"Gót chân A-sin" và điều Bộ trưởng muốn ngành nông nghiệp thức tỉnh

30/11/2021 21:00

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, xanh hóa nền nông nghiệp không phải gánh nặng mà là cơ hội', do đó cần xác định tâm thế này để thay đổi.

Ngày 30/11, Bộ NN&PTNT phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam tổ chức Đối thoại chính sách cấp cao về Chuyển đổi sang hệ thống lương thực thực phẩm xanh, giảm phát thải.

Khát vọng trở thành cường quốc nông nghiệp sinh thái

Mở đầu diễn đàn, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, "trong bối cảnh đại dịch Covid-19, dù tiếp tục là 'trụ đỡ' của nền kinh tế, ngành Nông nghiệp cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn, khó tránh khỏi, từ các vấn đề nội tại lẫn các yếu tố khách quan".

“Do đó, để đảm bảo được mục tiêu phát triển bền vững, việc chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng nông nghiệp mới trở thành một yêu cầu cấp bách và cần thiết", Tư lệnh ngành Nông nghiệp nhấn mạnh.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng cho biết, hiện nay Bộ NN&PTNT đang xây dựng dự thảo "Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050” nhằm cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới, được thiết kế xoay quanh 3 trụ cột: “Nông nghiệp sinh thái”, “Nông thôn hiện đại”, “Nông dân thông minh” phù hợp với các định hướng của “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050” vừa được Chính phủ ban hành.

“Tư duy phát triển cần chuyển từ sản xuất sang kinh tế nông nghiệp; từ tư duy đặt năng suất và sản lượng lên hàng đầu sang đặt giá trị làm trung tâm thông qua tích hợp các hệ giá trị khác nhau vào sản phẩm; từ tư duy tận dụng, khai thác sang bồi dưỡng và làm giàu tài nguyên phục vụ nhu cầu sản xuất bền vững; từ tư tưởng tự cung tự cấp sang tư tưởng hội nhập, hòa nhập với dòng chảy của chuỗi giá trị và các xu thế phát triển toàn cầu”, ông Hoan khẳng định

Nói cách khác, cần thay đổi từ tư duy địa phương sang tư duy toàn cầu; từ tư duy khai thác sang tư duy nuôi dưỡng; từ tư duy ngắn hạn sang tư duy dài hạn và bền vững. Cần hướng tới những “giá trị xanh” được tạo nên từ “chuyển đổi xanh, tiêu dùng xanh, kinh tế xanh”.

"Với tư duy mới, chúng ta hoàn toàn có thể đặt ra khát vọng đưa Việt Nam trở thành cường quốc nông nghiệp sinh thái, trung hòa carbon thay vì chỉ là cường quốc về sản lượng lương thực.

Với tư duy sáng tạo, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành cường quốc đổi mới sáng tạo tích hợp các giá trị văn hoá, đa dạng sinh học, cảnh quan trong nông nghiệp và thực phẩm.

Với lợi thế địa kinh tế chiến lược, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành trung tâm logistics nông nghiệp và thực phẩm khu vực châu Á – Thái Bình Dương, trung tâm chế biến nông lâm thủy sản cho khu vực Đông Nam Á", Bộ trưởng Lê Minh Hoan tin tưởng.

Kinh tế vĩ mô - 'Gót chân A-sin' và điều Bộ trưởng muốn ngành nông nghiệp thức tỉnh

 

Tuy vậy, cũng theo lời Bộ trưởng, để chuyển mình thay đổi, ngành Nông nghiệp không thể tự đứng một mình, làm một mình mà cần có sự chia sẻ, đồng hành, hỗ trợ, ủng hộ của các bộ, ban ngành trung ương và địa phương, các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước.

Nêu hình ảnh"gót chân Asin", Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết: “Mẹ của A-sin nhúng cả người mà quên nhúng gót chân. Đây là hình ảnh mà chúng ta cần thức tỉnh.”

"Với “tư duy đổi mới” và “cùng hành động”, tôi tin rằng khát vọng của ngành Nông nghiệp sẽ trở thành hiện thực. Để không chỉ là 'trụ đỡ' của nền kinh tế khi đất nước ở vào thời điểm khó khăn, ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quyết hướng đến khát vọng vươn tầm, đủ sức trở thành 'thước đo mức độ bền vững của quốc gia'", Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết.

Bốn trụ cột để Việt Nam xây dựng môi trường nông nghiệp

Chia sẻ về hiện trạng chuyển đổi nông nghiệp xanh và lộ trình chính sách khả thi để thúc đẩy chuyển đổi xanh, ông Steven Jaffee, cựu Trưởng Chuyên gia Kinh tế tại Khu vực EAP – World Bank, cho biết, nông nghiệp Việt Nam là một câu chuyện thành công lớn về nhiều phương diện bao gồm an ninh lương thực, giảm nghèo, đẩy mạnh thương mại, nhạy bén đáp ứng nhu cầu như sản phẩm nông nghiệp giá trị cao, tăng trưởng nông nghiệp và phát triển chuỗi giá trị mang tính bao trùm cao…

Tuy nhiên, ông Steven Jaffee cũng cho rằng vẫn còn một số khoảng trống hay tồn tại cần phải được khắc phục trong thời gian tới như chênh lệch về thu nhập, năng lực lao động giữa nông thôn và thành thị; bất cập về hiệu quả sản xuất dựa trên thâm canh nhiều hơn là chú trọng đến đảm bảo hiệu suất, thúc đẩy giá trị gia tăng; an toàn sinh học sức khỏe động vật, sức khỏe công cộng vẫn còn hạn chế.

“Việt Nam hiện đã đi được một nửa trong quá trình chuyển đổi nông nghiệp, có sự dịch chuyển từ định hướng sản xuất sơ cấp sang định hướng thị trường và có sự phối hợp với các ngành khác, dịch chuyển cách thức sản xuất và thể chế... song quá trình chuyển đổi đang đối mặt với những thách thức và cơ hội lớn khi các mục tiêu về kỳ vọng của xã hội vẫn đang thay đổi”, Chuyên gia kinh tế của WB nhận định.

Dẫn lại báo cáo Chỉ số Hiệu quả môi trường của Đại học Yale đo lường sức khỏe môi trường và sức sống hệ sinh thái của 180 quốc gia, ông Steven Jaffee cho biết Việt Nam được đánh giá ở mức trung bình về sức khỏe môi trường nhưng đứng gần cuối về sức sống của hệ sinh thái so với các nước trong cùng khu vực. Vị trí địa lý, nhân khẩu học và khí hậu khiến Việt Nam trở thành một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất ở châu Á trước biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, còn nhiều nhân tố khác nhau tác động lớn đến môi trường của ngành nông nghiệp Việt Nam bao gồm sử dụng vật tư đầu vào quá mức, quản lý chất thải kém và suy thoái các hệ sinh thái tự nhiên...

Việt Nam đã có nhiều cam kết đáng kể trong thúc đẩy bền vững thông qua giảm thiểu phát thải, thích ứng với biến đổi khí hậu, xây dựng các chiến lược nghị quyết, quy định, nhưng chưa mang lại tiến bộ đáng kể trên thực tế.

Kinh tế vĩ mô - 'Gót chân A-sin' và điều Bộ trưởng muốn ngành nông nghiệp thức tỉnh (Hình 2).

Việt Nam được đánh giá ở mức trung bình về sức khỏe môi trường nhưng đứng gần cuối về sức sống của hệ sinh thái so với các nước trong cùng khu vực.

Như vậy, theo ông Jaffee, để đi sâu và đẩy nhanh chương trình về môi trường nông nghiệp, Việt Nam cần có một chiến lược và kế hoạch hành động chuyên sâu được xây dựng dựa trên bốn trụ cột bao gồm chính sách khuyến nghị, đổi mới sáng tạo, thể chế và chính sách hỗ trợ. Điều quan trọng là cần xem xét các giải pháp ở nhiều cấp độ, từ cấp độ nông hộ cho đến cấp quốc gia.

Cho rằng Việt Nam cần có nền tảng kỹ thuật và công nghệ vào công cuộc phát triển nông nghiệp bền vững, chuyên gia kinh tế của WB cũng đề xuất một số giải pháp: “Thứ nhất, Việt Nam cần phối hợp với các tổ chức quốc tế, Viện nghiên cứu…Thứ hai, cơ cấu ngành nông nghiệp Việt Nam cần đảm bảo sự hấp dẫn trong đầu tư. Đồng thời Việt Nam cần xây dựng nhiều hơn những mô hình bền vững, chuyển đổi xanh để người nông dân thấy được những lợi ích. Thứ ba, Việt Nam có thể tham khảo những kinh nghiệm quý giá từ các quốc gia, khu vực khác.”

Nhu cầu của địa phương là rất lớn

Từ góc nhìn của các địa phương, ông Hồ Quang Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, kiến nghị Bộ NN-PTNT cùng các cơ quan Trung ương hỗ trợ vốn trong đề án phát triển rừng và đa dạng sinh học. Tỉnh cũng đề xuất thí điểm chuyển đổi số, đề án phát triển rừng và đa dạng sinh học.

Bày tỏ đồng tình với tầm nhìn về Nông nghiệp xanh, đại diện tỉnh Quảng Nam cũng mong muốn các cơ quan chức năng lưu ý đến đa dạng sinh học rừng nhưng vẫn đảm bảo sinh kế người dân.

Theo ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, tỉnh đang thực hiện mạnh mẽ chuyển đổi, tái cơ cấu cây trồng và trong thời gian tới tỉnh sẽ đẩy mạnh canh tác nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng công nghệ thông minh và chuyển đổi số vào lĩnh vực này.

Ngoài ra, tỉnh cũng tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ với những sản phẩm được cả khách hàng quốc tế và trong nước quan tâm.

Để tăng cường hiệu quả kinh tế, Lâm Đồng xây dựng nhiều hợp tác xã nông nghiệp và các chuỗi liên kết, trong đó có nhiều đơn vị ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cũng cho biết, thời gian qua địa phương đã phối hợp và nhận được sự hỗ trợ của nhiều tổ chức quốc tế, qua đó thuyết phục được người dân chuyển đổi sang hướng sản xuất nông nghiệp bền vững, nông nghiệp xanh.

Kinh tế vĩ mô - 'Gót chân A-sin' và điều Bộ trưởng muốn ngành nông nghiệp thức tỉnh (Hình 3).

Tư lệnh ngành Nông nghiệp khẳng định: "Xanh hóa nền nông nghiệp không phải gánh nặng mà là cơ hội", do đó cần xác định tâm thế này để thay đổi.

Cũng chia sẻ tại sự kiện, đại diện UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, qua 7 năm thực hiện đề án tái cơ cấu, ngành nông nghiệp của tỉnh đã được chuyển đổi theo hướng gia tăng tỉ trọng những sản phẩm có giá trị phù hợp với nhu cầu thị trường theo hướng tăng lợi nhuận, chất lượng, sức cạnh tranh và phát triển bền vững.

Với quan điểm phát triển nông nghiệp xanh, trong thời gian tới, Đồng Tháp sẽ hướng tới xây dựng nền nông nghiệp theo hướng sinh thái, phát triển bền vững gắn với việc kiến tạo mạnh mẽ nền nông nghiệp hiện đại theo hướng kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh; khuyến khích sự tham gia của cộng đồng; sử dụng bền vững nguồn nước, bảo đảm cân bằng sinh thái, giữ gìn đa dạng sinh học.

Tỉnh Đồng Tháp sẽ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo phương châm thuận theo tự nhiên, tránh can thiệp quá mức vào tự nhiên và môi trường sống; sử dụng có hiệu quả, hợp lý tài nguyên thiên nhiên; chủ động linh hoạt thích ứng và tận dụng cơ hội từ biến đổi khí hậu như một nguồn tài nguyên để phát triển.

Đồng thời, Đồng Tháp cũng xác định chuyển đổi số trong nông nghiệp là giải pháp đột phá trong xây dựng nền nông nghiệp xanh và hiện đại. Điều đó được cụ thể hóa thông qua việc phát triển thích ứng đa ngành; điều phối liên kết vùng, liên kết ngành phù hợp với năng lực và sự mong muốn của người dân; nâng cao năng lực hoạt động của HTX, tổ hợp tác, các hội quán để nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp xanh, nông nghiệp “thuận thiên”.

“Đồng Tháp đề xuất Ngân hàng Thế giới và Bộ NN-PTNT hỗ trợ địa phương để có thể tiếp tục thực hiện giấc mơ sản xuất nông nghiệp ‘thuận thiên’, nông nghiệp xanh trong thời gian tới”, đại diện UBND tỉnh Đồng Tháp bày tỏ.