Chuyên gia VASEP: Hết tháng 11, xuất khẩu thủy sản có thể chạm mốc 10 tỷ USD

04/10/2022 00:02

Trong tháng 9, xuất khẩu thủy sản ước đạt trên 850 triệu USD.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Việt Nam (VASEP), trong tháng 9, xuất khẩu thuỷ sản ước đạt trên 850 triệu USD, cao hơn 36% so với cùng kỳ năm trước, nhưng đây là lần đầu sau 7 tháng, xuất khẩu thuỷ sản rơi xuống mức dưới 900 triệu USD. Đến hết quý III, xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam chạm mốc 8,5 tỷ USD, tăng 38%.

Theo bà Lê Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm VASEP.PRO thuộc VASEP, lạm phát đang tác động giảm nhu cầu nhập khẩu nên xuất khẩu sang các thị trường chính đều tăng trưởng chậm lại trong tháng 9.

Chuyên gia VASEP: Hết tháng 11, xuất khẩu thủy sản có thể chạm mốc 10 tỷ USD - Ảnh 1.

Trong 9 tháng qua, Việt Nam thu 8,5 tỷ USD từ xuất khẩu thủy sản.

Xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc mang về doanh số cao nhất trong tháng 9 với 153 triệu USD, tăng 97% so với cùng kỳ năm 2021. Kim ngạch sang Mỹ giảm 11% xuống 140 triệu USD, trong khi sang EU và Hàn Quốc tăng lần lượt 31% và 19% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong tháng 9, xuất khẩu các sản phẩm thuỷ sản chính đều tăng so với cùng kỳ năm 2021. Cá tra tăng trưởng cao nhất, với 97% đạt 161 triệu USD. Theo bà Lê Hằng, lạm phát làm giảm nhu cầu nhiều sản phẩm trong ngành, nhưng cá tra vẫn là mặt hàng lợi thế vì có giá phù hợp với túi tiền người tiêu dùng bình dân.

Xuất khẩu tôm tháng qua là gần 350 triệu USD, tăng 13% - thấp nhất trong các sản phẩm chính. Thiếu tôm nguyên liệu trong khi nhu cầu tại các thị trường đang chững lại vì lạm phát giá, khiến xuất khẩu tôm giảm so với tháng trước. Các sản phẩm hải sản như cá ngừ tăng 44%, mực, bạch tuộc tăng 40% và các loại cá biển khác tăng 55% trong tháng 9.

Theo VASEP, lũy kế 9 tháng, xuất khẩu tôm đã mang về gần 3,4 tỷ USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2021; cá tra cũng thu về gần 2 tỷ USD, tăng 82% các sản phẩm hải sản đạt gần 3,2 tỷ USD, tăng 33%.

Về thị trường, 9 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản sang EU vượt 1 tỷ USD, tăng 41% so với cùng kỳ năm trước. Mỹ vẫn là thị trường chiếm tỷ trọng cao nhất với gần 1,8 tỷ USD, tăng 22%, giá trị sang các nước thuộc Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là gần 2,2 tỷ USD, tăng 41%.

Trung Quốc là thị trường có tăng trưởng cao nhất 76% ở mức 1,35 tỷ USD trong ba quý đầu năm. Bà Lê Hằng cho rằng dù Trung Quốc vẫn là thị trường khó đoán định, đây vẫn là thị trường mục tiêu của các doanh nghiệp thuỷ sản Việt Nam trong những tháng cuối năm. Nhu cầu tại Trung Quốc đang hồi phục và yếu tố địa lý cũng là lựa chọn của nhiều doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh chi phí vận tải và ách tắc vận chuyển vẫn là vấn đề lớn của thương mại toàn cầu.

Với kết quả sau 9 tháng, theo bà Lê Hằng, hết tháng 11, thuỷ sản Việt Nam có thể chạm mốc 10 tỷ USD như kỳ vọng của toàn ngành cũng như mục tiêu của Bộ Nông nghiệp đặt ra.