là bất lợi của kinh tế thế giới trong năm 2023. Điều này đưa đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam có thể không còn nhộn nhịp như trước.

Tuy nhiên, lạm phát trên toàn cầu đang có xu hướng suy giảm trước những chính sách can thiệp từ các ngân hàng trung ương các nước. Chính vì vậy, chính sách lãi suất trong nước ít chịu ảnh hưởng đến từ kiểm soát lạm phát nhiều như trước, thay vì đó sẽ ổn định hơn để thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế. Cùng với đó, dù rằng hoạt động xuất khẩu sụt giảm nhưng áp lực lên tỷ giá cũng sẽ giảm đi.

Vấn đề lớn hiện nay và kéo sang năm 2023 đó là giải quyết thanh khoản của các ngân hàng thì chính sách tiền tệ mới bớt xáo trộn, từ đó giảm lãi suất, hỗ trợ kinh tế tăng trưởng. Trong room tín dụng của ngân hàng có một lượng lớn đến từ trái phiếu của doanh nghiệp, quy mô khoảng 820.000 tỉ đồng. Chỉ cần giải quyết bài toán trên thị trường trái phiếu là tức khắc tín dụng sẽ có cho khu vực doanh nghiệp trong năm 2023.

Như đã nói ở phần trên, bối cảnh tổng thể lạm phát bên ngoài vào năm 2023 sẽ không tác động nhiều đến lãi suất trong nước. Lãi suất sẽ không tăng mạnh như năm 2022. Tuy nhiên trường hợp kinh tế suy giảm mà lãi suất tăng lên sẽ triệt tiêu các hoạt động sản xuất kinh doanh, kiệt quệ kinh tế. Do đó, Ngân hàng Nhà nước cần phát đi tín hiệu về chính sách tiền tệ, tín dụng, lãi suất, tỷ giá… trong năm 2023 rõ ràng hơn để có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế GDP 6,5%, lạm phát 4,5% như Chính phủ đã đề cập.

Ông Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên cao cấp chuyên ngành tài chính - kế toán, Đại học Bristol (Anh): Tháo vòng “kim cô” lạm phát để bơm vốn cho doanh nghiệp

Kinh tế Việt Nam 2023 còn nhiều dư địa phục hồi và tăng trưởng - ảnh 5

Không những Việt Nam mà toàn thế giới đều rơi vào tình hình khó về thanh khoản trong năm 2023 do lãi suất ở Mỹ cao gây áp lực tăng lãi suất khắp nơi. Thế nên điều hành chính sách tiền tệ phải linh hoạt, bởi thiếu linh hoạt thì sẽ khiến nền kinh tế phải “hy sinh” nhiều thứ. Thực tế, lạm phát không thể quy hết cho bơm tiền mà do giá hàng hóa bên ngoài gia tăng. Điều hành chính sách tín dụng phải nhìn trên tổng quan này. Chưa kể Việt Nam còn tăng xuất khẩu được thì vẫn còn cửa cho tăng trưởng. Do đó phải giữ lại sức cho doanh nghiệp sản xuất. Muốn vậy, vòng “kim cô” mục tiêu lạm phát cần được tháo gỡ thì điều hành chính sách tài khóa - tiền tệ mới linh hoạt được.

Trên thực tế, các ngân hàng thương mại không thể tăng tín dụng cho doanh nghiệp yếu nên Bộ Tài chính cần nghiên cứu bảo lãnh hay hỗ trợ thông qua quỹ hỗ trợ tín dụng và bảo đảm tín dụng cho nhóm này. Giống như Mỹ hỗ trợ cho phía doanh nghiệp yếu vay thời gian Covid-19. Doanh nghiệp hiện đang không có tiền, không vay được ngân hàng hoặc vay khó khăn, lãi suất cao… nên cần có cơ chế hỗ trợ.

TS Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương - CIEM): Phải khôi phục niềm tin để nhà đầu tư yên tâm làm ăn

Kinh tế Việt Nam 2023 còn nhiều dư địa phục hồi và tăng trưởng - ảnh 6

Năm 2023, nền kinh tế vẫn có dư địa tăng trưởng lớn nếu như môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện một cách quyết liệt và bền bỉ. Muốn tăng thu nhập cho người dân và doanh nghiệp, muốn đất nước thịnh vượng, phải cải cách.

Có thực tế là nội dung quy định phân loại về hạ tầng thương mại, lại lồng ghép các điều kiện kinh doanh về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Thay vì đưa các điều kiện kinh doanh vào nghị định, nay lại lồng ghép vào quy chuẩn cấp thông tư... Vấn đề này xảy ra tại hầu hết các lĩnh vực thuộc các bộ ngành quản lý. Bên cạnh đó, nhiều văn bản pháp luật hiện hành chưa đảm bảo tính thống nhất, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng, nhà ở, môi trường, tài nguyên… Tình trạng thanh tra, kiểm tra, kiểm toán thường xuyên, liên tục cũng dẫn tới tâm lý lo ngại làm sai ở các cấp thực thi. Quan sát của chúng tôi cho thấy nhiều chính sách còn được xây dựng trong ngắn hạn, đi sau nhu cầu và khi được đưa về địa phương, lại được áp dụng quá cứng nhắc, máy móc. Chính sách thay đổi liên tục là điểm trừ lớn trong thu hút đầu tư kinh doanh.

Thế nên, trong năm 2023, bất luận thế nào, doanh nghiệp cần sự ổn định chính sách để làm ăn. Các bộ ngành, địa phương phải ngưng ngay việc thay đổi liên tục và thêm vào các quy định mới khiến doanh nghiệp không lường trước cũng như không tiên liệu được để có kế hoạch đầu tư kinh doanh. Tiếp xúc với 100 doanh nghiệp, cả 100 ý kiến kỳ vọng nhà nước giảm lãi suất cho vay và nới room tín dụng.

Có một vấn đề nữa liên quan thị trường vốn, đó là trái phiếu doanh nghiệp. Hiện đang có sự đánh đồng các thị trường vốn với nhau, mà thiếu cơ chế theo dõi, đánh giá chất lượng doanh nghiệp khiến doanh nghiệp đang hoạt động đúng, sử dụng đồng vốn huy động đúng vào mục đích đầu tư mở rộng vẫn bị “khóa” như doanh nghiệp sai phạm. Năm 2023, vai trò của Bộ Tài chính rất quan trọng, Bộ phải thiết kế giải pháp cho thị trường vốn hoạt động hiệu quả hơn. Phải tạo cơ chế mở, khôi phục niềm tin nhà đầu tư, tăng hậu kiểm… Cần truyền tải thông điệp này ra ngoài để nhà đầu tư trong và ngoài nước yên tâm làm ăn.

PGS-TS Nguyễn Mạnh Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển doanh nghiệp: Hỗ trợ doanh nghiệp có đổi mới sáng tạo

Kinh tế Việt Nam 2023 còn nhiều dư địa phục hồi và tăng trưởng - ảnh 7

Thông qua 1.500 doanh nghiệp niêm yết, có thể thấy bức tranh kinh tế của Việt Nam trong những năm vừa qua vẫn có nhiều dấu hiệu tích cực. Khả năng chống chịu với những khó khăn do thiên tai, dịch bệnh gây ra của doanh nghiệp Việt Nam là khá tốt. Đó cũng là động lực để nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng. Quan sát cho thấy sau đại dịch, con đường đi của doanh nghiệp nay có nhiều dốc, đèo và ít bằng phẳng hơn, ai có năng lực, vượt được dốc đèo rồi sẽ phát triển ổn định hơn, còn doanh nghiệp lớn, rất lớn nhưng lại bị tụt hậu do đầu tư dàn trải và thiếu đổi mới.

Các nền kinh tế trên thế giới được chia làm 3 nhóm: các nước chú trọng đổi mới sáng tạo, chú trọng tính hiệu quả và khai thác nguồn lực. Hàn Quốc, Nhật Bản thuộc nhóm đầu là phát triển đổi mới sáng tạo; Trung Quốc dừng ở nhóm 2 đang vươn lên sử dụng công nghệ đạt hiệu quả; nhưng Việt Nam vẫn đang ở nhóm 3 khai thác nguồn lực, chủ yếu tài nguyên.

Thế nên, triển vọng kinh tế năm 2023 phải “khép” lại chiến lược khai thác tài nguyên, tập trung hỗ trợ nguồn lực tinh túy ở khu vực doanh nghiệp có đổi mới sáng tạo và hiệu quả. Doanh nghiệp lớn hay nhỏ hoạt động trong lĩnh vực có đổi mới sáng tạo cần được hỗ trợ thiết thực về chính sách, thậm chí về tài chính, cho vay lãi ưu đãi… Từ doanh nghiệp sản xuất ra cả chiếc xe hơi đến mâm bánh xe, nếu có đổi mới sáng tạo, có chiến lược hướng đến công nghệ tiên tiến, phải tập trung hỗ trợ, tháo gỡ các vướng mắc cho họ. Đó là tương lai của nền kinh tế và giúp Việt Nam không bị tụt hậu.

Tin liên quan

Cứ 10 doanh nghiệp thành lập thì 7 doanh nghiêp rút lui khỏi thị trường Làm gì để phát triển sâm Ngọc Linh thành ngành công nghiệp? Nhân lực và hạ tầng kìm hãm logistics phát triển