'Cần trả lại nhiều quyền kinh doanh hơn cho doanh nghiệp nhà nước'

22/12/2022 05:00

Đại diện Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đề nghị trả lại nhiều quyền kinh doanh để doanh nghiệp nhà nước được bình đẳng hơn.

Tại Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật ngày 20/12, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh đánh giá những bất ổn về Covid-19, xung đột địa chính trị, nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu... đang đặt ra nhiều thách thức chưa từng có cho kinh tế Việt Nam. Để phục hồi sản xuất, kinh doanh, ông yêu cầu các cơ quan chức năng phải chủ động nhận diện vướng mắc pháp lý, hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp.

Vướng mắc pháp lý đối với doanh nghiệp nhà nước là một trong những vấn đề được đặt ra tại diễn đàn này.

Ông Phạm Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ tổng hợp, Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, nhìn nhận có đầy đủ quyền kinh doanh như các doanh nghiệp khác nhưng doanh nghiệp nhà nước lại bị hạn chế khi sử dụng.

Các diễn giả tại Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2022.

Các diễn giả tại Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2022. Ảnh: BTC

"Do sử dụng vốn nhà nước nên họ luôn phải báo cáo, trình bày với cấp trên trước khi quyết định một vấn đề gì", ông Tuấn Anh dẫn chứng. Từ góc độ của cơ quan có trách nhiệm quản lý phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp, ông cho rằng, phải trả lại quyền này để doanh nghiệp nhà nước được bình đẳng với các đơn vị kinh doanh khác.

Điều này theo ông sẽ mang lại hai lợi ích. Thứ nhất là giảm thiểu thời gian doanh nghiệp phải "xin phép cấp trên" trước mỗi quyết định đầu tư, kinh doanh. Thứ hai là giảm số lượng công việc của cơ quan đại diện chủ sở nhà nước. Cơ quan này bản chất chỉ nên tập trung vào định hướng chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh; kiểm tra, giám sát, xử lý các vi phạm; làm đầu mối với các đơn vị chức năng khác để tháo gỡ vướng mắc pháp luật, chính sách; hay giải trình trước Nhà nước, người dân về sử dụng vốn...

Ông Tuấn Anh cho biết, thực tế kiểm tra tại nhiều dự án chậm tiến độ, thua lỗ cho thấy, trình tự doanh nghiệp báo cáo cơ quan chức năng rất đầy đủ, thậm chí có nhiều nội dung được báo cáo nhiều lần và được chấp thuận, nhưng kết quả cuối cùng là kém hiệu quả, thất thoát. Do đó, vấn đề sẽ không nằm ở việc "phân chia quyền kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước ra nhiều thang, bậc" mà là ở quy định rõ ràng, tăng trách nhiệm của người đại diện trực tiếp phần vốn, tăng trách nhiệm kiểm tra, giám sát.

Bên cạnh đó, ông Tuấn Anh cũng đặt vấn đề, với yêu cầu doanh nghiệp nhà nước tham gia vào những lĩnh vực và các thành phần khác không làm, có nên xem điều này là nhiệm vụ chính trị xã hội để có chính sách tương thích. Đơn cử, có những dự án về sau sẽ tạo tác động thay đổi kinh tế xã hội một vùng đất, nhưng trước mắt theo tính toán là chưa hiệu quả nên theo luật, doanh nghiệp nhà nước dù muốn làm cũng không được.

Đồng tình với các ý kiến của đại diện Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, ông Đinh Việt Tùng, Phó tổng giám đốc SCIC, nói trong khi doanh nghiệp ngoài nhà nước được phép làm những gì pháp luật không cấm, doanh nghiệp nhà nước vẫn chỉ làm những gì pháp luật cho phép. Điều này sẽ tác động đến nhiều vấn đề kinh doanh trong bối cảnh thị trường vận hành rất nhanh, nhu cầu phát triển của doanh nghiệp lớn.

Bên cạnh các vướng mắc đặc thù của doanh nghiệp nhà nước, nhiều chuyên gia cho biết, đang có nhiều điểm nghẽn pháp lý trong môi trường đầu tư, kinh doanh. Điểm nghẽn này đến từ việc ban hành lẫn thực thi chính sách.

Đơn cử, ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI, cho biết, nhiều cơ quan đã thiếu tự tin, nhất quán trong ban hành chính sách, khiến các cơ quan thừa hành và đối tượng chịu sự điều chỉnh gặp khó khăn.

Hay TS Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh của CIEM, nói, không hiếm trường hợp do lúng túng trong cách hiểu các quy định pháp luật, doanh nghiệp hỏi và được các cơ quan nhà nước lại trả lời bằng cách trích dẫn văn bản pháp luật và yêu cầu "làm đúng quy định".

Trong báo cáo Chính phủ gửi Quốc hội tháng 10, lãi trước thuế của 673 doanh nghiệp nhà nước tăng 25% so với một năm trước, nhưng tổng mức thua lỗ của khối này vượt 50.000 tỷ đồng.

Chính phủ cũng đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước chưa xứng với nguồn lực nắm giữ. Một số dự án có vốn đầu tư lớn nhưng không thành công, rủi ro cao; một số dự án có lỗ lũy kế lớn, lỗ liên tiếp trong nhiều năm, phương thức tái cấu trúc chưa hiệu quả...

Đức Minh