Đồng, quặng sắt lao dốc – chuyện gì đang xảy ra?

25/05/2023 16:05

Trong khi các chuyên gia vẫn tương đối lạc quan về giá đồng thì thì mây mù vẫn đang bao phủ thị trường quặng sắt.

Ngay sau khi các “ông lớn” ngành kim loại gặp mặt tại Hong Kong và Singapore để thảo luận về tình trạng nhu cầu toàn cầu và sự phục hồi của Trung Quốc, giá đồng đã giảm xuống dưới mức 8.000 USD/tấn trong khi quặng sắt giảm dịch ở mức dưới 100 USD.

Cơn sốt xây dựng tại Trung Quốc – vốn thường diễn ra vào quý II - có thể sẽ bị thay thế bằng sự ảm đạm trong hè này.

Sự không chắc chắn bao trùm thị trường, một điều được xem là cấm kỵ đối với hoạt động đầu tư. Nó có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân gồm xung đột Ukraine, trần nợ của Mỹ hay mối quan hệ gay gắt giữa Washington với Bắc Kinh.

Tại Trung Quốc, nước tiêu thụ kim loại lớn nhất thế giới, các mục tiêu tăng trưởng khiêm tốn đã không kích thích được nhu cầu kim loại. Bắc Kinh chưa thể “giải cứu” được giá đồng, quặng sắt trừ khi đưa ra nhiều biện pháp kích thích hơn.

Trong số 2 kim loại này, đồng mặc dù đã giảm giá mạnh nhưng vẫn trong tình trạng khan hiếm, cũng là kim loại then chốt trong quá trình chuyển đổi năng lượng. Do đó, nhiều người tin rằng mọi sự sụt giảm chỉ là ngắn hạn.

Trong khi đó, những đám mây u ám đang bao phủ thị trường quặng sắt, ít nhất là thời điểm hiện tại.

Nếu như Goldman Sachs dự đoán giá đồng sẽ đạt 10.000 USD/tấn vào thời điểm này năm tới thì có thể phải mất 5 năm nữa để nhu cầu thép của Trung Quốc mới phục hồi, theo CEO một công ty thương mại Trung Quốc. Nhu cầu thép Trung Quốc chính là động lực lớn nhất của giá quặng sắt.

Đồng, quặng sắt lao dốc – chuyện gì đang xảy ra? - Ảnh 1.

Trung Quốc, nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới, có thể cắt giảm sản lượng một lần nữa trong năm nay để theo đuổi các mục tiêu về khí hậu. Theo Hiệp hội Thép Thế giới, sản xuất toàn cầu đã giảm vào năm 2023.

Sản lượng của Trung Quốc vẫn tăng 4,1% trong 4 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ. Do đó, ngay cả khi đã “điều tiết” lại sản xuất vào tháng 4, Trung Quốc vẫn có thể sẽ cắt giảm sản xuất mạnh hơn nữa, theo Capital Economics.

Đây là mối đe dọa trực tiếp với tiêu thụ quặng sắt. Khi nền kinh tế Trung Quốc sử dụng ít thép hơn, thị trường quặng sắt chỉ có thể tươi sáng nếu các quốc gia phát triển khác tăng nhu cầu thật nhanh. Không giống như đồng, nhu cầu trung hòa carbon đặt ra những thách thức rất lớn với ngành công nghiệp nổi tiếng là “bẩn” này.

Bạn đang đọc bài viết "Đồng, quặng sắt lao dốc – chuyện gì đang xảy ra?" tại chuyên mục Tiêu dùng.