Giữa lúc người chơi chứng khoán vui như Tết, cổ đông SJF đang "giẫm đạp" để cắt lỗ

09/12/2021 00:06

Đặt lệnh bán từ tối hôm trước với mong muốn cắt lỗ bằng mọi giá, nhưng kết quả mà nhà đầu tư đang nắm giữ mã SJF nhận được chỉ là tài khoản "bốc hơi" đều đặn 7% mỗi ngày.

Miệt mài gồng… lỗ

Phiên giao dịch ngày 7/12, khi phần lớn nhà đầu tư vui như Tết vì cổ phiếu mình nắm giữ đã bắt đầu tăng giá trở lại, thì với cổ đông của CTCP Đầu tư Sao Thái Dương (SJF) vẫn chỉ là những tiếng thở dài ngao ngán.

Một nhà đầu tư tên T., cho biết ngay khi công ty chứng khoán cho phép đặt lệnh lúc 20 giờ tối hôm trước, anh đã đặt trước lệnh bán toàn bộ số cổ phiếu SJF đang nắm giữ với giá sàn 14.650 đồng. Dù đặt lệnh từ khá sớm nhưng anh T., vẫn chưa thể bán cắt lỗ do không có người mua.

Theo chia sẻ của anh T., trước đó anh nghe thông tin SJF sắp được Tập đoàn Hòa Phát (HPG) chọn là đối tác cung ứng tấm lót sàn cho dự án sản xuất container. Nếu được HPG chọn làm đối tác, giá cổ phiếu SJF có thể tăng lên 40.000 đồng.

Dù trước đó, SJF có chuỗi tăng trần 12 phiên liên tục từ mức giá 10.800 đồng, nhưng anh T., vẫn không ngần ngại bỏ ra 500 triệu đồng để đua lệnh mua vào hơn 20.000 cổ phiếu trong phiên 26/11, với mức giá trần 24.100 đồng.

Như vậy, với mức giá chốt phiên ngày 7/12 là 14.650 đồng, thì anh T. đã lỗ hơn 40% sau chuỗi 7 phiên sàn liên tục. Thế nhưng, với tình trạng "múa bên trăng" như hiện này thì tài khoản của nhà đầu tư này sẽ còn ‘bốc hơi" dài dài.

Quá khứ kinh hoàng

Ở thời điểm hiện tại, tình cảnh của anh T., vẫn còn may mắn hơn những cổ đông đã phải nếm trái đắng với cổ phiếu này cách đây 3 năm, từ mức đỉnh hơn 28.000 đồng "bổ nhào" xuống chỉ còn hơn 1.100 đồng.

Dù thận trọng không đua lệnh mua đỉnh nhưng anh H., vẫn lỗ hơn 80% khi mua vào ở mức giá hơn 20.000 đồng tháng 9/2018. Sau gần 2 năm gồng lỗ, đầu năm 2020, anh H., đành bán ra ở mức giá 3.000 đồng. Dù lỗ nặng nhưng nhà đầu tư này vẫn cho là mình may mắn vì sau đó SJF giảm xuống chỉ còn hơn 1.000 đồng.

Giữa lúc người chơi chứng khoán vui như Tết, cổ đông SJF đang giẫm đạp để cắt lỗ - Ảnh 1.

Nhà đầu tư kỳ vọng SJF tăng giá vì sắp được Tập đoàn Hòa Phát chọn là đối tác cung ứng tấm lót sàn cho dự án sản xuất container, nhưng tất cả chỉ là kỳ vọng.

Thời điểm đó, giải thích về mức giảm kinh hoàng này, lãnh đạo SJF đã bác bỏ nghi vấn tháo túng giá của các cổ đông nội bộ. Mà nguyên nhân là do những căng thẳng leo thang trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đầu năm 2018.

Ngoài ra, nguyên nhân có thể bắt nguồn từ kết quả hoạt động kinh doanh không được tốt như kỳ vọng, do hoạt động sản xuất tre ép công nghiệp chưa mở rộng được như dự kiến. Đặc biệt, hoạt động kinh doanh nông sản và phân bón không tốt như kế hoạch, do ảnh hưởng của dịch bệnh đến nhu cầu tiêu thụ phân bón và tiêu thụ thức ăn.

Chỉ người trong cuộc mới hiểu được "chuyện trong kẹt"

Giãi bày của SJF khiến nhiều cổ đông hết sức bất ngờ và phản ứng gay gắt. Bởi thời điểm đầu năm 2019, khi mã cổ phiếu này giảm 80%, chính ông Nguyễn Trí Thiện, Chủ tịch HĐQT, đã công bố thông tin cho biết tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn diễn ra bình thường và ổn định.

Tuy nhiên, trước sức ép của cổ đông, tại đại hội cổ đông thường niên 2019, ông Thiện phải thừa nhận việc cổ phiếu lao dốc nhiều khả năng một số cổ đông đã cầm cố cổ phiếu để vay tiền đầu tư cho hoạt động riêng. Đến hạn trả tiền vay, nhóm cổ đông này không có khả năng thanh toán, nên bị ngân hàng bán giải chấp cho khoản vay.

Dù bác bỏ sự liên quan nhưng giới đầu tư vẫn có lý do để nghi ngờ về sự trong sáng của lãnh đạo doanh nghiệp. Trước đó, nhiều lãnh đạo chủ chốt, trong đó có ông Thiện đã nhanh tay bán số lượng rất lớn cổ phiếu SJF.

Đơn cử, ông Thiện và ông Nguyễn Xuân Nam, Phó Tổng giám đốc, đã bán lần lượt là 1,98 triệu cổ phiếu và 1,65 triệu cổ phiếu ở mức giá đỉnh. Sau đó, 2 ông này đăng ký mua tổng cộng 6 triệu cổ phiếu khi SJF về dưới mốc 5.000 đồng.

Trở lại với sóng tăng mới đây của SJF, nếu tính từ mức giá chưa đầy 3.000 đồng thời điểm đầu năm 2021 thì SJF đã tăng giá gần 10 lần. Đáng chú ý là SJF đạt mức tăng phi mã dù vẫn còn nằm trong diện cảnh báo của sàn HoSE do lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2021 là con số âm.

Như vậy, nếu so với "cú bổ nhào" cách đây 3 năm thì sóng tăng lần này của SJF cũng tạo nên nhiều nghi vấn. Đặc biệt, nếu liên kết 2 sự kiện này lại với nhau thì những nhà đầu tư đang đu đỉnh SJF như anh T., chắc chắn sẽ còn phải "chen lấn" rất lâu chỉ để được bán… cắt lỗ.