Hà Nội năm 2045: Là thành phố kết nối toàn cầu, ngang tầm thủ đô các nước phát triển, thu nhập người dân đạt 36.000 USD/năm

09/02/2023 16:30

Thủ đô Hà Nội tầm nhìn đến năm 2045 là thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, với GRDP bình quân đầu người đạt trên 36.000 USD; có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới, theo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 7/2/2023 Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Phấn đấu GRDP đến năm 2030 đạt khoảng 12.000 - 13.000 USD/người/năm, đến 2045 đạt 36.000 USD/người/năm

Theo Chương trình hành động của Chính phủ, phấn đấu đạt các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể đã đề ra trong Nghị quyết.

Cụ thể, giai đoạn từ nay đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội là thành phố "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại"; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng Thủ đô và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực, thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực.

Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân hàng năm giai đoạn 2021 - 2025 tăng khoảng 7,5% - 8,0%; GRDP giai đoạn 2026-2030 tăng 8,0 - 8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt khoảng 8.300 - 8.500 USD, đến năm 2030 đạt khoảng 12.000 - 13.000 USD.

Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP đến năm 2025 đạt khoảng 17%, đến năm 2030 đạt khoảng 20%; tỷ trọng kinh tế số trong GRDP đến năm 2025 đạt khoảng 30%, đến năm 2030 đạt khoảng 40%; tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong giá trị sản xuất nông nghiệp đến năm 2025 đạt 70%, đến năm 2030 đạt 80%.

Năng suất lao động tăng bình quân đến năm 2025 đạt 7 - 7,5%, đến năm 2030 đạt 7,5%; tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2025 đạt khoảng 60-62%, đến năm 2030 đạt 75%; tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đến năm 2025 đạt 50-55%, đến năm 2030 đạt 100%.

Tầm nhìn đến năm 2045, Thủ đô Hà Nội là thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, với GRDP bình quân đầu người đạt trên 36.000 USD; kinh tế, văn hoá, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hoà; tiêu biểu cho cả nước; có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô và đô thị thông minh

Nghị quyết nêu rõ: Để đạt được các chỉ tiêu cụ thể nêu trên, trong thời gian tới, bên cạnh các nhiệm vụ thường xuyên, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND thành phố Hà Nội cần cụ thể hóa và tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp.

Cụ thể, phát triển kinh tế Thủ đô nhanh và bền vững trên cơ sở tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực. Hình thành và phát triển các mô hình kinh tế mới như kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế đêm…; thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, phát triển thương mại điện tử và kinh tế số.

Về dịch vụ, phát triển mạnh các loại dịch vụ trình độ chất lượng cao như dịch vụ tư vấn đối với khoa học – công nghệ, y tế, giáo dục – đào tạo, tài chính… để đưa Thủ đô Hà Nội trở thành trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ, du lịch mang tầm khu vực và quốc tế.

Phát triển loại hình giáo dục, đào tạo, các dịch vụ y tế chuyên sâu chất lượng cao ngang tầm với các nước phát triển trong khu vực và thế giới. Phát triển nền tư pháp số để Thủ đô Hà Nội trở thành nơi giải quyết, xử lý tư pháp tốt của cả nước, khu vực và thế giới.

Đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội nằm trong nhóm dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về khoa học dữ liệu và AI. Đến năm 2045, là một trong những Trung tâm nghiên cứu hàng đầu về một số lĩnh vực khoa học cơ bản (toán học, vật lý, y học…) trong khu vực Đông Nam Á và châu Á

Về công nghiệp, cơ cấu lại theo hướng tập trung phát triển công nghiệp mũi nhọn có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao: Cơ khí chế tạo; công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông, phần mềm, sản phẩm số; điện, điện tử; công nghệ mới trong lĩnh vực năng lượng, trí tuệ nhân tạo, cơ sở dữ liệu lớn; công nghệ sinh học, công nghệ y học, công nghiệp dược…

Về nông nghiệp, cơ cấu lại theo hướng nông nghiệp sinh thái, công nghệ cao, xây dựng hệ thống tổ chức sản xuất, kinh doanh giống phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Thủ đô và các tỉnh lân cận… Chuyển mạnh từ xây dựng các “chuỗi cung ứng nông sản” sang phát triển các “chuỗi giá trị ngành hàng”. Hình thành một số khu, cụm liên kết ngành phục vụ sản xuất nông nghiệp (kho tàng, bến bãi, nhà máy chế biến, trạm trại giống…).

Bên cạnh đó, phát triển mạnh mẽ sự nghiệp văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, xứng đáng là trung tâm lớn về giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, y tế. Bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô.

Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Tăng cường đầu tư, phát triển ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Bách Khoa Hà Nội theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, phát triển ngang tầm các đại học chất lượng cao trong khu vực.

Tiếp tục tập trung đầu tư xây dựng, phát triển Khu công nghệ cao Hòa Lạc thành Trung tâm nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo của Hà Nội và của quốc gia.

Đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội nằm trong nhóm dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo, công nghệ 5G và sau 5G. Đến năm 2045, là một trong những Trung tâm nghiên cứu hàng đầu về một số lĩnh vực khoa học cơ bản (toán học, vật lý, y học…) trong khu vực Đông Nam Á và châu Á.

Đồng thời, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, thực hiện nghiêm việc quản lý quy hoạch; đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát triển và quản lý đô thị; khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường.

Nghiên cứu, đề xuất xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô tại khu vực phía Bắc (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn), phía Tây (vùng Hòa Lạc, Xuân Mai), và mô hình đô thị thông minh trên cơ sở phát triển khu vực hai bên trục đường Nhật Tân – Nội Bài.