Các hãng xe Nhật Bản đối mặt khủng hoảng ở Trung Quốc

10/05/2023 16:30

Các hãng ôtô từ xứ sở mặt trời mọc đứng trước cuộc khủng hoảng doanh số khi xe điện ngày càng chiếm ưu thế ở thị trường lớn nhất thế giới.

Xe điện ngày càng được nhiều khách hàng Trung Quốc lựa chọn, có nghĩa ôtô động cơ đốt trong dần tụt hạng. Trong khi đó, các hãng xe Nhật Bản đang là những "kẻ đến sau" trong cuộc chơi về xe điện.

Tổng doanh số của các thương hiệu ôtô Nhật Bản tại Trung Quốc đã giảm 32% trong quý I vừa qua so với cùng kỳ 2022, hơn gấp đôi so với tỷ lệ thu gọn của toàn thị trường, theo dữ liệu từ Reuters.

Trong khi các hãng khác như Volkswagen cũng từng rơi vào hoàn cảnh khó khăn ở Trung Quốc, nhưng các hãng Nhật lại khác biệt vì sự thể hiện hạn chế của họ trong phân khúc đang tăng trưởng nhanh chóng về doanh số xe điện và hybrid sạc điện.

Các thương hiệu xe điện Trung Quốc như Nio, Xpeng và Li Auto tại triển lãm ôtô Thượng Hải 2023. Ảnh: AFP

Các thương hiệu xe điện Trung Quốc như Nio, Xpeng và Li Auto tại triển lãm ôtô Thượng Hải 2023. Ảnh: AFP

Các hoạt động sản xuất và kinh doanh sẽ chịu áp lực tại Trung Quốc khi các hãng ôtô giảm sản lượng và giá bán của xe động cơ đốt trong nhằm giữ số lượng hàng trong kho trong tầm kiểm soát, theo các nhà phân tích. Các hãng xe Nhật có thể đối mặt với dấu hiệu cạnh tranh đáng lo ngại ngày càng tăng bên ngoài thị trường quê nhà. Việc điều chỉnh là khó tránh khỏi.

Hồi tuần trước, Mitsubishi nói đã dừng sản xuất mẫu SUV Outlander tại Trung Quốc trong 3 tháng và có thể phải giảm tốc độ bán hàng tại liên doanh với tập đoàn GAC.

Cũng giống các hãng xe đồng hương, Mitsbishi có kết quả kinh doanh không tốt. Dữ liệu cho thấy quý I, doanh số của hãng tại Trung Quốc giảm 58% so với cùng kỳ 2022.

Mẫu Sylphy của Nissan - một chiếc sedan từng là xe bán chạy nhất tại Trung Quốc trong 3 năm - cũng bị đánh bại trong năm 2022 bởi một mẫu xe Trung Quốc - BYD Song, một chiếc hybrid sạc điện.

Nissan cho biết đã bán được hơn 5 triệu chiếc Sylphy ở Trung Quốc trong những năm qua, thêm rằng một phiên bản hybrid sạc điện có thể được sản xuất tại Quảng Châu.

Hãng nói đang làm việc với các thành phố khác cho những dự án tương tự. Mẫu sedan bản hybrid tự sạc điện - e-Power - có thể là làm tâm điểm của sự dịch chuyển thương hiệu của Nissan ở Trung Quốc.

Toyota nói việc tiếp cận chậm rãi đối với xe thuần điện là bảo vệ lựa chọn của khách hàng, nhưng chiến lược lại đang ảnh hưởng xấu tới doanh số của hãng ở Trung Quốc.

Thị phần xe Nhật tại Trung Quốc đã giảm 18,5% trong quý I. Toyota và thương hiệu con Lexus giảm 14,5% doanh số trong 3 tháng đầu năm. Tương tự, Nissan, Mazda và Honda giảm tương ứng lần lượt là 45,8%, 66,5% và 38,2%.

Toshihiro Mibe, CEO của Honda biết rằng hãng đã bị trễ so với các đối thủ Trung Quốc về một số công nghệ phần mềm. Các hãng xe Trung Quốc "tiến xa hơn chúng tôi so với dự kiến", Mibe nói tại buổi giới thiệu tại Tokyo, Nhật Bản, về những nỗ lực của hãng trong lĩnh vực như lái tự động và các dịch vụ khác.

Các hãng xe Nhật vốn xây dựng danh tiếng trên những yếu tố như độ bền, nhưng thực tế đang xảy ra ở Trung Quốc cho thấy sức hấp dẫn của xe điện giá thấp và những điều mới mẻ dựa trên phần mềm, theo Masatoshi Nishimoto, nhà phân tích hàng đầu tại S&P Global Mobility (Tokyo, Nhật Bản).

"Các hãng xe Nhật có thể phải đối mặt với tình cảnh tương tự ở Mỹ cũng như ở Trung Quốc", Nishimoto nói.

Mỹ Anh

Bạn đang đọc bài viết "Các hãng xe Nhật Bản đối mặt khủng hoảng ở Trung Quốc" tại chuyên mục Xe.