Chiêu trò lừa đảo không mới nhưng vẫn nhiều người mắc phải: Mạo danh Hòa Phát, Masan, FPT, Trường Hải,... tuyển dụng để thu lợi bất chính

03/06/2023 00:07

Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp lớn như Hòa Phát, Trường Hải, Masan... đã phát đi những cảnh báo về việc bị một số cá nhân/tổ chức mạo danh để lừa đảo, thu lợi bất chính bằng thủ đoạn mời chào tuyển dụng.

Chiêu trò lừa đảo không mới nhưng vẫn nhiều người mắc phải: Mạo danh Hòa Phát, Masan, FPT, Trường Hải,... tuyển dụng để thu lợi bất chính - Ảnh 1.

Mới đây, CTCP Tập đoàn Hòa Phát đã đưa ra thông cáo về việc một số cá nhân/tổ chức lợi dụng tên tuổi và hình ảnh của Tập đoàn Hòa Phát, giả danh là nhân viên tuyển dụng của Tập đoàn để tuyển dụng các vị trí nhân viên kinh doanh.

Các đối tượng này thường có những hành vi như: gọi điện cho những người đang tìm việc, giới thiệu việc làm và yêu cầu họ cung cấp thông tin cá nhân và/hoặc tạm ứng một khoản chi phí phục vụ công tác ứng tuyển với lời hứa phỏng vấn vào làm việc tại Tập đoàn.

Để khuyến cáo mọi người, Tập đoàn Hòa Phát đã thông tin chính thức về quy định tuyển dụng của Tập đoàn. Trong đó nêu rõ, quy trình tuyển dụng của Tập đoàn Hòa Phát được thực hiện hoàn toàn công bằng, minh bạch, khách quan đối với toàn bộ ứng viên tham gia ứng tuyển, và không thu bất cứ khoản chi phí tuyển dụng nào.

Nhân viên tuyển dụng của Tập đoàn Hòa Phát không bao giờ yêu cầu ứng viên cung cấp bất kỳ loại thông tin tài chính hoặc thông tin cá nhân nhạy cảm nào qua điện thoại/email/mạng xã hội hay đề nghị ứng viên tạm ứng bất kỳ một khoản tiền nào để được phỏng vấn tuyển dụng. Một lần nữa, Hòa Phát nhấn mạnh, ứng viên sẽ không phải đóng bất kỳ khoản phí nào trong suốt quá trình tuyển dụng và khi gia nhập Công ty.

 

Đây không phải là DN đầu tiên lên tiếng về hiện tượng mạo danh, sử dụng trái phép thông tin công ty để tuyển dụng, dụ dỗ người có nhu cầu tìm việc làm rồi chiếm đoạt tài sản trái phép.

Giữa tháng 5 vừa qua, Tập đoàn Trường Hải (THACO) cũng đã có cảnh báo tình trạng giả mạo thương hiệu và các nền tảng ứng dụng của THACO để lừa đảo tuyển dụng lao động.

Các cá nhân, tổ chức nhân danh là nhân sự của THACO để giả mạo tuyển dụng bằng cách yêu cầu ứng viên tham gia vào nhiều hội, nhóm chat trên nền tảng Telegram để thực hiện phỏng vấn, test năng lực và thái độ,... Sau đó, họ yêu cầu ứng viên tải thêm nhiều ứng dụng khác, tạo tài khoản trên các trang web xổ số, các trang thương mại điện tử,... để thực hiện chuyển tiền trực tuyến vào tài khoản của các tổ chức, cá nhân mạo danh.

Theo THACO, trong thời đại công nghệ số, các đối tượng lừa đảo bằng công nghệ cao ngày càng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi, các hình thức và mánh khóe lừa đảo tuyển dụng việc làm vẫn là một "ma trận" khó lường.

THACO nhấn mạnh 4 "không" trong hoạt động tuyển dụng nhân sự cho tập đoàn, bao gồm: Không sử dụng bất cứ các app hoặc nền tảng ứng dụng nào khi tương tác với ứng viên; không thu bất kỳ khoản phí nào trong tuyển dụng; không yêu cầu ứng viên cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng trong tuyển dụng; không tổ chức khảo sát năng lực online.

Chiêu trò lừa đảo không mới nhưng vẫn nhiều người mắc phải: Mạo danh Hòa Phát, Masan, FPT, Trường Hải tuyển dụng để thu lợi bất chính - Ảnh 1.

Hình ảnh minh họa. Nguồn: jobsgo.

Trước đó, Tập đoàn Masan cũng đưa ra thông báo về vấn đề tương tự. Cụ thể, Masan cảnh báo về hiện tượng mạo danh doanh nghiệp (DN) này để tuyển dụng cộng tác viên (CTV) nhằm chiếm đoạt tài sản. Theo đó, kẻ xấu sử dụng các tài khoản mạng xã hội với chức danh như giám đốc chi nhánh, trưởng phòng tài vụ, nhân viên quyết toán… của công ty và hướng dẫn ứng viên (ƯV) thực hiện nhiệm vụ rồi chiếm đoạt tiền của họ.

Theo thông báo của Masan, trước mỗi lần cược, đối tượng yêu cầu ƯV chuyển tiền "rót vốn" vào tài khoản cá nhân được chỉ định và nhận bản cam kết bảo hiểm đầu tư. Khi CTV không rút được số tiền đã "rót vốn" và hoa hồng như cam kết, đối tượng tiếp tục yêu cầu CTV chuyển thêm phí "xác minh", "nâng cấp tài khoản VIP", "thuế thu nhập", "mở khóa tài khoản" để có thể rút tiền. Tuy nhiên, sau khi CTV nộp tiền vào thì đối tượng khóa tài khoản và chiếm đoạt số tiền này.

Đã có hàng trăm trường hợp phản ánh bị lừa đảo theo hình thức này với số tiền bị chiếm đoạt từ vài chục triệu lên hàng trăm triệu đồng.

Tập đoàn FPT và các công ty thành viên cũng cảnh báo những hình thức lừa đảo của các đối tượng như hẹn gặp ƯV ngay tại chân tòa nhà văn phòng của FPT sau giờ hành chính để phỏng vấn, nhắn tin tư vấn các vị trí FPT đang tuyển dụng trên các website việc làm để mời ƯV ứng tuyển. Một số đối tượng còn gửi các đường dẫn (link), hướng dẫn ƯV đăng nhập rồi nạp tiền làm nhiệm vụ... Thậm chí, còn sử dụng hình ảnh giám đốc nhân sự tập đoàn và lãnh đạo các công ty thành viên FPT để tăng thêm lòng tin cho các ƯV tham gia phỏng vấn, đóng tiền trước khi đi làm…

Theo ghi nhận, các đối tượng lừa đảo sử dụng nhiều chiêu trò rất tinh vi, thậm chí ngụy tạo thư mời, website tuyển dụng chuyên nghiệp. Chúng tạo ra những Fanpage, website y hệt như các doanh nghiệp lớn để thu hút "con mồi".

Theo jobsgo, có 4 dấu hiệu của một tin tuyển dụng lừa đảo, bao gồm: Thu phí bất thường; làm nhiệm vụ để nhận tiền; mạo danh các công ty lớn, uy tín; lấy trộm các thông tin cá nhân riêng tư.