"Không phải cứ ứng dụng CNTT là sẽ trở thành doanh nghiệp số"

30/11/2021 16:30

Theo TS. Nguyễn Tuấn Hoa, có một tư duy sai lầm nhưng khá phổ biến đó là cho rằng cứ ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số là sẽ trở thành doanh nghiệp số.

Ngày 29/11 tại Hà Nội, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Khánh Hòa tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề: "Doanh nghiệp tái khởi động sau đại dịch: Chuyển đổi số, đổi mới mô hình kinh doanh, tái cấu trúc và những vấn đề pháp lý cần lưu ý".

Phục hồi - phần thắng sẽ chỉ thuộc về những người nhanh chân

Phát biểu tại tọa đàm, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VIAC nhận định, mặc dù Chính phủ và toàn xã hội đang nỗ lực không ngừng để kiềm chế dịch bệnh và từng bước chuyển sang giai đoạn bình thường mới và duy trì các hoạt động kinh tế - xã hội nhưng các chỉ số về ca nhiễm mới và tử vong vẫn tiếp tục tăng khiến cho công cuộc kiểm soát dịch bệnh, tái cơ cấu và phục hồi nền kinh tế trở nên khó khăn hơn.

Tuy nhiên ông Lộc cũng cho rằng với tâm thế xác định sống chung với dịch bệnh, mở cửa để tái khởi động các hoạt động sản xuất kinh doanh và phục hồi nền kinh tế là lựa chọn không thể nào khác.

Dẫn lại đánh giá của các nhà đầu tư nước ngoài, ông Vũ Tiến Lộc cho biết phần lớn các doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam đều đánh giá cao tiến trình phục hồi đang không ngừng được thúc đẩy tại Việt Nam. Việt Nam vẫn là điểm đến hàng đầu các nhà đầu tư và đang là một sự lựa chọn của họ trong kế hoạch sản xuất kinh doanh, đầu tư ở thời gian tới.

Kinh tế vĩ mô - 'Không phải cứ ứng dụng CNTT là sẽ trở thành doanh nghiệp số'

Sau khi cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, thị trường và nhu cầu tiêu dùng đã bắt đầu có nhiều tín hiệu khả quan.

“Bên cạnh đó, thị trường và nhu cầu tiêu dùng bắt đầu có nhiều tín hiệu khả quan. Các chuỗi cung ứng toàn cầu cũng đang trong quá trình định hình lại. Ngoài ra, đầu tư công đang được tăng tốc, các gói hỗ trợ mới, kích thích nền kinh tế cần được được thúc đẩy để nhanh chóng đi vào cuộc sống. Các giải pháp xúc tiến thương mại, đầu tư cũng như các giải pháp nhằm hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp cũng cần được triển khai để làm bệ đỡ và tăng nội lực cho doanh nghiệp”, ông Lộc đánh giá về những tín hiệu tích cực đối với nền kinh tế trong trạng thái bình thường mới.

Theo Chủ tịch VIAC, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến khó lường, tác động tiêu cực tới sự ổn định kinh tế vĩ mô và nguy cơ tăng lạm phát; tình trạng cạnh tranh ngày càng trở nên khốc liệt, chắc chắn phần thắng sẽ chỉ thuộc về những người nhanh chân; về những doanh nghiệp nào nỗ lực vượt bậc, không ngừng đổi mới và chấp nhận thay đổi.

"Trong tương lai không có gì chắc chắn, chỉ trừ sự thay đổi là chắc chắn, các DN phải có những nỗ lực vượt bậc. Sự phục hồi đối với các doanh nghiệp và nền kinh tế không phải là việc trở lại trạng thái ở thời kỳ trước khi diễn ra đại dịch, mà các doanh nghiệp, nền kinh tế phải bắt đầu một diện mạo mới, một mô hình kinh doanh mới theo hướng đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số theo hướng xanh, phát triển bền vững, đủ khả năng kháng cự và chống chịu trong bối cảnh của dịch bệnh", ông Lộc nhấn mạnh.

Vượt nguy tận cơ

Phát biểu tại sự kiện, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cho rằng để đứng vững trước “cơn bão” Covid-19 gây ra, các doanh nghiệp Việt Nam cần triển khai một số đối sách như: cắt giảm chi phí như “ngủ đông” hoặc chỉ giữ lại những phần quan trọng nhất để hoạt động như nhân sự. Các doanh nghiệp cũng đã tính tới việc chuyển đổi mô hình kinh doanh, thay đổi cách thức tương tác mới với nhân viên, khách hàng, thị trường (nhờ công nghệ số) đồng thời thiết lập “phòng tác chiến” xử lý nhanh các tình huống.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần nghiên cứu việc chuyển đổi sản phẩm dựa vào nhu cầu thị trường và xu thế tiêu dùng như việc đầu tư vào mặt hàng thiết yếu…. Ngoài ra, cần ứng xử linh hoạt khi tiếp cận thị trường hoặc đối tác, tiếp cận thị trường ngay khi có điều kiện. Các doanh nghiệp cũng đã đẩy mạnh liên kết trong cộng đồng doanh nghiệp nhằm tạo cơ sở cho việc trả chậm, chia sẻ đơn hàng, hàng đổi hàng.... đồng thời, tận dụng các chính sách hỗ trợ từ phái Nhà nước để tiếp cận các gói hỗ trợ và đầu tư phát triển hạ tầng.

Kinh tế vĩ mô - 'Không phải cứ ứng dụng CNTT là sẽ trở thành doanh nghiệp số' (Hình 2).

Theo TS. Võ Trí Thành, để hồi phục nền kinh tế rất cần sự nỗ lực triển khai của các bộ, ngành từ Trung ương tới các địa phương trong việc thực thi các giải pháp. 

Để có thể nhanh chóng phục hồi, TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh: “Chính phủ cần có chương trình phục hồi và phát triển kinh tế có quy mô đủ lớn và diện đủ rộng cả về kiểm soát dịch và năng lực y tế, hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp và phát triển hạ tầng đặc biệt thời gian đủ dài; đồng thời, chú trọng tới một số ngành/lĩnh vực có mức độ thiệt hại lớn, có đóng góp trực tiếp và có sức lan tỏa khi phục hồi”.

Theo ông Thành để huy động nguồn lực cho quá trình phục hồi nền kinh tế, Chính phủ cần xác định sẽ phải tăng chi dẫn đến bội chi ngân sách và có thể phải đi vay để bù vào dòng tiền. Đồng thời phải tiết kiệm chi thường xuyên và sử dụng một phần nào đó dự trữ ngoại hối để tạo nguồn lực thông qua việc cải cách thủ tục, cắt giảm chi phí giao dịch cho doanh nghiệp...

“Đặc biệt, cần cải thiện nút thắt pháp lý trong thực hiện chương trình phát triển kinh tế xã hội cùng với sự nỗ lực triển khai của các bộ, ngành từ Trung ương tới các địa phương trong việc thực thi các giải pháp quản trị rủi ro, đánh giá tác động...”, ông Võ Trí Thành nhận định.

Không phải cứ ứng dụng CNTT là trở thành doanh nghiệp số

Bên cạnh những cách thức vượt khó, theo TS. Võ Trí Thành, hiện nay muốn cải cách, tái cấu trúc và phát triển bền vững, doanh nghiệp cần lưu tâm có 5 “từ khóa” đó là: Xu thế (chuyển đổi số, phát triển xanh...), lợi thế, sáng tạo, kết nối và quản trị rủi ro.

Đánh giá về chuyển đổi số, TS. Thành cho rằng, không phải cứ chuyển đổi số là hiệu quả. Số doanh nghiệp thành công khi chuyển đổi số không quá 50%. Do đó, có những bài học về chuyển đổi số mà doanh nghiệp cần ghi nhớ như điều kiện cần để đảm bảo thành công trong tiến trình chuyển đổi số.

Bài học thứ nhất là nghĩ lớn nhưng làm cụ thể, có thể nhỏ nhưng có tính lan tỏa. Doanh nghiệp phải chuyển đổi bắt đầu từ sản phẩm, phải tương tác với khách hàng và thị trường để tạo dòng tiền. Từ dòng tiền ấy tiếp tục đầu tư vào chuyển đổi số ở những khía cạnh khác nhau.

Ngoài ra, theo ông Thành, đã chuyển đổi số thì phải gắn với trách nhiệm người đứng đầu doanh nghiệp. Bởi nếu người đứng đầu doanh nghiệp không gắn bó với hoạt động chuyển đổi số và giao cho người khác thì rất khó thành công.

"Thêm vào đó, chuyển đổi số phải gắn với chiến lược thực, tức là chuyển đổi số phải gắn với tầm nhìn, chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp", ông Thành chia sẻ.

Cũng tại buổi tọa đàm, chia sẻ về tầm quan trọng của chuyển đổi số, TS. Nguyễn Tuấn Hoa, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc Tế Việt Nam nhận định chuyển đổi số là con đường tất yếu để doanh nghiệp phát triển bền vững.

Kinh tế vĩ mô - 'Không phải cứ ứng dụng CNTT là sẽ trở thành doanh nghiệp số' (Hình 3).

Theo TS. Nguyễn Tuấn Hoa, rất ít doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp số. 

Đánh giá về thực trạng chuyển đối của doanh nghiệp, ông Hoa chỉ ra một lối tư duy sai lầm trong quá trình chuyển đổi của doanh nghiệp đó là đa số doanh nghiệp hiểu rằng cứ ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số là thành doanh nghiệp số.

"Các doanh nghiệp rối trong ma trận các ứng dụng từ các lời mời chào, không biết chọn ứng dụng nào cho phù hợp. Điều đáng nói là tuyệt đại đa số doanh nghiệp chưa lập được chiến lược chuyển đổi số", ông Hoa chia sẻ.

Cũng theo TS. Nguyễn Tuấn Hoa, trên thực tế, một số ít doanh nghiệp đã đạt tới giai đoạn cuộc cách mạnh công nghệ 4.0 như doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng không, ngân hàng, giao thông vận tải... Tuy nhiên, chỉ một số doanh nghiệp được công nhận doanh nghiệp số. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp còn đang ở giai đoạn cách mạnh công nghệ 3.0. Tuyệt đại đa số cả chính quyền và doanh nghiệp đang ở giữa cuộc cách mạnh công nghệ 3.0 - tức là đi chậm hơn thế giới khoảng 20 năm.

"Nếu chiến lược chuyển đổi số của Việt Nam chỉ áp dụng quy trình chuyển đổi số như quốc tế thì luôn đi sau họ. Nhưng nếu có chiến lược riêng thì chúng ta nhanh chóng vượt lên, sẽ có nhiều doanh nghiệp đạt trình độ doanh nghiệp số trong vòng 5 - 10 năm. Như vậy mới thành công", TS. Hoa nhận định.

Đưa ra lời khuyên cho doanh nghiệp khi thực hiện tiến trình chuyển đổi số, TS Hoa cho rằng, doanh nghiệp cần xác định mình đang ở đâu. Cùng với việc mô tả chi tiết quy trình sản xuất hiện tại, doanh nghiệp phải xác định những khâu nào cần thay đổi, những khâu nào cần máy móc thực hiện. Sau đó, doanh nghiệp chọn đối tác và công nghệ, và tiếp đến là lập kế hoạch và lộ trình triển khai.

Theo TS. Nguyễn Tuấn Hoa: “Chuyển đổi số không hề đắt, thậm chí là rất rẻ, quan trọng là doanh nghiệp phải tìm đúng đối tác và giải pháp. Tìm được đối tác tin cậy, doanh nghiệp sẽ có giải pháp thực sự mang lại hiệu quả và kết nối được với mọi hệ thống khác. Còn nếu có đối tác tri kỷ, doanh nghiệp được cung cấp dịch vụ giải pháp đảm bảo giá trị gia tăng và chia sẻ từ giá trị tăng thêm”.